Đồng Nai phát triển bền vững ngành chăn nuôi

Tăng chuỗi liên kết

- Thứ Năm, 12/09/2019, 08:45 - Chia sẻ
Với định hướng phát triển ngành chăn nuôi bền vững, Đồng Nai chú trọng các hình thức liên kết như: Liên kết vùng chăn nuôi, sản xuất với thị trường; liên kết các cơ sở sản xuất thịt xuất khẩu và cả liên kết chăn nuôi với trồng trọt.

Tăng liên kết các “nhà”

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành chăn nuôi trong năm 2019 là tập trung phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, dần loại bỏ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Việc kết nối, xây dựng thành công hệ thống chuỗi khép kín từ sản xuất, giết mổ, chế biến tới tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho ngành chăn nuôi đã góp phần ổn định sản xuất có lộ trình, kế hoạch cụ thể, nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai.

Hướng tới xây dựng thương hiệu thịt sạch, tỉnh Đồng Nai đã tạo điều kiện thuận lợi thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi ở một số địa phương, với các hộ chăn nuôi có đủ khả năng để cung cấp lượng thịt lớn cho thị trường. Thực tế, chăn nuôi nhỏ lẻ đang mất dần chỗ đứng và yếu thế trong cạnh tranh, để có thể tồn tại, người chăn nuôi buộc phải tham gia các chuỗi liên kết, tổ hợp tác sản xuất an toàn.

Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã xây dựng Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ trang trại tới bàn ăn giai đoạn 2018 - 2020”. Mục tiêu của Đề án là góp phần tuyên truyền đến người chăn nuôi về giá cả thịt trường, tình hình lưu thông sản phẩm trong và ngoài nước để điều chỉnh việc tái đàn. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết, cả chăn nuôi trang trại và chăn nuôi nông hộ, thông qua thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) chăn nuôi.

Từ các mô hình liên kết tổ sản xuất, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ từ con giống đến kỹ thuật mới; mua chung con giống, thức ăn đầu vào với chi phí rẻ và xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn.

Chuỗi liên kết nhằm thu gọn tất cả các khâu từ chăn nuôi, thu mua cho tới giết mổ, giúp người chăn nuôi ổn định giá thành sản phẩm khi mua vào cũng như khi đưa ra thị trường. Đồng thời ngành chức năng dễ dàng kiểm soát được chất lượng, từng bước tạo thương hiệu cho sản phẩm. Toàn tỉnh Đồng Nai đã hình thành được 3 vùng GAHP (vùng thực hành sản xuất chăn nuôi tốt) với 67 tổ hợp tác và 821 hộ, 13 HTX chăn nuôi, trong đó nhiều đơn vị đã ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp cung cấp lợn sạch vào siêu thị.

Nói về vai trò của chuỗi liên kết sản xuất, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi Đồng Hiệp (huyện Thống Nhất) cho rằng: “Việc sản xuất theo chuỗi khép kín, đồng bộ, hiện đại sẽ giúp bảo đảm chất lượng thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc, hạn chế phát sinh, lây lan dịch bệnh trên động vật và bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhờ vậy, HTX Đồng Hiệp ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp nên bảo đảm đầu ra bền vững cho xã viên”.

Từ các chuỗi HTX, tổ sản xuất, ngành chăn nuôi đã có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi. Bước đầu hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tháo gỡ những “nút thắt” về giá và thị trường cho người chăn nuôi.


Một trại nuôi lợn tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai

Xây dựng “vệ tinh” xuất khẩu

Từ năm 2016, thịt gà tại Đồng Nai đã được xuất khẩu sang Nhật Bản theo đường chính ngạch, tạo thị trường, nguồn thu nhập lớn cho người chăn nuôi. Để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án xây dựng “vệ tinh” cung cấp thịt thành phẩm. Điều này mở ra cơ hội cho người chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh có thể tham gia chuỗi xuất khẩu gà, nâng cao giá trị cũng như thu nhập. Tuy nhiên, để được tham gia vào chuỗi xuất khẩu, các hộ chăn nuôi phải bảo đảm quy trình khắt khe từ khâu chọn con giống đến xuất chuồng. Người chăn nuôi gần như phải thay đổi toàn bộ quy trình truyền thống, hệ thống chuồng trại cũng được đồng bộ, nhằm đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, an toàn dịch bệnh. “Từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, tất cả phải bảo đảm truy xuất được nguồn gốc. Theo quy định, khoảng một tháng trước khi xuất bán gà, tôi phải dừng sử dụng tất cả các loại thuốc thú y”, ông Minh - một hộ nuôi gà trên địa bàn huyện Thống Nhất cho biết.

Điển hình cho liên kết chuỗi thịt gà ở Đồng Nai là việc Công ty TNHH MTV Bình Minh hợp tác với hộ nông dân, trang trại theo hình thức gia công. Tiêu thụ sản phẩm theo hình thức bao tiêu theo hợp đồng và sản lượng đạt 4.200.000 con gà/năm tương ứng với 7.000 tấn thịt gà/năm. Một khi tham gia chuỗi chăn nuôi xuất khẩu, giá gà cũng như sản lượng sẽ được công ty thu mua ký kết lâu dài nên người chăn nuôi yên tâm hơn.

Một hình thức khác cũng thu hút đông đảo các hộ chăn nuôi tham gia là liên kết chuỗi sản xuất, trong đó doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng ký kết, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Các doanh nghiệp tiêu biểu đã tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi gia công tại Đồng Nai có thể kể đến: Công ty CP Việt Nam, Công ty Japfa, Công ty Emivest, Công ty TNHH MTV Bình Minh…

Liên kết tăng trưởng xanh

Hiểu đủ nghĩa của phát triển bền vững nghĩa là hướng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường và dân cư trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Là thủ phủ chăn nuôi của cả nước và là đơn vị đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp, ngoài sản phẩm thu được, Đồng Nai còn có một lượng lớn chế phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi. Đây là bài toán lớn cho định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Áp dụng việc liên kết việc trồng trọt với chăn nuôi, người dân các huyện Trảng Bom, Long Thành… đã sử dụng thân cây ngô, khoai chế biến thêm các chế phẩm sinh học, ủ chua để nuôi bò thịt. Phân từ chăn nuôi lợn, bò, gà được sử dụng hệ thống biogas sản xuất khí đốt dùng trong chăn nuôi và sinh hoạt. Phần phân hoai mục từ hầm biogas được dùng làm phân bón hữu cơ trở lại đồng ruộng. Việc tận dụng nguồn phân làm chất đốt, chất thải sau khi hóa khí được bón cho cây trồng giúp giảm chi phí đầu tư, vừa hạn chế được đáng kể lượng phân bón hóa học mà ít có tác động xấu đến môi trường.

Nhằm tận dụng các chế phẩm từ trồng trọt và chăn nuôi, mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) tại Đồng Nai triển khai từ nhiều năm trước đã mang lại hiệu quả ở cả hai khía cạnh kinh tế và môi trường. Xét về mặt tổng quát, các thành phần VAC của hệ thống trang trại đã có mối liên hệ để tạo thành một mô hình tương đối khép kín theo kiểu chuỗi thức ăn trong hệ thống sinh thái nông hộ, tận dụng hết tiềm năng của nguồn tài nguyên sẵn có để đạt hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn môi trường và là nền móng cho phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Hương Lan