Vai trò của các Ủy ban trong quá trình Lập pháp ở nghị viện một số nước

Tăng hiệu quả lập pháp

- Chủ Nhật, 15/03/2020, 08:42 - Chia sẻ
Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, Nghị viện có xu hướng dựa vào các ủy ban để tiến hành các công việc của cơ quan lập pháp. Điều này làm tăng hiệu quả hoạt động của cơ quan lập pháp, do yêu cầu đặt ra với Nghị viện ngày càng nhiều trong khi cơ quan lập pháp khó lòng xem xét tường tận mọi vấn đề trong quá trình thực hiện chức năng của mình.

Phân chia công việc

Việc phân chia công việc xem xét, thẩm tra các dự luật của Nghị viện cho các ủy ban giúp chia nhỏ công việc của Nghị viện thành các nội dung cụ thể và có thể được tiến hành đồng thời. Cách làm này giúp tiết kiệm tối đa thời gian làm việc của Nghị viện, nhất là trong điều kiện thời gian hoạt động của cơ quan lập pháp luôn bị hạn chế. Phân chia công việc của cơ quan lập pháp cho các ủy ban còn giúp các nghị sĩ phát huy khả năng chuyên môn, có điều kiện đi sâu vào những vấn đề họ quan tâm; đồng thời, có điều kiện theo dõi tốt hơn hoạt động của các bộ, ngành thuộc nhánh hành pháp trong lĩnh vực phụ trách. Cơ chế hoạt động theo các ủy ban còn làm tăng thêm tính chắc chắn cho các quyết định của Nghị viện trên cơ sở thông tin do hệ thống ủy ban cung cấp. Bên cạnh đó, việc ủy ban tiến hành các cuộc trao đổi và tham vấn công chúng tạo cơ hội cho các nhà học thuật, các chuyên gia không thuộc cơ quan chính phủ và giới doanh nghiệp nắm bắt tình hình thực thi pháp luật của nhánh hành pháp cũng như tham gia góp ý kiến vào các dự án luật. Các cuộc trao đổi và tham vấn công chúng còn cung cấp thông tin và định hướng có giá trị cho các cuộc thảo luận tại ủy ban; đồng thời, tạo được sự ủng hộ của giới chuyên gia cho những đề xuất và quyết định sau này của ủy ban.

Trên thế giới, các nước có quy định khác nhau về thành lập các ủy ban của Nghị viện, từ số lượng, cơ cấu tổ chức tới vai trò, thẩm quyền của ủy ban. Ở Nga, Viện Đuma Quốc gia (Hạ viện) thành lập 26 ủy ban và 6 hội đồng. Trong Quốc hội Ấn Độ, Lok Sabha (Hạ viện) Khóa 16 hiện có ủy ban thường trực và ủy ban lâm thời. Trong đó, riêng ủy ban thường trực có 3 ủy ban phụ trách các vấn đề liên quan đến tài chính và 10 ủy ban phụ trách các lĩnh vực chuyên môn khác. Ngoài ra, Hạ viện đã thành lập 10 ủy ban lâm thời trong nhiệm kỳ 2014 - 2019. Quốc hội Pháp gồm trên 500 đại biểu nhưng chỉ có 6 ủy ban thường trực.

Khâu quan trọng trong quy trình lập pháp

Ở hầu hết các nước trên thế giới, ủy ban của Nghị viện là nơi cung cấp cho cơ quan lập pháp những kiến thức chuyên sâu về chính sách, được thể hiện trong dự luật và cũng chính là nơi giải quyết những vấn đề kỹ thuật phức tạp nhất của quá trình soạn thảo luật. Ủy ban tạo ra khoảng không gian và thời gian cần thiết để phân tích và thảo luận về dự án luật một cách hiệu quả hơn so với các phiên họp toàn thể của nghị viện. Chính vì vậy, mặc dù ở tất cả các nghị viện, phiên họp toàn thể là nơi quyết định cuối cùng đối với dự án luật nhưng giai đoạn xem xét dự luật tại ủy ban lại là nơi chiếm nhiều thời gian nhất trong quá trình lập pháp tại Nghị viện.

Vai trò và mức độ tham gia của các ủy ban của Nghị viện trong quy trình lập pháp ở mỗi nước khác nhau, phụ thuộc vào thể chế chính trị, mối quan hệ giữa tầm quan trọng của các ủy ban trong cơ quan lập pháp cũng như tầm quan trọng, ảnh hưởng của các chính đảng trong cùng một tổ chức.

Nhìn chung, các ủy ban của Nghị viện được chia thành hai loại: thường trực và lâm thời. Phần lớn các Nghị viện có ủy ban thường trực với thẩm quyền trong quá trình soạn thảo luật (như sáng kiến lập pháp và trình dự thảo luật) có quyền chỉ định các ủy ban lâm thời nhằm điều tra, xem xét những vấn đề cụ thể. Những ủy ban này thường có báo cáo gửi cho Quốc hội hoặc công bố với công chúng, trong đó nêu ra những vấn đề mà họ phát hiện cũng như kết luận của ủy ban. Các Nghị viện lưỡng viện có thể thành lập ủy ban chung, thường trực hoặc lâm thời, với các thành viên đến từ cả hai viện, nhằm xem xét những vấn đề chung được hai viện quan tâm hoặc thu hẹp bất đồng liên quan tới dự án luật đang được xem xét thông qua.

Trong Quốc hội Mỹ, Thượng viện và Hạ viện đều có hệ thống ủy ban riêng. Về cơ cấu tổ chức, có ba loại ủy ban gồm: Ủy ban thường trực, được thành lập trong suốt nhiệm kỳ của Nghị viện và có nhiệm vụ thẩm tra các dự luật cũng như giám sát hoạt động của các cơ quan, các chương trình, dự án của Chính phủ. Ủy ban đặc biệt, có thể tồn tại lâu dài hoặc lâm thời, thực hiện những nhiệm vụ nhất định như tiến hành điều tra, nghiên cứu. Ủy ban chung gồm thành viên của cả 2 viện, nhằm giải quyết những bất đồng giữa Thượng viện và Hạ viện trong quá trình xem xét, giải quyết một số vấn đề cụ thể của Quốc hội.

Các ủy ban thường trực trong Quốc hội Mỹ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quy trình lập pháp, do chịu trách nhiệm xem xét, thẩm tra mọi dự án luật do Tổng thống hoặc nghị sĩ trình; đồng thời, giám sát hoạt động của nhánh hành pháp. Các thành viên của ủy ban trở thành người nắm giữ thẩm quyền trong những vấn đề thuộc lĩnh vực mà ủy ban đó phụ trách. Thẩm quyền này được công nhận trong chính giới lập pháp cũng như truyền thông và công chúng. Do đó, tham gia làm thành viên trong các ủy ban của Nghị viện trở thành công cụ để các chính khách thiết lập quyền lãnh đạo trong cơ quan lập pháp cũng như ảnh hưởng trên chính trường.

Trong Nghị viện Anh, cả Hạ viện và Thượng viện đều có riêng hệ thống các ủy ban gồm: uỷ ban lựa chọn (thường trực), ủy ban lâm thời và ủy ban hỗn hợp. Trong đó, các ủy ban lựa chọn của Hạ viện có thẩm quyền giám sát công việc của các cơ quan, bộ, ngành; xem xét các vấn đề có ảnh hưởng tới đất nước hoặc từng vùng, khu vực; xem xét và đưa ra khuyến nghị về quy định và thủ tục trong Hạ viện. Các ủy ban lựa chọn của Thượng viện được chỉ định nhằm xem xét các vấn đề chung như liên quan đến Hiến pháp hoặc kinh tế. Các ủy ban hỗn hợp, gồm các thành viên đến từ cả hai viện, được thành lập nhằm xem xét các vấn đề cụ thể như Ủy ban chung về cải cách, Ủy ban chung về đơn giản hóa thuế. Khác với Quốc hội Mỹ, các ủy ban lâm thời của Nghị viện Anh chịu trách nhiệm xem xét sơ bộ các dự án luật và các ủy ban thường trực có chức năng giám sát giới hạn.

Quốc hội Pháp thành lập các ủy ban thường trực với thẩm quyền cụ thể. Tuy nhiên, các ủy ban của Quốc hội chỉ có thẩm quyền giới hạn trong quá trình ra quyết định, do không thể chỉnh sửa mục đích ban hành luật của Chính phủ mà chỉ có thể thực hiện những sửa đổi, bổ sung mang tính kỹ thuật trong các dự thảo luật.

Ở phần lớn các nước còn lại, trong đó có Đức và Thụy Điển, các ủy ban chuyên môn tham gia rất tích cực trong quy trình lập pháp, nhưng lại không đóng vai trò quan trọng như các ủy ban thường trực của Quốc hội Mỹ.

Nhật An