Tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp

- Thứ Tư, 21/08/2019, 08:24 - Chia sẻ
Xác định thu hút đầu tư là giải pháp then chốt, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, vì vậy ngay từ cuối năm 2018, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành chương trình xúc tiến đầu tư năm 2019 với mục tiêu toàn tỉnh phấn đấu có từ 12 - 15 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư ước khoảng 1.500 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tham gia vào thị trường thông qua hoạt động đầu tư.

Tăng cường thu hút đầu tư

Với quyết tâm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thời gian qua, Điện Biên đã vận dụng linh hoạt quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư lớn đến đầu tư tại tỉnh. Nhờ vậy, tình hình xúc tiến, thu hút đầu tư có sự chuyển biến tích cực. Năm 2018, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho 25 dự án và 4 dự án đang hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 4.900 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho 5 dự án thuộc các lĩnh vực: Nông - lâm nghiệp, thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng, thương mại, hạ tầng khu đô thị… Trong đó kêu gọi, thu hút đầu tư 6 dự án vào cụm công nghiệp, 16 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và 3 dự án khai thác chế biến khoáng sản.

Ðến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 150 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 26 nghìn tỷ đồng, trong đó 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Thông qua công tác xúc tiến đầu tư một số tập đoàn kinh tế lớn như: Vingroup, FLC, TH Truemilk, Vietjet Air... quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư và đăng ký dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Năm 2019 này, Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu có từ 12 - 15 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư ước khoảng 1.500 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đang xem xét đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư cho 9 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT), với tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch - Ðầu tư, cho biết: Ðể đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, tỉnh đã đưa ra 2 nhóm giải pháp, gồm: nhóm giải pháp về chỉ đạo điều hành và nhóm giải pháp về triển khai thực hiện. Cụ thể, cần tập trung bám sát các chỉ đạo điều hành của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển; nâng cao nhận thức, tạo sự vào cuộc tích cực, chủ động, đồng bộ của cả hệ thống chính trị về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tập trung phát triển nguồn nhân lực phù hợp, có chất lượng; bám sát hướng dẫn của các bộ, ngành để sớm có những quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù tạo môi trường, cơ chế, chính sách ưu đãi, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư…

Một trong những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh là kết cấu hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ. Thực tế đã có những nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng chi phí vận chuyển quá lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí ngừng hoạt động. Vì vậy, việc tập trung phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ được xem là một trong các giải pháp “căn cơ” trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm, như: Sân bay Ðiện Biên Phủ; khu trung tâm hành chính; đường Thanh Minh - đồi Ðộc Lập và khu dân cư phía bắc TP Ðiện Biên Phủ. Việc nâng cấp Sân bay Ðiện Biên Phủ sẽ giải quyết được nhiều khó khăn về giao thông trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư - Ông Sông chia sẻ thêm.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư

Tỉnh Điện Biên tổ chức định kỳ hội nghị gặp mặt và đối thoại các doanh nghiệp, nhà đầu tư để đánh giá và ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm vừa qua. Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất, hiệu quả hơn, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo thiết lập cơ chế tiếp thu kịp thời nhất những kiến nghị của doanh nghiệp. Chia sẻ đồng hành với doanh nghiệp, trên tinh thần chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp, kiến tạo cùng doanh nghiệp. Cương quyết xử lý các cán bộ nhũng nhiễu gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 19 của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung đổi mới công tác chỉ đạo điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường thực hiện các cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển để doanh nghiệp thực sự trở thành động lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh. Cụ thể hóa các cơ chế chính sách của Trung ương phù hợp với điều kiện của địa phương.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh đã có nhiều đổi mới theo hướng mời gọi trực tiếp các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, thương hiệu trong và ngoài nước tập trung vào một số dự án trọng tâm, trọng điểm thuộc các lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh như: Du lịch, nông nghiệp, công nghiệp... để làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho biết, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh ghi nhận những cách làm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp trong thời gian qua. Đối với chỉ số về Thiết chế pháp lý, năm 2016 chỉ ở mức điểm 4,67 điểm, nay đã tăng lên 7,09 điểm. Con số đó có được là nhờ thời gian qua, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp những vấn đề liên quan đến pháp lý. Bản thân Hiệp hội doanh nghiệp cũng đã có nhiều nỗ lực, điển hình là thành lập được Trung tâm tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đây được xem như “người bảo trợ” pháp lý cho doanh nghiệp.

Bảo Loan