Tăng cường phối hợp chống trục lợi bảo hiểm y tế

- Chủ Nhật, 19/05/2019, 07:49 - Chia sẻ
Thời gian qua, tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT) xảy ra ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh và nhiều địa phương. Mặc dù các cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã quyết liệt xử lý nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm...

Tồn tại nhiều bất cập

Vừa qua, tại hội nghị giao ban thực hiện chính sách BHYT quý I.2019 với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đề nghị Bộ Y tế cần quan tâm, nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, đồng bộ, để cùng với BHXH Việt Nam tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách BHYT.

Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, các đơn vị của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần thống nhất triển khai mô hình giám định BHYT theo tỷ lệ, theo chuyên đề để vừa phù hợp thực tiễn, vừa nhằm hạn chế trục lợi quỹ. Bên cạnh đó, đồng hành và phối hợp chặt chẽ trong việc thẩm định nguyên nhân vượt trần, vượt Quỹ Khám chữa bệnh BHYT.

Hai ngành bảo hiểm và y tế cần tăng cường phối hợp chống trục lợi BHYT  Nguồn: ITN

BHXH Việt Nam cũng nêu những tồn tại trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 146; Thông tư 39 về giá dịch vụ khám chữa bệnh còn nhiều quy định chưa rõ ràng; quy định cấp chứng chỉ hành nghề, bổ sung phạm vi chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề, thực trạng đăng ký hành nghề còn nhiều bất cập, không rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong thanh toán.

 Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng chưa có văn bản hướng dẫn về hệ số K - chỉ số giá của từng nhóm thuốc, dịch vụ y tế; về quy định thanh toán tiền giường điều trị ban ngày. Còn xảy ra hiện tượng giá vật tư y tế trúng thầu có sự chênh lệch lớn, còn tình trạng thu gom người bệnh, nhất là tại các cơ sở khám, chữa bệnh y dược dân tộc, phục hồi chức năng.

Tăng cường phối hợp liên ngành

Đề cao vai trò của hội nghị giao ban giữa hai ngành, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ phải tăng cường hơn nữa quy chế phối hợp. Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ có văn bản trả lời thấu đáo, kịp thời đối với các đề xuất của BHXH Việt Nam; đồng thời đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các địa phương triển khai thực hiện theo quy định.

Để ngăn chặn tình trạng trục lợi, lạm dụng BHYT và giúp người bệnh yên tâm khi sử dụng thẻ BHYT, gắn bó lâu dài với BHYT, thời gian qua Bộ Y tế đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc trong thực hiện pháp luật về BHYT.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những thành tựu mà hai ngành đạt được liên quan chỉ tiêu bao phủ BHYT, công tác thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, đặc biệt là những danh mục dịch vụ vật tư đặc biệt, thuốc chữa ung thư cho người dân cũng được quỹ BHYT chi trả. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị, hai ngành cần tiếp tục phối hợp bảo đảm quyền lợi của người dân tham gia BHYT, bảo đảm các cơ sở khám, chữa bệnh có nguồn thu hợp lý, xứng đáng và đặc biệt phải minh bạch chính sách, cân đối, ngăn chặn lạm dụng, trục lợi quỹ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu sắp tới Vụ BHYT làm đầu mối cùng các vụ, cục của Bộ Y tế và các đơn vị của BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, thống nhất giải quyết, tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc xoay quanh các vấn đề như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, danh mục thuốc, vật tư y tế, đấu thầu thuốc tập trung, điều trị nội trú, tổ chức hoạt động của các phòng khám đa khoa khu vực. Đồng thời thống nhất với BHXH Việt Nam về hướng dẫn cách tính hệ số K; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT để hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.

Quốc Túy