Tăng cường thống nhất nhận thức trong phát triển kinh tế hợp tác

- Thứ Hai, 14/10/2019, 14:17 - Chia sẻ
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019, do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay.

“Có chính sách hỗ trợ chưa thực hiện”

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tính đến tháng 9.2019, cả nước có 23.905 hợp tác xã (HTX), tăng 6,5% so với năm 2018, trong đó 22.649 HTX đang hoạt động. Có 54/63 tỉnh, thành phố tăng số lượng HTX. Trong 9 tháng qua, cả nước thành lập mới 2 Liên hợp HTX, nâng tổng số Liên hợp HTX toàn quốc đạt 76, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, vận tải. Tổng vốn điều lệ của các HTX là 32 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản 171 nghìn tỷ đồng, trong đó Quỹ dụng nhân dân đạt trung bình 96 tỷ đồng/quỹ. Doanh thu bình quân HTX 4,2 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân 305 triệu đồng/HTX.

Về tổ hợp tác, cả nước có trên 100 nghìn tổ hợp tác, trong đó tổ hợp tác nông nghiệp chiếm 32%, phi nông nghiệp chiếm 68% với các hình thức hợp tác đa dạng, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, kinh tế hợp tác (KTHT), HTX với tư cách là một thành phần kinh tế “có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, xã hội của nước ta”. Trên thực tế, theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, Nhà nước có 6 chính sách hỗ trợ đối với HTX, Liên hiệp HTX (Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã). Bên cạnh đó, có 2 chính sách ưu đãi (ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; ưu đãi lệ phí đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí)…

Tuy nhiên, “công tác triển khai còn rất nhiều hạn chế. Có chính sách hầu như chưa thực hiện được như chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng. Một số chính sách có thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao như chính sách ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm… Số lượng HTX được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước chưa nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận.

Do đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, việc tổ chức Diễn đàn “rất có ý nghĩa, là dịp để các HTX và các cơ quan quản lý Nhà nước, các đoàn thể, hiệp hội nhận diện rõ hơn các cơ hội, thách thức, những vấn đề mới trong phát triển KTHT, HTX nước ta nói riêng và thế giới nói chung; thực hiện vai trò chuyển tải những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng HTX tới các cơ quan Chính phủ”.


Toàn cảnh Diễn đàn.

Chính sách tiệm cận theo nguyên tắc thị trường

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng,đến thời điểm này, có thể khẳng định mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Nghị quyết số 13) là đưa kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài đã thực hiện được. Bằng chứng là có 57% số HTX trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tỷ lệ này trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt từ 50 – 80%. Nếu so sánh với khu vực doanh nghiệp có khoảng 50% có lợi nhuận và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ thấy con số này rất có ý nghĩa, trong bối cảnh các HTX vốn rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, mục tiêu tăng trưởng cao hơn, có tỷ trọng cao hơn trong nền kinh tế chưa đạt được. Nếu như năm 2003, tỷ trọng kinh tế tập thể trong GDP đạt khoảng 7,4% thì hiện chỉ còn 4%.

Về định hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, trước hết cần có giải pháp để tăng cường thống nhất nhận thức hơn nữa trong quan điểm phát triển KTTT. Ở đâu cấp ủy quan tâm thì ở đó KTHT phát triển. “Hôm nay nhìn theo hàng ghế dành cho lãnh đạo bộ ngành dự Diễn đàn có mấy người! Rất tiếc mấy ngành quan trọng như tài nguyên môi trường, ngân hàng, tài chính nhưng không có lãnh đạo cấp bộ ngành đi dự, giao cho các đồng chí vụ trưởng, vụ phó thì làm sao mà phát triển được!”, Phó Thủ tướng thẳng thắn phê bình.

Thêm nữa, “mối quan tâm của chúng ta không đồng đều” khi “cứ nói HTX là nói đến nông nghiệp mà không quan tâm nhiều đến lĩnh vực phi nông nghiệp”, nói đến KTHT chỉ nói đến HTX, cùng lắm là liên minh HTX chứ hầu như không có mối quan tâm đến tổ hợp tác”, trong khi cả nước có mấy trăm nghìn đơn vị này.

Thứ hai, về thể chế, phải xem lại Luật HTX năm 2012 có vấn đề gì cần khắc phục? Phạm vi điều chỉnh luật này nên thế nào? “Nói KTTT gồm tổ hợp tác và HTX nhưng chỉ có Luật HTX chứ không có Luật cho tổ hợp tác. Hiện tổ hợp tác đang hoạt động theo cơ sở của Bộ luật Dân sự. Mãi gần đây, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định về tổ hợp tác. Vậy phạm vi luật sắp tới phải thế nào?Phải chăng phải đổi Luật HTX thành Luật KTTT và mở rộng phạm vi điều chỉnh lên?”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu vấn đề.

Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, Ban chỉ đạo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 cần rà soát, hoàn thiện Luật HTX 2012 và các văn bản hướng dẫn, trên cơ sở đó đẩy mạnh khu vực KTHT, HTX phát triển. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo tổng kết là phải chỉ rõ vấn đề nào phải sửa, định hướng sửa là gì để thuyết phục Quốc hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về xử lý vướng mắc hiện nay, Phó Thủ tướng lưu ý,có nhiều HTX, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp đã ở tình trạng phá sản hay giải thể nhưng không giải thể được vì còn một số khoản nợ. Do vậy, lần này phải có cơ chế, chính sách thích đáng để xử lý.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc chính sách đối với KTHT dù nhiều nhưng không đi vào cuộc sống, “phải chăng chính sách cần tiệm cận theo nguyên tắc thị trường”? Song, dù có theo nguyên tắc thị trường thì Nhà nước “không buông lỏng vai trò quản lý”, cũng cần hết sức tránh khuynh hướng “chờ chính sách của Nhà nước mà không chủ động vươn lên”.

Vũ Thủy