Tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

- Thứ Bảy, 11/08/2018, 07:53 - Chia sẻ
An toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng được xã hội quan tâm nhất là khi các bệnh cấp tính do ngộ độc thức ăn; bệnh mạn tính do nhiễm, tích lũy các chất độc hại từ môi trường bên ngoài vào thực phẩm ngày càng gia tăng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng thực phẩm nhưng kết quả còn hạn chế, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Vẫn khó kiểm soát

Theo Bộ Y tế, tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, nhất là tại bếp ăn trường học, ngộ độc thực phẩm ở đám cưới, do độc tố tự nhiên như nấm độc, cá nóc, cóc, độc tố vi nấm trong bánh trôi ngô, độc tố cây rừng và đặc biệt là ngộ độc methanol trong rượu. Trong khi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh vẫn diễn ra phổ biến thì chế tài xử phạt lại chưa đủ sức răn đe.

Chỉ tính riêng trong tháng 6, cả nước đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 284 người mắc, 190 người phải nằm viện và đã có 1 trường hợp tử vong do ăn thịt và trứng cóc. Đáng nói là 3/16 vụ ngộ độc thực phẩm là do độc tố tự nhiên; 7/16 vụ do vi sinh vật và 6/16 vụ chưa xác định được nguyên nhân gây ngộ độc. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 44 vụ ngộ độc thực phẩm với 1207 người mắc, 957 người nằm viện và 7 trường hợp đã tử vong do ngộ độc thực phẩm.


6 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 44 vụ ngộ độc thực phẩm

Nhiều chuyên gia khẳng định, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngộ độc thực phẩm gia tăng là bởi hiện có nhiều thực phẩm chủng loại khác nhau được chế biến ở nước ngoài đưa vào Việt Nam qua nhiều con đường, song chất lượng lại bỏ ngỏ. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bao gồm thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hóa chất kích thích tăng trưởng và thuốc bảo quản không theo quy định đã gây ô nhiễm nguồn nước, tồn dư hóa chất trong thực phẩm.

Việc sử dụng chất phụ gia trong sản xuất cũng ngày càng phổ biến. Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn;sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không bảo đảm chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu, quy trình công nghệ đã đăng ký; quảng cáo không đúng sự thật vẫn xảy ra. Đồng thời, việc bảo quản lương thực, thực phẩm không đúng quy cách đã tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, dẫn đến nhiều vụ ngộ độc thực phẩm.

Theo các chuyên gia y tế, về lâu dài, thực phẩm không chỉ tác động thường xuyên đến sức khỏe mỗi người mà còn ảnh hưởng lâu dài đến nòi giống của dân tộc. Sử dụng các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh trước mắt có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng dễ nhận thấy nhưng vấn đề nguy hiểm hơn nữa là sự tích lũy dần các chất độc hại trong cơ thể, sau một thời gian mới phát bệnh hoặc có thể gây dị tật, dị dạng cho thế hệ sau.

Tuyên truyền và giám sát

 Năm 2018, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm 5% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính so với giai đoạn 2011 - 2015;  hoàn thành đúng tiến độ việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch, đặc biệt là quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm; đánh giá 5 năm thực hiện Luật An toàn thực phẩm để đề xuất kế hoạch xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản phù hợp.

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, ngành y tế đã đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác truyền thông với các hình thức tuyên truyền đa dạng; chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm trong các dịp lễ, sự kiện lớn, đặc biệt như các sự kiện quốc tế lớn Việt Nam đăng cai tổ chức, tiếp nhận và xử lý thông tin, sự cố về an toàn thực phẩm được duy trì và tiến hành khoa học. Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm mùa hè, mùa bão lũ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giám sát hải sản tầng đáy ven bờ các tỉnh miền Trung.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong, thời gian qua ngành y tế đã triển khai các hoạt động nâng cao năng lực kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm và công khai các vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm; tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội về thực thi chính sách, pháp luật tại các địa phương.

Bên cạnh đó, ngành y tế đã mở rộng triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm; tăng cường công tác hậu kiểm từ Trung ương đến địa phương theo định kỳ, sự kiện, chủ đề hoặc đột xuất bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả. Trong 8 tháng qua, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã chủ động cảnh báo nhanh, phân tích nguy cơ; kiểm soát vụ ngộ độc thực phẩm; kiểm nghiệm mẫu thực phẩm trong thanh tra, hậu kiểm; tiến tới tăng 10% số phòng thử nghiệm cấp tỉnh, thành phố đạt chuẩn so với năm 2017.

Thời gian tiếp theo, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ địa phương về chuyên môn nghiệp vụ quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm; duy trì Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Các đơn vị chức năng cũng đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành về an toàn thực phẩm; tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ hành chính công.

Thanh Nguyên