Đoàn ĐBQH TP Hà Nội TXCT chuyên đề kết quả thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Tăng cường trách nhiệm các ban, ngành liên quan

- Thứ Sáu, 23/08/2019, 07:13 - Chia sẻ
Việc ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của TCTD. Tuy nhiên, qua TXCT chuyên đề của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội mới đây về nội dung này, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được nêu ra, kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục, nhất là việc tăng cường trách nhiệm của các ban, ngành liên quan.

Chưa tích cực phối hợp xử lý

 Đánh giá cao nỗ lực giải quyết nợ xấu của thành phố trong 2 năm qua, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,8% xuống còn 2,02% tổng dư nợ, chất lượng tín dụng của Hà Nội - Trung tâm đầu tàu về tài chính, chiếm 30-40% nguồn tài chính của cả nước đã được cải thiện. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để quản lý tốt nợ xấu, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bên liên quan, chống lợi ích nhóm, đặc biệt là tình trạng cán bộ ngân hàng liên kết với hoạt động “tín dụng đen”. Bởi trên địa bàn thành phố, nạn “tín dụng đen” thời gian qua hoạt động rất mạnh.

Theo Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn: Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, việc xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn đã có những bước chuyển biến khá tích cực, giúp các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu nguy cơ thất thoát vốn; khách hàng có nợ xấu trả nợ có xu hướng tăng lên, chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ các TCTD. Tình trạng chủ tài sản cố ý chây ỳ, chống đối kéo dài thời gian trả nợ giảm. Nhờ vậy, từ tháng 8.2017 đến nay, nợ xấu đã được xử lý theo Nghị quyết 42 của các TCTD trên địa bàn là 46,48 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN chi nhánh Hà Nội cũng thừa nhận: Tại một số địa phương, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của các cấp chính quyền và cơ quan hữu quan chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, còn xem đây là lĩnh vực riêng của ngành ngân hàng nên chưa tích cực phối hợp xử lý; việc kê biên, bán đấu giá, cưỡng chế bàn giao tài sản cho người đấu giá thành công còn chậm, nhiều vụ việc kéo dài… Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Hà Nội kiến nghị thành phố xem xét, có quy định chế tài giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm bảo đảm an ninh, trật tự của chính quyền cấp huyện, xã và cơ quan công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, hỗ trợ tốt nhất trong quá trình TCTD tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tại địa phương.

Ở góc nhìn khác, theo đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Phạm Sơn La: Trên thực tế, việc thu giữ tài sản liên quan đến Nghị quyết 42 gặp khó khăn, nhiều chủ tài sản, khách hàng bất hợp tác. Tại nhiều địa phương, việc thu hồi các tài sản bảo đảm chủ yếu là đất trống và nhà hoang; với trụ sở vẫn đang hoạt động hoặc có người ở việc thu hồi gặp rất nhiều khó khăn. Cơ quan thi hành án khi đấu giá thành công việc cưỡng chế bàn giao gặp nhiều vướng mắc, phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện mới thực hiện được. Ngân hàng với lực lượng mỏng, sự vào cuộc của cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương còn hạn chế. Đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam kiến nghị: Bộ Công an phân công trách nhiệm cụ thể của cơ quan công an các cấp hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội.
Cùng quan điểm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank Phạm Mạnh Thắng kiến nghị cơ quan công an cùng chính quyền địa phương các cấp tăng cường hơn nữa việc bảo đảm an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD thu giữ  tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu. Cương quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối cản trở, đe dọa các bên thu giữ tài sản được thực hiện đúng theo Nghị quyết 42.

Toàn cảnh buổi TXCT chuyên đề Ảnh: Khánh Duy

Mở rộng thị trường mua bán nợ

Liên quan đến việc mua bán nợ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: Đối với thị trường tài chính nước ngoài, đơn cử như ở Mỹ, thủ tục đấu giá rất đơn giản, trong khi đó tại Việt Nam việc đấu giá lại rất phức tạp. Việc thi hành án liên quan đến xử lý nợ xấu còn có tiêu cực, làm chậm quá trình thanh toán, giải quyết nợ xấu. Theo chuyên gia, khi nào hiện tượng tiêu cực trong thi hành án vẫn tồn tại thì việc giải quyết nợ xấu vẫn còn nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 có quy định thị trường mua bán nợ nhưng hiện chỉ có thị trường mua bán nợ thu hẹp, bao gồm các ngân hàng thương mại, các công ty AMC của ngân hàng thương mại, hay VAMC của ngân hàng Nhà nước… Vì vậy, cần thúc đẩy việc thành lập thị trường mua bán nợ rộng rãi, có sự tham gia của nhiều tổ chức tín dụng.

Ở góc nhìn khác, Tổng giám đốc Công ty quản lý nợ của Ngân hàng Techcombank Nguyễn Thu Lan cho rằng: Trách nhiệm của các đơn vị liên quan cũng cần được xem xét. Trong đó, có ngành thuế và tài nguyên - môi trường. Liên quan đến vấn đề này, Vụ Trưởng vụ Quản lý thuế, Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Phụng giải trình: Các doanh nghiệp nợ thuế áp dụng theo Nghị quyết 42 thực thi rất tốt, hầu như không vướng mắc gì nhiều, nhưng đối với cá nhân thì có phức tạp hơn. Vì hiện nay, Hà Nội cho phép người dân được ghi nợ tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Vì vậy, hiện có 2 loại giấy chứng nhận QSDĐ, một ghi đã được nộp thuế trước bạ và một loại ghi nợ khoản tiền này. Theo Luật Đất đai, khi tham gia giao dịch, người có đất đai đó phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước thì mới giao dịch được. Thực tế, vướng thủ tục là đối với những giấy chứng nhận QSDĐ còn nợ tiền thuế sử dụng đất. Đa số những trường hợp vướng mắc liên quan đến giấy chứng nhận QSDĐ nợ tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, đại diện Tổng cục Thuế kiến nghị việc bỏ thí điểm đối với Nghị quyết 42 mà quy định thành luật để các đơn vị không dựa vào việc thí điểm trốn tránh trách nhiệm.

KHÁNH DUY