Nhịp cầu

Tăng cường kiểm tra, đánh giá hiệu quả giao đất, giao rung

- Thứ Năm, 21/05/2020, 11:01 - Chia sẻ
Là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất trên toàn tỉnh Phú Yên (tổng diện tích đất lâm nghiệp 82.349,32ha), giai đoạn 2011 - 2019, lãnh đạo huyện Đồng Xuân đã tăng cường chỉ đạo công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng, thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp hàng năm. Địa phương đã triển khai công tác giao đất lâm nghiệp (trong đó có rừng) theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Tổng diện tích đất lâm nghiệp do UBND tỉnh cho tổ chức thuê trong giai đoạn này là 1.139,96ha, giao cho hộ gia đình, cá nhân và UBND xã, thị trấn quản lý là 54.949,02ha… Qua đó, tạo điều kiện cho người dân bảo vệ, đầu tư khai thác, sử dụng hiệu quả diện tích rừng hiện có và trồng rừng trên đất lâm nghiệp, tạo nguồn thu từ phát triển kinh tế trang trại trồng cây lâm nghiệp; góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng từ 34,5% năm 2015 lên tới 61,7% cuối năm 2019.

Tuy nhiên, giám sát tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức trên địa bàn tỉnh tại huyện giai đoạn 2011 - 2019, bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Phú Yên đã thẳng thắn chỉ ra: Các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp như phá rừng, cháy rừng (giai đoạn 2011 - 2019 đã xảy ra 27 vụ cháy rừng trồng/246,406ha), khai thác gỗ, cây hoành tử, đốt than, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lúc nhưng việc xử lý vi phạm chưa được thực hiện nghiêm khắc. Người dân chưa chú trọng công tác bảo vệ, phát triển rừng do định suất giao khoán bảo vệ rừng của một số chương trình còn thấp. Tỷ lệ đất chưa có rừng trên tổng diện tích đất lâm nghiệp còn cao (chiếm tới 22,6%). Công tác giao đất, giao rừng trước đây còn chồng chéo, không sát thực tế, giao cho các cá nhân, hộ gia đình không có nhu cầu phát triển lâm nghiệp…

Thực tế trên đặt ra yêu cầu lãnh đạo địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc trồng, phát triển rừng đầu nguồn và các vùng hạ lưu, bảo vệ môi trường sinh thái. Có kế hoạch, lộ trình khắc phục những khó khăn liên quan đến kinh phí, nhân lực, các nguồn lực khác để triển khai hoàn thành công tác giao đất lâm nghiệp theo quy hoạch, bảo vệ rừng tự nhiên, phát huy hiệu quả rừng sản xuất, khắc phục tình trạng tỷ lệ đất chưa có rừng trên tổng diện tích đất lâm nghiệp còn cao. Chỉ đạo tạo mọi điều kiện cho người dân được giao, thuê đất và rừng để trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp phù hợp với khả năng. Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, đánh giá hiệu quả khi giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng cho tổ chức, cá nhân, từ đó có giải pháp khắc phục tình trạng người dân chuyển nhượng tự do, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, không thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ liên quan việc quản lý, sử dụng rừng; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp…

MINH HIỀN