Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường

Tăng phân cấp, rõ trách nhiệm

- Thứ Năm, 13/06/2019, 08:14 - Chia sẻ
Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, làm rõ vai trò, trách nhiệm của địa phương trong quản lý môi trường trên địa bàn là một trong những định hướng lớn khi sửa Luật Bảo vệ môi trường. Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường tại kỳ họp tháng 5.2020.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, tổng kết thực hiện Luật Bảo vệ môi trường thời gian qua cho thấy các quy định của luật “cơ bản phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững nên đã phát huy những tác động tích cực”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng liên quan.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho rằng, “việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường là yêu cầu cần thiết, cấp bách”, nhằm tiếp tục cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường; khắc phục những vướng mắc của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành và điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trình bày về những định hướng lớn sửa đổi luật, Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho biết, đối với nhóm chính sách liên quan tiêu chí sàng lọc dự án đầu tư, sẽ bổ sung các điều khoản như: Phân loại các hoạt động phát triển theo mức độ tác động môi trường (loại hình và đặc tính của chất thải phát sinh) theo 4 cấp độ, gồm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp và ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; phân vùng môi trường theo 3 cấp độ gồm vùng nhạy cảm cấp độ 1, vùng nhạy cảm cấp độ 2 và vùng nhạy cảm cấp độ 3; quy mô hoạt động phát triển (dự án đầu tư) theo 3 cấp độ lớn, trung bình và nhỏ.

Về đánh giá tác động môi trường, trên cơ sở phân loại, phân luồng các hoạt động phát triển (dự án đầu tư) theo mức độ tác động môi trường, sẽ quy định rõ mức độ đánh giá tác động môi trường đối với từng nhóm dự án (rất cao, cao, trung bình và thấp). Đồng thời, quy định rõ, đầy đủ về đối tượng, nội dung, thời điểm, quy trình thực hiện đánh giá tác động môi trường cũng như việc lập, thẩm định và hình thức chấp thuận báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Về giấy phép môi trường, hiện đang tồn tại nhiều công cụ quản lý mang tính cấp phép với sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, thủ tục dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Do vậy, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, dự án Luật sẽ bổ sung các nội dung về đối tượng phải có giấy phép môi trường; vai trò, vị trí của giấy phép môi trường (là công cụ quản lý môi trường thống nhất đối với cơ sở khi đã đi vào giai đoạn hoạt động; là căn cứ để các cơ sở thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm)…

Về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải, bổ sung yêu cầu về quản lý chất thải, trong đó có quy định về phân loại, phân luồng chất thải rắn thông thường thành các loại chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn đặc thù khác (xây dựng, y tế) và các quy định quản lý phù hợp; bổ sung các quy định về công nghệ xử lý chất thải và công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí); bổ sung quy định về sự cố môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường nói chung và sự cố do chất thải gây ra.

Liên quan nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước và việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, “sẽ sửa đổi theo hướng làm rõ trách nhiệm giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành; rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương; đặc biệt cần tăng cường phân cấp và làm rõ vai trò, trách nhiệm của địa phương trong quản lý môi trường trên địa bàn quản lý”, Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tài nói. Cụ thể, bổ sung nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tăng cường kiểm soát đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. Về phía UBND cấp tỉnh, có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao theo thẩm quyền; chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn…

Vũ Thủy