Tăng cường kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng

- Thứ Năm, 16/08/2018, 07:42 - Chia sẻ
Thực phẩm chức năng (TPCN) đem lại cho con người sức khỏe, tuy nhiên việc quảng cáo quá mức trên một số website, mạng xã hội và được giới thiệu như thuốc chữa bệnh, thậm chí có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng là vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm luật pháp nên việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo TPCN là điều rất cần thiết. PGS. TS. NGUYỄN THANH PHONG, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã trao đổi xung quanh vấn đề này.

- Xin ông đánh giá về thực trạng lạm dụng quảng cáo TPCN trên thị trường hiện nay như thế nào?


PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong

Theo PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, từ thực tế các cơ quan chức năng đã phát hiện một số sản phẩm giảm cân, chủ yếu là TPCN có chứa Sibutramine - chất gây hại cho tim mạch. Thậm chí, sau khi thanh tra, kiểm tra, các cơ quan quản lý nhận thấy tần suất hoạt chất này có trong nhóm TPCN cao hơn so những hoạt chất khác  nên Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế, Ban quản lý ATTP các tỉnh, thành phố triển khai lấy mẫu trên diện rộng, tập trung vào nhóm TPCN giảm cân để đánh giá chất lượng và an toàn. Khi có báo cáo của các địa phương và các đoàn thành tra, kiểm tra Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên truyền thông để người dân biết.

- Về nguyên tắc TPCN và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trước khi lưu thông ra thị trường đều phải được thẩm định theo quy định về mặt an toàn, công dụng của sản phẩm và các cảnh báo. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện tình trạng bán hàng online một số sản phẩm liên quan đến sức khỏe, mỹ phẩm, thuốc đông y, không đăng ký, không công bố với cơ quan quản lý, hay nói cách khác là lưu hành bất hợp pháp. Nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội, thậm chí sử dụng một số nhân vật có ảnh hưởng tới công chúng để quảng cáo. Nhiều người tham gia vào quảng cáo sai quy định do không hiểu biết về các quy định của pháp luật nên vô hình trung tiếp tay cho sai phạm đó, đặc biệt là sản phẩm làm đẹp, trong đó có một số sản phẩm TPCN giảm cân.

Qua thanh tra, kiểm tra thực tế và qua báo chí phản ánh, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý rất nhiều vụ, ngăn chặn nhiều sản phẩm vi phạm, song thực trạng này vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều nội dung quảng cáo hoàn toàn sai sự thật, thậm chí có nơi còn tổ chức tư vấn qua điện thoại, đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm làm đẹp, giảm cân. Có sản phẩm quảng cáo bên trên ghi là dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra, nhiều dược sĩ, bác sĩ đó không có kiến thức về dinh dưỡng, thậm chí chỉ sinh viên mới ra trường, chưa tốt nghiệp đại học, đóng giả làm bác sĩ, dược sĩ tư vấn. Thậm chí, đã có quy định cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ để quảng cáo, thông tin về sản phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng nhiều cán bộ y tế vẫn tham gia vì nhiều lý do khác nhau.

Nhiều doanh nghiệp khi cơ quan quản lý mời lên làm việc còn không thừa nhận sản phẩm của mình quảng cáo trên các trang web đó. Có doanh nghiệp công bố thực phẩm dạng bột, nhưng lại sản xuất dạng viên, hoặc ghi công dụng hoàn toàn khác với công bố.

- Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng và Cục An toàn thực phẩm đã có những biện pháp gì chấn chỉnh những lạm dụng, sai phạm quảng cáo TPCN, thưa ông?

- Thực hiện Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chống hàng giả với thuốc, dược liệu, TPCP, Cục An toàn thực phẩm đã thành lập 5 đoàn thanh tra kiểm tra. Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương, Ban quản lý ATTP các tỉnh, thành phố triển khai thanh tra, kiểm tra trên địa bàn, tập trung vào các nội dung như: Bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm, quảng cáo sản phẩm.

Bên cạnh đó, Cục cũng phối hợp với Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, công khai thông tin các sản phẩm vi phạm, cũng như xử lý các trang web quảng cáo sản phẩm sai phạm, để người tiêu dùng biết và thận trọng khi mua các sản phẩm trên trang các web đó. Các sản phẩm vi phạm cũng sẽ được đưa vào danh sách theo dõi và sẽ bị thanh tra, kiểm tra với tần suất nhiều hơn các sản phẩm khác. Ngoài việc phạt tiền, thu hồi bản công bố, thì việc công khai cơ sở vi phạm và các hình phạt bổ sung có hiệu quả rất lớn. Còn nếu chỉ phạt tiền, các doanh nghiệp sẵn sàng nộp tiền phạt rồi lại vi phạm.

- Khi xử lý các đơn vị vi phạm, cơ quan quản lý có gặp khó khăn gì không?

- Có tình trạng nhiều sản phẩm đã bị rút giấy phép đăng ký nhưng doanh nghiệp vẫn lén lút sản xuất. Gần đây, Cục có nhận được thông tin từ báo chí về việc có một sản phẩm đã bị rút giấy phép tên là “Nhi TW” - sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, nhưng vẫn có một cơ sở ở Bắc Giang bán sản phẩm này. Ngay lập tức, chúng tôi đã thông tin đến Ban quản lý ATTP tỉnh Bắc Giang và đã thu giữ sản phẩm. Sau khi truy xuất lại nguồn gốc cho thấy, công ty này vẫn gia công trên 3.000 hộp sản phẩm mặc dù đã bị rút giấy phép.

Đối với vi phạm của công ty này, Cục An toàn thực phẩm đã thu hồi toàn bộ sản phẩm, xử phạt theo Luật An toàn thực phẩm mức tối đa là gấp 7 lần giá trị tổng sản phẩm vi phạm. Với những doanh nghiệp không nhận sản phẩm trên trang web quảng cáo vi phạm thì ngoài đưa thông tin cảnh báo công khai tới người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông, đã xử lý được một số trường hợp, tuy nhiên có một số trường hợp máy chủ đặt tại nước ngoài nên cũng rất khó. Nhiều cơ sở, cá nhân vì lợi nhuận mà vẫn bất chấp pháp luật, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng nên cần phải xử lý rất nghiêm.

 - Xin cảm ơn ông!

Thanh Nguyên thực hiện