Giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Khóa XVI

Tăng đầu tư cho cơ sở y tế

- Chủ Nhật, 04/08/2019, 08:16 - Chia sẻ
Không kém phần sôi nổi, một trong những nội dung thu hút được sự theo dõi của đông đảo của cử tri và các đại biểu tại kỳ họp đó chính là phiên giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh và khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2018”. Các đại biểu đã thẳng thắn làm rõ những tồn tại, vướng mắc, đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh và khám, chữa bệnh BHYT cho người dân.

Từng bước được nâng lên

Nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, những năm qua, Vĩnh Phúc đã không ngừng tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, thực hiện tốt chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh (KCB) và KCB BHYT cho người dân. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 15 cơ sở khám chữa bệnh công lập trực thuộc Sở Y tế; 137 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc Trung tâm y tế các huyện, thành phố. Ngoài ra, có 3 bệnh viện trực thuộc bộ, ngành đóng trên địa bàn và 209 cơ sở KCB ngoài công lập. Tổng số cán bộ trong ngành y tế là 4.408 người, đạt tỷ lệ 10,6 bác sĩ/vạn dân, dược sĩ đại học đạt 0,93 dược sĩ/vạn dân.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác KCB và KCB BHYT trên địa bàn. Tổng mức đầu tư công đã được nâng từ 4% giai đoạn 2010 - 2015 lên 7% nguồn vốn đầu tư phát triển hằng năm của tỉnh cho ngành y tế trong giai đoạn 2016 - 2020; đầu tư nguồn ngân sách tỉnh khoảng 220 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị y tế cho các cơ sở KCB. Các đơn vị y tế triển khai trung bình 140 dịch vụ kỹ thuật mới; tỷ lệ người tham gia BHYT cũng được nâng lên, đến thời điểm hiện tại tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã đạt 91,72%…

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song qua đợt giám sát thực tế tại các địa phương; qua Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và đánh giá của các đại biểu tại kỳ họp cho thấy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về về KCB và KCB BHYT trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2018 còn một số hạn chế, như: Chậm điều chỉnh quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế; cơ sở vật chất của đa số các cơ sở KCB còn hạn chế, xuống cấp; việc phát triển kỹ thuật theo phân tuyến tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm y tế cấp huyện theo chỉ tiêu của Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy đạt tỷ lệ thấp; tình trạng chuyển tuyến điều trị còn cao, nhất là chuyển lên tuyến Trung ương. Nguồn nhân lực y tế công lập trên toàn tỉnh tại các cơ sở khám chữa bệnh còn thiếu so với quy định của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ…


Đại biểu phát biểu tại phiên giám sát tại kỳ họp 
Ảnh: Nguyễn Ánh

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao

 Sở Y tế - cơ quan đầu mối chủ trì phối hợp với các cơ quan, UBND cấp huyện tham mưu giúp UBND tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp đã đề ra trong giải quyết những vấn đề đại biểu, cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quan tâm. Đặc biệt, sau phiên giám sát HĐND tỉnh ban hành nghị quyết “Về việc tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh”.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Kim Khải

Để từng bước tháo gỡ những nút thắn, đại biểu Phạm Quang Nguyên (huyện Tam Đảo) kiến nghị, ngành y tế cần chuẩn bị nguồn nhân lực cho các bệnh viện, nhất là trong công tác KCB. Có chính sách tiếp nhận, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Xuân Viễn (huyện Tam Dương) cho rằng, cần có các chính sách ưu đãi, thu hút đội ngũ bác sĩ, nhất là những bác sĩ có chuyên môn, kỹ thuật cao; tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, cần sắp xếp, bố trí mạng lưới các trạm y tế xã để tránh lãng phí nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả KCB cho nhân dân. Đại biểu Trần Việt Cường (huyện Vĩnh Tường) nhấn mạnh: Cần tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư đối với lĩnh vực y tế và dịch vụ y tế; tăng cường thu hút đầu tư các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân; nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ…

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nguyễn Thanh Hải thừa nhận những tồn tại, bất cập thuộc lĩnh vực quản lý, đồng thời cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các cơ sở KCB; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng KCB; có chính sách thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực này; đẩy mạnh xã hội hóa, liên doanh liên kết; phát triển dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến đáp ứng nhu cầu KCB của người dân. Đặc biệt, nêu cao tinh thần tự chủ của mỗi cơ sở KCB, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Kết luận phiên giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Kim Khải đề nghị: UBND tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác KCB và KCB BHYT trên địa bàn. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực bảo đảm thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy. Phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp trong các lĩnh vực chuyên khoa và các tuyến. Bảo đảm tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ trên 1 vạn dân, tỷ lệ giữa bác sĩ và điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên theo lộ trình. Chú trọng phát triển nhân lực y tế có trình độ cao để có những chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên khoa và các tuyến…

Cùng với đó, cần xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển các cơ sở KCB đa khoa, chuyên khoa, điều dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn. Khuyến khích các cơ sở y tế đầu tư hiện đại hóa, cung cấp các dịch vụ cao cấp, theo yêu cầu của người có thu nhập cao, người nước ngoài sinh sống và làm việc trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh xây dựng và thực hiện chương trình phát triển y học cổ truyền, gắn với tiềm năng lợi thế của tỉnh về nguồn dược liệu. Nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về KCB và KCB BHYT, đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn…

BÁCH HỢP