Hà Nội:

Tăng cường quản lý lĩnh vực y, dược tư nhân

- Thứ Sáu, 20/09/2019, 09:14 - Chia sẻ
Hiện Hà Nội là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về số lượng cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân.Tuy nhiên,tình trạng “đụng đâu sai đó” tại các phòng khám, nhà thuốc tư nhân trên địa bàn thành phố thời gian qua đang khiến dư luận lo ngại, là dấu hiệu đáng báo động. Để quản lý tốt,Sở Y tế Hà Nội cho rằng, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương.

Nhiều vi phạm

Mới đây, kiểm tra đột xuất tại 2 phòng khám tư nhân trước khi cấp phép là Phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt - nha khoa thẩm mỹ Be Dental (Thi Sách, quận Hai Bà Trưng) và Phòng khám chuyên khoa phụ sản - kế hoạch hóa gia đình (Giải Phóng, Hai Bà Trưng),Sở Y tế Hà Nội đã lập biên bản yêu cầu 2 phòng khám ngừng ngay việc khám bệnh, chữa bệnh, vìlý do là vi phạm tổ chức hoạt động khám chữa bệnh khi chưa được cấp giấy phép.

Đồng thời, Sở Y tế đã có văn bản gửi UBND quận Hai Bà Trưng đề nghị chỉ đạo Phòng Y tế và các đơn vị liên quan trên địa bàn giám sát việc thực hiện ngừng hoạt động của 2 phòng khám nêu trên; cũng như tiếp tục rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khi chưa được cấp giấy phép hoạt động, đặc biệt là các cơ sở đã được thẩm định nhưng chưa được Sở Y tế cấp phép.

Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội Bùi Văn Xuân cho biết, trước sự phát triển của hệ thống cơ sở y, dược tư nhân, công tác quản lý của cơ quan chức năng trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Đặc biệt, công tác kiểm tra, hậu kiểm gặp không ít khó khăn do nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động này từ thành phố đến quận, huyện, thị xã hiện vừa thiếu vừa yếu.

Cụ thể, Phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân hiện nay chỉ có 6 người, trong khi Hà Nội đang có hơn 3.600 cơ sở hành nghề y và hơn 7.000 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập. Trong 3 năm (2016 – 2018), Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hậu kiểm y dược với 552 lượt cơ sở, từ đó kiến nghị thu hồi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh với 56 cơ sở khám chữa bệnh và 42 cơ sở hành nghề dược, kiến nghị đình chỉ hoạt động 8 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh.Trong 6 tháng đầu năm 2019, tiến hành kiểm tra, hậu kiểm 68 cơ sở, Sở Y tế Hà Nội đã thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc của 8 cơ sở; thu hồi giấy phép hoạt động của 12 cơ sở khám, chữa bệnh; đình chỉ hoạt động 3 cơ sở khám, chữa bệnh. “Do số cơ sở quá lớn nên có cơ sở phải đợi 10 năm mới được kiểm tra 1 lần, bởi vậy công tác hậu kiểm sau cấp phép khó có thể làm tốt được” – ông Bùi Văn Xuân chia sẻ.

Trong khi đó, theo Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Quang Trung, hiện mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe. Ông Trung cho hay, chính quyền địa phương là nơi nắm rõ nhất hoạt động của các cơ sở y, dược tư nhân trên địa bàn, nhưng việc xử phạt quá ít nên hiệu quả thực tế chưa cao.Mặt khác, việc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ đã dẫn đến nhiều cơ sở tự đẩy giá dịch vụ lên cao, lạm dụng xét nghiệm, kê đơn thuốc tùy tiện… ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.


Cần phối hợp chặt chẽ để quản lý tốt các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân - Nguồn: ITN

Phối hợp chặt chẽ

Trong khi cơ sở y tế công lập còn đang quá tải, việc phát triển y tế tư nhân là rất cần thiết. Tuy nhiên, ngành y tế cần có những giải pháp quản lý hữu hiệu để y tế tư nhân vận hành đúng “quỹ đạo”, bảo vệ quyền lợi của người đến khám, chữa bệnh. Theo đó, để tăng cường công tác quán lý nhà nước về y tế, chấn chỉnh các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn thành phố, tại buổi làm việc của Đoàn khảo sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội với Sở Y tế Hà Nội vừa quavề việc chấp hành các quy định pháp luật trong quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo hướng tăng mức xử phạt cho đủ sức răn đe.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở cũng đề xuất đưa công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương quản lý các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân vào nghị quyết HĐND các cấp. Đặc biệt, kiến nghị UBND thành phố bổ sung chỉ tiêu biên chế cho bộ phận quản lý hành nghề y, dược và thanh tra y tế trực tiếp làm công tác quản lý hành nghề cho Sở cũng như quận, huyện có nhiều cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. 

Ngoài ra, cần tăng cường phân cấp quản lý hành nghề y, dược tư nhân cho các quận, huyện, trong đó rất rõ ràng về trách nhiệm, thẩm quyền, nội dung và cả vấn đề thẩm định tại cơ sở trong công tác cấp phép. “Với hoạt động hành nghề y dược tư nhân không phép, chỉ có chính quyền quận, huyện nắm rõ nhất. Quận, huyện nào không đủ nhân lực bảo đảm điều kiện về thẩm định cơ sở, Sở sẽ hỗ trợ để giảm thời gian cấp phép. Từ mạng lưới quận, huyện sẽ tạo “chân rết” phân cấp đến các xã, phường trong công tác quản lý này”- bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Hiểu Lam