Sổ tay:

Tăng cường kết nối, chia sẻ

- Thứ Tư, 22/07/2020, 05:46 - Chia sẻ
Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và Tổ chức Vital Strategies - đối tác trong Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe của Quỹ Bloomberg Philanthropries  -  vừa ký kết quan hệ đối tác nhằm tăng cường công tác đăng ký và thống kê hộ tịch tại Việt Nam. Chương trình sẽ do Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai trong giai đoạn từ tháng 7.2020 đến tháng 3.2021.

Đăng ký và quản lý hộ tịch là hoạt động quản lý nhà nước quan trọng của mỗi quốc gia bởi đây không chỉ là nguồn thông tin đầu vào cho các quyết định, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước; mà còn góp phần bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Tuy nhiên, hiện công tác này được giao cho nhiều cơ quan khác nhau, trong đó tập trung chủ yếu là Bộ Tư pháp; Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chính vì nhiều đầu mối quản lý nên có một thực tế là số liệu thống kê cũng có sự khác nhau về tỷ lệ nếu tính toán từ các nguồn khác nhau. Chẳng hạn, số đăng ký khai sinh theo báo cáo của Bộ Tư pháp luôn cao hơn số báo cáo của Bộ Y tế cũng như số liệu điều tra thống kê, dẫn đến tỷ lệ về mức độ đầy đủ trong đăng ký khai sinh tính toán từ các nguồn dữ liệu trên đều cao hơn 100%. Nguyên nhân của tình trạng trên là do số đăng ký khai sinh bao gồm số sinh trong năm hiện tại và số sinh trong năm trước được đăng ký khai sinh trong năm hiện tại. Mặt khác, các nguồn dữ liệu khác nhau có phương pháp thu thập thông tin khác khau dẫn đến kết quả cũng khác nhau.

Chính vì thế, một trong những mục tiêu hướng đến của Chương trình nhằm hỗ trợ việc cải thiện chất lượng đăng ký khai sinh và khai tử, bao gồm cả khai báo nguyên nhân tử vong tại Việt Nam, thông qua tăng cường quản trị đăng ký và thống kê hộ tịch đánh giá hoạt động của hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch. Đồng thời, tiến hành rà soát các văn bản và quy định pháp luật liên quan đến đăng ký và thống kê hộ tịch, xây dựng kế hoạch để cải thiện khai báo nguyên nhân tử vong theo chuẩn quốc tế, cải thiện khung giám sát, đánh giá, và xây dựng các báo cáo thống kê hộ tịch. Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Naomi Kitahara cho rằng, thông qua cải thiện hệ thống về đăng ký và thống kê hộ tịch, hướng đến mục tiêu hỗ trợ chính phủ Việt Nam hình thành hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hiện đại và tiến bộ. Trong đó, các dữ liệu, bao gồm cả các thống kê hộ tịch, sẽ được chia sẻ và sử dụng để xây dựng và thực hiện các chính sách dựa trên bằng chứng.

Như vậy, để tiến hành các cuộc tổng điều tra và điều tra dân số, cũng như các dữ liệu hành chính bao gồm đăng ký và thống kê hộ tịch cần có cơ sở dữ liệu được kết nối, liên thông và chia sẻ. Hiện nay, các cơ sở dữ liệu về hộ tịch, khai sinh, khai tử đã được hình thành, dần hoàn thiện. Để tránh lãng phí; tận dụng được nguồn tài sản dữ liệu hiện có; đồng thời thúc đẩy quá trình thực hiện đăng ký và thống kê hộ tịch hiện đại, bắt buộc các cơ sở này phải có được tính năng chia sẻ, kết nối. Để làm được điều này, cần tiếp tục củng cố và tăng cường cơ chế điều phối, phối hợp giữa các ban ngành liên quan, từ Trung ương tới địa phương để bảo đảm tăng cường đăng ký, thống kê hộ tịch chất lượng và hiệu quả, cũng như bảo đảm sự thống nhất và chính xác của công tác thống kê hộ tịch.

Đình Khoa