Kiên Giang: Tăng trưởng xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu

Tăng cường các biện pháp ứng phó

- Thứ Năm, 30/05/2019, 07:57 - Chia sẻ
Tỉnh Kiên Giang có nhiều lợi thế với bờ biển dài trên 200km, có nhiều sông núi và hải đảo rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản. Nguồn tài nguyên biển của tỉnh còn rất phong phú: Ngư trường khai thác thuỷ sản trên 63.000km2, bãi triều rộng ở vùng ven biển, ven đảo rất phù hợp cho nuôi trồng nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, nghêu, sò, cá lồng, ngọc trai… Bên cạnh đó tỉnh còn nổi tiếng với nhiều cảnh quan thiên nhiên như vườn quốc gia Phú Quốc, U Minh Thượng; đảo Phú Quốc, khu du lịch Mũi Nai, chùa Hang; những di tích văn hoá lịch sử. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang tác động và làm suy giảm lớn tiềm năng thiên nhiên trên của tỉnh. Vì vậy, các sở, ban, ngành đang triển khai nhiều dự án, công trình phòng tránh, giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Để hiểu rõ hơn về nội dung này phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc phỏng vấn ông Đoàn Hữu Thắng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN - MT) tỉnh Kiên Giang.

- Thưa ông, Kiên Giang là tỉnh có tài nguyên biển và các hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động và làm suy giảm lớn tiềm năng thiên nhiên trên của tỉnh. Xin ông cho biết rõ hơn về những tác động đến đời sống nhân dân và cục diện phát triển chung của tỉnh nhà?

- Với vị trí ở vùng hạ lưu sông Hậu, đồng thời tiếp giáp với biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp mạnh mẽ của chế độ thủy triều biển Tây khiến cho Kiên Giang là một trong những tỉnh dễ bị tổn thương bởi BĐKH, biểu hiện rõ nét do sự xâm nhập mặn, sự khan hiếm nước ngọt trong mùa khô và thời tiết khắc nghiệt ở vùng ven biển đảo tiếp tục diễn ra trong những năm gần đây.


Phó Giám đốc Sở TN - MT tỉnh Kiên Giang Đoàn Hữu Thắng

Theo kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, đến cuối thế kỷ XXI, Khu vực ven biển từ Mũi Cà Mau - Kiên Giang có mực nước biển dâng cao nhất, theo RCP4.5 là 53 cm (32cm ÷ 75cm), theo RCP8.5 là 75cm (52cm ÷ 106cm). Cũng theo kịch bản này, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập rất cao. Nếu mực nước biển dâng 100cm, sẽ có khoảng 38,9% diện tích có nguy cơ bị ngập. Trong đó, Kiên Giang là một trong 3  tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất (76,86%).

Năm 2018 vừa qua, tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn tiếp tục diễn biến phức tạp không theo quy luật, tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông tiếp tục diễn ra nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 37km, trong đó có khoảng 24km sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của 250 hộ dân, cụ thể trên địa bàn 4 huyện sạt lở nghiêm trọng là: An Minh khoảng 12,5km, Kiên Lương khoảng 2,25km, An Biên khoảng 4,5km, Hòn Đất khoảng 5km. Diện tích bãi bồi bị sạt lở trong 10 năm qua khoảng 500ha, chiều rộng bị sạt lở, mất đi đai rừng ven biển từ 60m - 300m. Theo kết quả khảo sát, đến nay có khoảng 31km bị sạt lở nghiêm trọng cần phải đầu tư khắc phục. Trong đó huyện Hòn Đất là 13,2km, huyện U Minh Thượng là 5,9km, thành phố Rạch Giá khoảng 12km.

Thiên tai cũng đã làm chìm phương tiện tàu ghe, sập nhà, tốc mái, làm hư hỏng lồng bè nuôi cá gây thiệt hại cho người nuôi cá; lũ năm 2018 về sớm hơn dự báo ban đầu, gây ngập úng trên diện tích lúa Hè Thu và Thu Đông năm 2018 ở một số địa phương trong tỉnh nhất là ở các khu vực không có đê bao, bờ bao…

- Trước thực trạng trên, xin ông cho biết những chủ trương, hành động cụ thể của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Kiên Giang trong việc khắc phục và ứng phó với BĐKH?

- Nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành Chương trình hành động số 39-CTr/TU ngày 27.8.2013 và UBND tỉnh Kiên Giang đã xây dựng Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 05.6.2014 triển khai thực hiện Chương trình hành động này.

Năm 2011, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện Dự án “Đánh giá tác động của BĐKH và xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”, từ kết quả dự án, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2013 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1342/QĐ-UBND ngày 30/5/2013, gồm xây dựng 62 nhiệm vụ cụ thể phân kỳ cho 3 giai đoạn 2013 - 2015, 2016 - 2020 và sau năm 2020.

Nhằm góp phần triển khai có hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ứng phó với BĐKH, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật, trao đổi, thảo luận về các kiến thức, kỹ năng ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các cán bộ tại các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ứng phó BĐKH, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường được tỉnh đổi mới bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực từ đó có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc cùng tham gia hành động thích ứng với BĐKH.

Các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xói lở bờ biển, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tiếp tục được quan tâm. Tiếp tục huy động, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật cho các dự án về ứng phó với BĐKH và nước biển dâng, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Từ những chủ trương, chính sách các giải pháp giảm phát thải nhà kính, bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính được triển khai hiệu quả như: các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp: canh tác lúa, khí sinh học trong chăn nuôi, nuôi sò huyết trong điều kiện biến đổi khí hậu ở các huyện ven biển tỉnh Kiên Giang; các dự án trồng rừng, bảo vệ rừng. Khuyến khích doanh nghiệp chuyển xe buýt, taxi sang sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên, khí hóa lỏng, ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng đô thị.

Thời gian qua, tỉnh cũng đã tích cực trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực ứng phó với BĐKH nên đã tranh thủ được nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế để thực hiện nhiều dự án có hiệu quả thiết thực.

- Trong quá trình phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng năng lượng của con người và sự ô nhiễm môi trường sẽ càng lớn. Cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sẽ càng cam go, phức tạp hơn, xin ông cho biết, Kiên Giang đã chuẩn bị những gì cho “cuộc chiến” sắp tới?

- Ngày 27.3.2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND về Thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Hiên nay, Kiên Giang đang tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chương trình mục tiêu ứng phó Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 gồm: “Đánh giá khí hậu tỉnh Kiên Giang” và nhiệm vụ “Cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của tỉnh Kiên Giang”.
Trong thời gian tới, Kiên Giang xác định các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường gồm:

- Tăng cường công tác truyền thông trong công tác ứng phó với BĐKH thông qua phối hợp, lồng ghép và triển khai với phạm vi sâu rộng.

- Tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nâng cao trách nhiệm và năng lực cho cán bộ các cấp trong công tác ứng phó với BĐKH. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, nhân lực cho Văn phòng thường trực thực hiện giám sát, đánh giá Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh.

- Tiếp tục tăng cường sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong tổ chức, chỉ đạo, phối hợp liên ngành về ứng phó với BĐKH. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý các vấn đề BĐKH từ tỉnh đến cấp xã. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành, Trung ương nhằm nâng cao tính chủ động, nhất là chủ động về xây dựng kế hoạch huy động và sử dụng nguồn vốn ứng phó với BĐKH trong thời gian tới.

- Chủ động liên kết, phối hợp với các tỉnh, thành phố trong nước, đặc biệt là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng phòng ngừa, ứng phó với tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Hiến thực hiện