Tổ đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ

Tăng cường kiểm tra giám sát cấp cơ sở

- Chủ Nhật, 01/12/2019, 07:48 - Chia sẻ
Tại buổi TXCT quận Tây Hồ trước Kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố Hà Nội của Tổ đại biểu HĐND thành phố mới đây, nhiều cử tri cho rằng: Khi triển khai thực hiện Đề án 21 của Thành ủy, thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát xem cấp cơ sở có gặp khó khăn, vướng mắc không. Đặc biệt, trước tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, nhất là ô nhiễm bụi mịn từ các công trình đang xây dựng, cần tăng cường các biện pháp bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Tiếp tục đề xuất tháo gỡ bất cập

Theo kỳ vọng, việc thực hiện Đề án 21 của Thành ủy về “Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội” đã góp phần giảm đầu mối, tinh giản biên chế, trên cơ sở đó sẽ giảm chi tiêu ngân sách phụ cấp cho đội ngũ cán bộ ở khu dân cư. Tuy nhiên, nhiều cử tri cho rằng, đa số cán bộ ở phường, xã là những người cao tuổi đã nghỉ hưu, có trình độ nhưng sức khỏe giảm sút, nếu phải kiêm nhiệm thêm các chức danh thì sẽ không bảo đảm được công việc. Theo cử tri Nguyễn Anh Phong (phường Tứ Liên), xuất phát từ sự nhiệt tình nên nhiều cán bộ sau khi nghỉ hưu đã tham gia các phong trào của địa phương. Do vậy, khi tuổi cao, sức khỏe giảm sút nếu phải kiêm nhiệm thêm các chức danh sẽ không có thời gian dành cho gia đình. Cử tri đề nghị, thành phố xem xét và có 1 quá trình quá độ để tránh thay đổi đột ngột. Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, giám sát từng địa phương để xem khi triển khai cấp cơ sở có gặp phải khó khăn, vướng mắc gì không.

Bên cạnh đó, cử tri cho rằng, theo phương án sắp xếp mới với tổ dân phố có 250 hộ thì chỉ có 1 tổ trưởng, không có tổ phó là chưa thích hợp. Bởi, khi Tổ trưởng có việc gia đình, đau ốm phải đi điều trị hay vắng mặt với các lí do khác nhau, nếu có sự hỗ trợ, hợp tác và thay thế kịp thời của cấp phó thì hiệu quả công việc sẽ cao hơn.

Trước những băn khoăn của cử tri, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng mong muốn, cử tri sẽ thống nhất với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trước mắt, từng bước thực hiện theo hướng dẫn. Quá trình thực hiện, nếu gặp phải bất cập thì tiếp tục đề xuất với Quận ủy, UBND quận tổng hợp và báo cáo xin ý kiến của thành phố tháo gỡ.      


Cử tri phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ  
Ảnh: Trần Tâm

Sớm khắc phục ngập úng trong khu dân cư

 Tại buổi TXCT, nhiều cử tri đề nghị thành phố cần quan tâm đến việc cải tạo hồ Tứ Liên vì ở đây ô nhiễm rất nặng nề; kiểm tra các nhà hàng quanh khu vực hồ Tây xem còn tình trạng xả thải ra không vì giờ vẫn còn bị ô nhiễm. Đặc biệt, đối với đoạn đường 5m từ Âu Cơ lên cầu Nhật Tân, thành phố cần sớm hạ cốt đê nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và nước đọng; đồng thời, sớm nâng cấp tuyến đường Thụy Khuê để phù hợp là con đường đô thị…

Ngoài quan tâm đến công tác cán bộ, cử tri còn mong muốn các cấp chính quyền tăng cường các giải pháp bảo đảm sức khỏe cho người dân trước tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Cử tri Nguyễn Duy Hòa (phường Quảng An) phản ánh: Từ năm 2014 đến nay, khu dân cư số 7 phường Quảng An thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, bụi, tình trạng nứt hố ga, đứt dây điện; nghiêm trọng nhất là hệ thống tiêu thoát nước chưa được đầu tư hoàn thiện nên việc xả nước thải của các dự án thường xuyên gây ngập úng trong khu dân cư, kể cả khi trời nắng đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân. Cụ thể, tại trường Tiểu học Quảng An ngày nào cũng bị úng ngập vì đường Đặng Thai Mai chưa có đường thoát nước; các hộ dân thuộc tổ 14, 16 gần khu Dự án 58 đường Tây Hồ đang bị ngập úng các khu vệ sinh tầng 1, do nước cống ùn ứ chảy ngược theo các ống thoát nước vào nhà vệ sinh.

Theo cử tri, các dự án khi thi công bơm ra các đường ống hàng nghìn m3 nước trong ngày, khi vào hoạt động cũng thải ra hàng nghìn khối nước mỗi ngày đã gây ra tình trạng ngập úng trong khu dân cư. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên một phần do việc cấp phép tràn lan xây dựng các dự án, công trình nhưng chưa đầu tư, xây dựng và đấu nối hoàn thiện hệ thống tiêu thoát nước của khu dân cư nên nước không có đường thoát. Cử tri đề nghị, thành phố cho biết giải pháp cụ thể, thiết thực để sớm khắc phục tình trạng trên.

Trước những vấn đề cử tri đặt ra, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Lê Hoàng cho biết: Quận đã có chỉ đạo khắc phục tạm thời việc này nhưng giải pháp căn cơ là phải hoàn chỉnh được hệ thống thoát nước ở khu vực đường Đặng Thai Mai mới có thể giải quyết dứt điểm. Thành phố đã giao cho quận làm chủ đầu tư để thực hiện dự án này và quận đang chuẩn bị thủ tục đầu tư. Để tạm thời khắc phục tình trạng trên, UBND quận đã chỉ đạo UBND phường đào bể tạm thời chứa nước, đặt bơm để bảo đảm thoát nước cho khu vực này. Đối với việc tràn nước ở khu vực số 58 Tây Hồ, UBND quận đã giao cho các phòng, ban chuyên môn khảo sát và kiểm tra, theo đó, quận sẽ tiếp tục chỉ đạo dự án này phải bảo đảm việc thi công, tránh gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, cũng như tiếng ồn để không làm ảnh hưởng đến người dân.

Liên quan đến việc sửa chữa lại bệnh xá phường Nhật Tân, tránh gây mất mỹ quan đô thị, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Lê Hoàng khẳng định: UBND quận đã giao cho Ban Quản lý Dự án quận tổ chức triển khai việc nâng cấp, cải tạo các trạm y tế trên địa bàn, trong đó có trạm y tế phường Nhật Tân với tổng mức đầu tư gần 8 tỷ đồng. Công tác chuẩn bị đầu tư cơ bản đã xong, hiện chỉ còn đấu thầu, bố trí vốn, dự kiến trong quý I.2020 sẽ triển khai sửa chữa đối với tất cả các trạm y tế trên địa bàn.

TRẦN TÂM