Tăng độc lập của tòa án và chất lượng tranh tụng

- Thứ Tư, 11/06/2014, 15:22 - Chia sẻ
Trao đổi với PV Báo ĐBND về dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), ĐBQH ĐINH THỊ MAI LAN (CAO BẰNG) cho rằng, chất lượng xét xử các bản án không phụ thuộc nhiều vào mô hình tổ chức tòa án. Đổi mới ở đây nên nhấn mạnh vào việc đổi mới công tác xét xử, cải tiến công tác xét xử bằng các điều kiện, phương thức để tăng sự độc lập của tòa án, tăng chất lượng tranh tụng…
 

- Khi xét xử, thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc đã được Hiến định. Theo đại biểu, nguyên tắc này được thể hiện như thế nào trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)?
 
ĐBQH Đinh Thị Mai Lan: Tôi cho rằng, nguyên tắc tuân theo pháp luật là nguyên tắc thể hiện rõ nhất bản chất của các cơ quan tư pháp, đây cũng là nguyên tắc đặt pháp luật đúng vị trí thượng tôn của nó. Trong dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) lần này, Điều 5 đã quy định các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân. Có thể kể đến như quy định về thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Nguyên tắc xét xử độc lập cũng được thể hiện ở giá trị pháp lý của bản án. Dự thảo luật có quy định bản án, quyết định của Tòa án nhân dân phải nghiêm chỉnh thi hành.

Bên cạnh đó, chế định hội thẩm và thẩm phán trong dự thảo lần này cũng được quy định cụ thể hơn. Ngoài ra, còn có nguyên tắc các tòa án tổ chức và hoạt động theo thẩm quyền xét xử chứ không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Đây cũng là một điểm mới được quy định tại dự thảo luật lần này.
 
- Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, đây là nguyên tắc trong xét xử. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trên thực tế tính độc lập giữa Thẩm phán và Hội thẩm đôi khi còn hình thức do trình độ của Hội thẩm hiện nay chưa thực sự bảo đảm theo yêu cầu. Đại biểu cho biết ý kiến của mình về vấn đề này như thế nào?
 
ĐBQH Đinh Thị Mai Lan: Theo ý kiến cá nhân tôi, hai chế định này thực tế trong xét xử không phải lúc nào cũng được phân định rõ ràng. Trước hết là do cách tổ chức hội thẩm như hiện nay, Hội thẩm được HĐND bầu ra, dưới sự giới thiệu của MTTQ bảo đảm nguyên tắc cơ cấu đại diện cho một nhóm người trong xã hội, cho nên nhiều hội thẩm chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn về pháp luật. Mối liên hệ giữa Hội thẩm và các cơ quan bầu ra mình cũng như với tòa án cũng rất mờ nhạt. Ở một góc độ nào đó thì hội thẩm ít nhiều cũng phụ thuộc vào các quyết định của Chánh án, thẩm phán.

Trong dự thảo luật lần này cũng có quy định mới, đó là tăng sự độc lập cho Hội thẩm. Với quy định Hội thẩm được quyền yêu cầu chánh án tòa án trả lời, giải thích nếu như trong một năm Hội thẩm không được phân công xét xử bản án nào. Hoặc việc phân công hội thẩm tham gia xét xử vụ án cụ thể phải được lựa chọn ngẫu nhiên. Tôi cho rằng, đây là những quy định phù hợp nhằm nâng cao vị thế của Hội thẩm.
 
- Đại biểu đánh giá như thế nào về việc kéo dài nhiệm kỳ của thẩm phán như trong dự thảo Luật? 
 
ĐBQH Đinh Thị Mai Lan: Tôi cho rằng, chất lượng xét xử các vụ án và những hạn chế trong thời gian vừa qua (nếu có) thì cũng không phụ thuộc nhiều vào mô hình tổ chức tòa án, cũng như không phụ thuộc nhiều vào nhiệm kỳ của thẩm phán mà chủ yếu do trình độ của thẩm phán, quy trình tố tụng, thẩm quyền...

Quan điểm của cá nhân tôi, nhiệm kỳ của thẩm phán 5 năm là phù hợp. Bởi vì, thông thường có rất ít thẩm phán khi hết nhiệm kỳ mà không được bổ nhiệm lại, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt do những vấn đề khác hay có vi phạm về đạo đức nghề nghiệp. Hơn nữa, việc quy định nhiệm kỳ như vậy cũng giúp các thẩm phán phấn đấu tốt hơn.
 
- Thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực là một trong những nội dung mới được đưa ra trong dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) lần này. Tuy nhiên, đây là vấn đề đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Theo đại biểu, việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực có thực sự phù hợp với tình hình nước ta hiện nay?

ĐBQH Đinh Thị Mai Lan:
Theo lập luận của cơ quan soạn thảo, thành lập tòa án sơ thẩm khu vực để tăng cường tính độc lập của tòa với cơ quan hành chính ở cấp huyện, nhất là trong xét xử các vụ án hành chính. Điều này cũng nhất quán với nguyên tắc "tổ chức và hoạt động theo thẩm quyền xét xử". Tuy nhiên, theo tôi, lập luận như vậy là cũng chưa thật thuyết phục. Như tôi đã nói ở trên, chất lượng xét xử các bản án không phụ thuộc nhiều vào mô hình tổ chức sơ thẩm. Hơn nữa, nếu chúng ta thay đổi mô hình ở cấp sơ thẩm nhưng ở cấp tỉnh vẫn giữ nguyên có nghĩa là vẫn phụ thuộc về mặt hành chính.
 
Tôi cho rằng đổi mới ở đây nên nhấn mạnh vào việc đổi mới ở công tác xét xử, cải tiến công tác xét xử bằng các điều kiện, phương thức để tăng sự độc lập của tòa án, tăng chất lượng tranh tụng, cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán.
 
Trong thời điểm hiện nay, tôi nghĩ việc tổ chức các tòa án sơ thẩm khu vực, việc gom các tòa án cấp huyện thành một khu vực cần phải xem xét đến yếu tố về con người, cơ sở vật chất, sự thuận tiện cho hoạt động xét xử, đồng thời cũng lường trước những thay đổi trong các mối quan hệ giữa tòa khu vực với chính quyền cũng như với cơ quan dân cử trong địa hạt tư pháp. 
 
- Xin cảm ơn Đại biểu!

Hà An - Lê Hoa thực hiện