Tăng cường hoạt động kỳ họp Hội đồng Nhân dân

- Thứ Năm, 28/03/2019, 08:46 - Chia sẻ
Kỳ họp - hoạt động chủ yếu của HĐND để thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật pháp. Thực tế quá trình thực hiện Luật Tổ chức Chính quyền địa phương vẫn còn những băn khoăn, vướng mắc bởi một số nội dung chưa cụ thể. Nghị quyết số 629 ngày 30.1.2019 của UBTVQH (có hiệu lực từ ngày 15.3.2019) là cơ sở pháp lý tháo gỡ vướng mắc, tăng cường kỳ họp thường lệ HĐND các cấp để tập trung giải quyết khối lượng công việc rất lớn ở các địa phương.

Áp lực từ công việc

Có lẽ còn nhớ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ở Điều 48: “HĐND các cấp họp thường lệ mỗi năm hai kỳ” hoặc theo kinh nghiệm nhiệm kỳ trước để lại, hầu hết các địa phương từ đầu nhiệm kỳ đến nay tổ chức đều đặn chỉ hai kỳ họp thường lệ trong năm. Trong khi đó, chủ trương của Trung ương tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, cho cấp dưới theo quy định của pháp luật. Do đó, khối lượng các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết HĐND phải xem xét, thảo luận và quyết định tăng gấp đôi, gấp ba lần trước đây. Trong lúc đó, thời gian tổ chức hai kỳ họp thường lệ không tăng, cấp tỉnh vẫn chỉ trong khoản ba ngày, ít nơi lên đến bốn ngày cho mỗi kỳ họp. Với khoảng thời gian đó, HĐND phải nghe trực tiếp các báo cáo gần một ngày, thời gian đại biểu thảo luận khoảng một ngày, còn hơn một ngày cho phiên họp chất vấn, trả lời chất vấn và thông qua hàng chục nghị quyết. Như vậy, kỳ họp HĐND khó có thể đạt được chất lượng và hiệu quả.

Từ khối lượng công việc, HĐND nhiều địa phương đã tổ chức thêm những kỳ họp chuyên đề để giảm tải cho các kỳ họp thường lệ. Nhưng Luật Tổ chức chính quyền địa phương không quy định HĐND tổ chức kỳ họp chuyên đề giữa hai kỳ họp thường lệ! Mà thực tế, kỳ họp không phải chuyên đề bởi rất nhiều nội dung, đa dạng vấn đề mà HĐND cần xem xét, thảo luận và quyết định; thậm chí có nơi thông qua hơn chục nghị quyết khác nhau. Còn nếu gọi kỳ họp bất thường giữa hai kỳ họp thường lệ, thì tính chất, mức độ kỳ họp không có gì bất thường, vả lại chương trình, nội dung kỳ họp đầy đủ, rõ ràng được HĐND quyết định thông qua tại kỳ họp trước.


Quang cảnh Kỳ họp thứ 13 (kỳ họp bất thường) HĐND tỉnh Long An Khóa IX
Ảnh: Vũ Phương

Nhiều đổi mới, sáng tạo

Không những các địa phương áp dụng luật cũ để tổ chức những kỳ họp chuyên đề, mà nhiều nơi HĐND đã cố gắng sắp xếp chương trình kỳ họp thường lệ  khoa học, hợp lý nhất. Các báo cáo của Thường trực, các Ban HĐND được chuẩn bị cô đọng, súc tích. Nhiều tài liệu không trình bày trực tiếp mà gửi đến đại biểu tự nghiên cứu; các ý kiến thảo luận được yêu cầu ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung, giảm bớt thủ tục rườm rà. Chủ tọa điều hành từng phiên họp linh hoạt, sáng tạo tiết kiệm thời gian tối đa, nhưng thực tế quá nhiều nội dung, nhiều vấn đề cần thiết không thể giải quyết tốt hơn được tại kỳ họp, vì vậy có nơi còn giao cho Thường trực HĐND xử lý sau kỳ họp!

Bên cạnh đó, có địa phương đã có ý định tăng thời gian mỗi kỳ họp thường lệ thêm một vài ngày để có thể đáp ứng được cơ bản nội dung, chương trình mỗi kỳ họp. Nhưng tăng thời gian mỗi kỳ họp là một vấn đề khó khăn. Thường trực HĐND, đại biểu hoạt động chuyên trách nhiều nơi mong muốn điều đó để nâng cao hoạt động của HĐND tại kỳ họp. Văn phòng HĐND sẵn sàng đảm đương công việc tham mưu, giúp việc trong mọi điều kiện. Tuy nhiên, đa số đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm nên không muốn kéo dài thời gian mỗi kỳ họp. Hơn nữa, kỳ họp cuối năm với rất nhiều nội dung, nhưng lại trùng vào thời điểm rất nhiều công việc chuyên môn của lãnh đạo Đảng, chính quyền… cán bộ chủ chốt cấp dưới nôn nóng về lo công việc cuối năm cũ, đầu năm mới. Bởi vậy, có tăng thời gian thì không khéo kỳ họp càng không có chất lượng.

Nghị quyết đã tạo động lực

Trong lúc HĐND các địa phương đang lúng túng giải quyết mâu thuẫn giữa khối lượng, nội dung, thời gian tổ chức các kỳ họp với yêu cầu chất lượng, hiệu quả tại các kỳ họp, UBTVQH kịp thời ban hành Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14,  “Hướng dẫn một số hoạt động của HĐND”. Ngay Điều 1, Khoản 1 đã ghi rõ: “…Số lượng các kỳ họp thường lệ của HĐND ít nhất là 2 kỳ họp hoặc nhiều hơn căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ, yêu cầu thực tế của địa phương”. Đó là quy định chung cho cả ba cấp HĐND, nhưng trong thực tế, nhất là cấp tỉnh đã có nhiệm vụ rất nhiều, yêu cầu công việc rất lớn. Không những tình hình thực tế mà các quy định của nhiều luật liên quan đã dần dần trao cho chính quyền địa phương nhiều thẩm quyền, với trách nhiệm lớn. Từ đó HĐND, trước hết là cấp tỉnh tổ chức hơn hai kỳ họp thường lệ trong năm là hợp lý và đúng đắn.

Không những thế, nghị quyết của UBTVQH lần này cũng không nói gì đến kỳ họp chuyên đề của HĐND giữa hai kỳ họp thường lệ hoàn toàn phù hợp. Từ đó, HĐND các địa phương tổ chức thêm những kỳ họp thường lệ nữa là điều quá cần thiết. Trước hết, tăng thêm kỳ họp thường lệ để san sẻ nội dung của kỳ họp cuối năm và thay thế những kỳ họp chuyên đề lâu nay các địa phương đã từng tổ chức. Kỳ họp đó nên tổ chức vào khoảng tháng ba, tháng tư hàng năm, nội dung tập trung những vấn đề mà kỳ họp cuối năm chưa chuẩn bị kịp, hoặc chưa cần quyết định gấp như: Các báo cáo giám sát chuyên đề, quyết định ban hành những nghị quyết chuyên đề thực hiện cho nhiều năm, thêm phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn… Nếu tổ chức thêm được kỳ họp thường lệ này thì chắc chắn giảm áp lực cho kỳ họp cuối năm; quan trọng hơn cả, hai kỳ họp cuối năm và đầu năm sẽ chất lượng và hiệu quả hơn. Khi đã tổ chức thêm kỳ họp thường lệ đầu năm thì kỳ họp cuối năm trước nên đẩy lên sớm hơn và kỳ họp giữa năm có thể lùi lại muộn hơn so với hiện nay.

Tổ chức thêm kỳ họp thường lệ và bố trí thời điểm thích hợp tổ chức các kỳ họp còn tạo thuận lợi cho các hoạt động khác của HĐND. Đặc biệt, hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, hoạt động giám sát, khảo sát thực tế, thẩm tra báo cáo của các Ban HĐND, các phiên họp Thường trực HĐND sẽ thực chất và hiệu quả hơn. Điều quan trọng, khi tăng cường các kỳ họp thường lệ của HĐND sẽ có điều kiện để giảm đi những kỳ họp bất thường. Bởi các nội dung kỳ họp bất thường có thể cố gắng thu xếp, bố trí vào chương trình các kỳ họp thường lệ. Trường hợp có yêu cầu, nhiệm vụ phát sinh đột xuất quá cấp bách ở địa phương mới tổ chức kỳ họp bất thường như quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết 629.

Trần Đình Huề - Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình