Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức chính quyền địa phương

Tăng số lượng kỳ họp Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh

- Thứ Ba, 14/05/2019, 07:48 - Chia sẻ
Cần tăng cường hơn nữa số kỳ họp HĐND cấp tỉnh bởi đây mới là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, tránh tình trạng giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề giữa hai kỳ họp. Số lượng kỳ họp HĐND cấp tỉnh trong một năm nên là 4 kỳ như trước đây và tiến tới có thể họp thường xuyên hơn là 6 kỳ (hai tháng họp một lần). Kinh phí tổ chức kỳ họp HĐND không phải là quá lớn nhưng hiệu quả đạt được lại không nhỏ.

Không nên ủy quyền

Luật Tổ chức HĐND và UBND trước đây quy định Thường trực HĐND tỉnh có 2 hoặc 3 người (Chủ tịch và 1 hoặc 2 Phó Chủ tịch) thì Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay quy định Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm nhiều người hơn, một mô hình tương tự như UBTVQH. Về vị trí pháp lý, UBTVQH được xác định là cơ quan thường trực của QH (Điều 44 Luật Tổ chức Quốc hội), tương tự như vậy, Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND (Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương). Vì vậy, có ý kiến cho rằng, cần xây dựng nhiệm vụ của Thường trực HĐND tương tự như của UBTVQH.

UBTVQH được giao một số nhiệm vụ, quyền hạn trong thời gian QH không họp như: Bổ sung dự toán số tăng thu ngân sách nhà nước; phân bổ, sử dụng số tăng thu, số tiết kiệm chi của ngân sách trung ương, báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất (Điều 20 Luật Ngân sách nhà nước), Chính phủ trình UBTVQH quyết định điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công quy định tại các Điều 8, 9 và 10 của Luật này và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất; UBTVQH quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia và vốn trái phiếu Chính phủ giữa các bộ, ngành và địa phương trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm đã được QH quyết định (Điều 11, 75 Luật Đầu tư công)…


Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại Kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố Hải Phòng Khóa XV

Đối với Thường trực HĐND, Nghị định 136/2015/NĐ-CP đã từng quy định Thường trực HĐND được quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công thuộc cấp mình quản lý theo quy định tại Điểm b và Điểm c, Khoản 1, Điều 91 của Luật Đầu tư công khi được HĐND ủy quyền. Một số Thường trực HĐND cũng có ý kiến về nội dung này, có ý kiến cho rằng quy định như Nghị định là phù hợp với việc giải quyết vấn đề cấp bách ở địa phương, cũng có ý kiến cho rằng như vậy là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, liên quan tới trách nhiệm của Thường trực HĐND nếu quyết định sai hoặc không hiệu quả. Đến ngày 13.9.2018, Chính phủ ban hành Nghị định 120/2018/NĐ-CP bãi bỏ quy định này trong Nghị định 136/2015/NĐ-CP.

Ngày 30.1.2019, UBTVQH ban hành nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 hướng dẫn một số hoạt động của HĐND. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp thường lệ của HĐND thì tổ chức kỳ họp bất thường của HĐND để xem xét, quyết định. Như vậy, tuy không quy định về việc HĐND có hay không có ủy quyền cho Thường trực HĐND quyết định giữa hai kỳ họp nhưng tinh thần của Hướng dẫn đã rõ ràng, thống nhất với Chính phủ, là HĐND không thể ủy quyền cho Thường trực HĐND quyết định vấn đề mà luật quy định thẩm quyền thuộc về HĐND.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương có quy định về ủy quyền nhưng chỉ là ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước “Trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền bằng văn bản cho UBND cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể” (Điều 14). Như vậy, chỉ cơ quan hành chính nhà nước mới có quyền ủy quyền, việc ủy quyền cũng phải có những điều kiện ràng buộc nhất định.

Vấn đề đặt ra là sắp tới, khi sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có nên trao cho Thường trực HĐND quyền quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND trong thời gian giữa hai kỳ họp hay không. Việc này là không nên vì các lý do:

Thứ nhất, vị trí và vai trò của Thường trực HĐND không thể so sánh ngang bằng với UBTVQH, mặc dù đều là cơ quan thường trực giữa hai kỳ họp.

Thứ hai, đặc thù riêng của cơ quan QH, Hiến pháp ghi nhận QH một năm có hai kỳ họp thường lệ (khoản 2 Điều 83 Hiến pháp), trong nhiều nhiệm kỳ gần đây, QH chưa tổ chức kỳ họp bất thường. Việc tổ chức kỳ họp bất thường của QH không phải là chuyện đơn giản, dễ thực hiện, do đó, cần một cơ quan Thường trực của QH được trao một số quyền nhất định trong thời gian giữa hai kỳ họp.

Thứ ba, dễ tạo kẽ hở để UBND không trình nội dung tại kỳ họp HĐND mà đợi đến giữa hai kỳ họp mới trình Thường trực HĐND quyết định.

Giảm khoảng trống thời gian quá lớn giữa hai kỳ họp

Giải pháp nào cho việc quyết định các vấn đề của địa phương giữa hai kỳ họp HĐND, đó chính là tăng số lượng kỳ họp thường lệ của HĐND để giảm khoảng trống thời gian quá lớn giữa hai kỳ họp. Trong trường hợp thật cần thiết mới tổ chức kỳ họp bất thường.

Nhìn lại lịch sử, ngay từ văn bản đầu tiên, Sắc lệnh số 63/SL ngày 22.11.1945, tức là 2 tháng sau khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, đã quy định HĐND tỉnh bốn tháng họp một kỳ, mỗi kỳ họp dài nhất là 10 ngày, kỳ họp bàn về ngân sách có thể dài đến 15 ngày. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 1958 và Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1962 mới quy định HĐND cấp tỉnh họp một năm hai kỳ (6 tháng họp một lần). Từ năm 1983 đến năm 1994 (theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1983 và năm 1989), HĐND họp ba tháng một kỳ, tức là một năm 4 kỳ, chỉ ở miền núi, nơi nào đi lại khó khăn mới họp một năm 2 kỳ. Từ năm 1994 đến nay, trở lại quy định HĐND họp một năm 2 kỳ. Hiện nay, mỗi kỳ họp HĐND cấp tỉnh cũng không kéo dài, thường là 3 ngày, đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể kéo dài hơn khoảng 5-7 ngày. Nhiều địa phương tổ chức các kỳ họp bất thường để giải quyết vấn đề giữa hai kỳ họp.

Kỳ họp HĐND ngắn ngày nhưng lại quyết định rất nhiều nội dung quan trọng, khối lượng công việc lớn, số lượng nghị quyết thông qua mỗi kỳ nhiều (có địa phương thông qua tới hơn 20 nghị quyết trong một kỳ họp). Vì vậy, thời gian dành cho thảo luận và chất lượng thông qua các nghị quyết cũng còn là vấn đề phải cân nhắc.

Như vậy, trong thời kỳ khó khăn, việc triệu tập kỳ họp còn không thuận lợi, theo quy định HĐND cấp tỉnh họp mỗi năm 3 kỳ, đã từng có giai đoạn hơn 10 năm HĐND họp một năm 4 kỳ, tại sao đến nay số lượng kỳ họp thường lệ của HĐND ít đi. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa số kỳ họp HĐND cấp tỉnh, tránh tình trạng giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề giữa hai kỳ họp. Số lượng kỳ họp HĐND cấp tỉnh trong một năm nên là 4 kỳ như trước đây và tiến tới có thể họp thường xuyên hơn là 6 kỳ (hai tháng họp một lần). Kinh phí tổ chức cuộc họp HĐND không phải là quá lớn nhưng hiệu quả đạt được lại không nhỏ.

TS. Nguyễn Hải Long