Tăng liên kết trong phát triển sản phẩm OCOP

- Thứ Tư, 12/08/2020, 05:23 - Chia sẻ
Qua khảo sát bước đầu cho thấy, Đồng Nai hiện có khoảng 190 sản phẩm OCOP. Mục đích cuối cùng của Chương trình OCOP là phải bán được sản phẩm, mang lợi nhuận về cho nông dân và giá trị cho cộng đồng, theo đó việc tăng liên kết trong phát triển sản phẩm OCOP là một trong những điều kiện quan trọng.

Nâng cao giá trị

Nhằm nhân rộng chương trình OCOP và để nâng cao giá trị thương hiện nông sản hướng đến tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn đối với các loại nông sản đặc trưng, thế mạnh của địa phương, chính quyền Đồng Nai đã có nhiều chính sách đồng bộ trong việc quản lý, chọn lọc và chú trọng vào khâu sản xuất theo hướng bền vững, tránh những trường hợp sản xuất, kinh doanh ngắn hạn, thiếu định hướng. 

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Nai cũng ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, hình thành các vùng sản xuất tập trung với nhiều mô hình ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Quan điểm phát triển NNCNC của Đồng Nai được cụ thể hóa tới từng chủ trang trại, hộ sản xuất, cổ vũ nông dân mạnh dạn đưa kỹ thuật vào các khâu, các bước trong trồng trọt, chăn nuôi. Đây chính là nền tảng cho phát triển các sản phẩm OCOP có tính cạnh tranh cao.

Sản phẩm OCOP tiêu biểu tại Đồng Nai.
Nguồn: ITN

Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, hiện nay, toàn tỉnh đã có 132 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được thực hiện thông qua ký kết hợp đồng tiêu thụ với 67 doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến và 52 hợp tác xã tham gia. Thông qua chương trình liên kết sản xuất đã hình thành các vùng chuyên canh, mỗi vùng có diện tích hàng chục hécta đều được ứng dụng kỹ thuật hiện đại để gieo trồng, chăm bón, thu hoạch và bảo quản, mang lại giá trị lợi nhuận rất lớn cho người dân và là tiền đề cho phát triển sản phẩm OCOP tại Đồng Nai.

Hơn thế nữa, Đồng Nai đang tập trung phát triển mạnh nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, hình thành, phát triển các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung với cơ cấu sản xuất hiệu quả, đáp ứng yêu cầu “4 có”: có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả cao. Hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm gắn với việc thực hiện chương trình OCOP.

Khẳng định thương hiệu

Đồng Nai có nhiều loại nông sản chủ lực như: tiêu, cà phê, điều, mít, xoài, chuối, sầu riêng, chôm chôm…  thuộc tốp đầu cả nước về diện tích và sản lượng, tuy nhiên phát triển về chế biến nhưng chủ yếu vẫn ở mức sơ chế, bán ra thị trường dưới dạng nguyên liệu thô nên còn ít nhãn hàng, thương hiệu lớn. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế… Đến nay, những hàng hóa nông sản quan trọng đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu như: bưởi Tân Triều, sầu riêng Long Khánh, tiêu Xuân Lộc, thanh long ruột đỏ Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom)…

Gắn với mỗi sản phẩm nông sản Đồng Nai đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là những câu chuyện dài phía sau về nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bằng uy tín, chất lượng… Nhưng việc xây dựng thương hiệu cho nông sản vẫn là những mảnh ghép riêng lẻ, mờ nhạt. Vì thực tế hầu như chưa có nhiều nông sản của Đồng Nai xây dựng được thương hiệu ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại Bình Lộc (thành phố Long Khánh) cho biết, từ nhiều năm trước hợp tác xã đã sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; chôm chôm Long Khánh là một trong số ít trái cây được cấp chỉ dẫn địa lý nhưng do chưa đồng bộ trong việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chưa tự phát triển được thị trường nên khi cung cấp chôm chôm, sầu riêng vào các trung tâm thương mại ở Hà Nội hay cho doanh nghiệp xuất khẩu ở tỉnh Bến Tre, sản phẩm của hợp tác xã đều phải “mượn” tên của đơn vị trung gian. “Đó cũng là nguyên nhân trái chôm chôm Long Khánh nổi tiếng về chất lượng ngon nhưng đến nay vẫn chưa có nhãn hiệu, thương hiệu riêng được thị trường nhận diện” - ông Tâm chia sẻ.

Theo Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Đồng Nai, trong thời gian tới, Sở sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình OCOP phát triển hệ thống phân phối đồng bộ khi tổ chức nguồn hàng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng các mô hình liên kết gắn chặt giữa sản xuất và tiêu thụ, liên kết hợp tác kinh doanh phát triển thị trường, xây dựng hệ thống đại lý bán hàng, xây dựng mạng lưới cửa hàng nhượng quyền thương mại.

Sở Công thương cũng cho biết, sẽ huy động các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng, kinh doanh các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đưa các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP đủ điều kiện vào các kênh phân phối hiện đại như: siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử.

Theo ông Trần Quang Trung, Giám đốc HTX thương mại - dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (xã Tà Lài, huyện Tân Phú), sau khi được chọn tham gia chương trình OCOP của địa phương, HTX đang chú trọng phát triển mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 40ha. HTX hướng đến hoạt động sản xuất hiện đại, khép kín để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng các kênh tiêu thụ bền vững. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng đầu ra cho sản phẩm OCOP là mối quan tâm lớn của HTX, nhất là tìm kiếm các thị trường tiêu thụ, kênh bán hàng bền vững cho các sản phẩm sạch, đạt chất lượng tốt. Do đó, các HTX mong muốn có thêm nhiều hoạt động kết nối giao thương với các thị trường lớn, tiềm năng, cũng như có thêm các cầu nối để đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn.

Theo ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh, để người dân hoàn thiện sản phẩm có lợi thế ở từng vùng miền. Mục đích cuối cùng là phải bán được sản phẩm đi xa hơn, mang đến lợi nhuận cho nông dân và giá trị cho cộng đồng nhiều hơn. Theo đó, việc tập trung kênh thị trường xuất khẩu cũng là một trong những tiêu chí quan trọng.

Việt Anh