Tăng chi ngân sách bảo vệ môi trường

- Thứ Tư, 12/08/2020, 06:01 - Chia sẻ
Trong Báo cáo một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 12.8, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất nên có tỷ lệ cụ thể về chi ngân sách cho bảo vệ môi trường. Cụ thể là, quy định ngân sách nhà nước có mục chi riêng cho hoạt động bảo vệ môi trường (không chỉ là chi sự nghiệp) và tăng chi để bảo đảm mức chi tối thiểu 1% tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn; mục chi riêng cho hoạt động đầu tư phát triển bảo vệ môi trường.

Những sửa đổi trên đây, theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, sẽ bảo đảm nguồn lực bố trí cho các dự án lớn, trung hạn nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường, giải quyết dứt điểm các vấn đề môi trường do lịch sử để lại, thực hiện các nội dung chính sách về bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm của Nhà nước.

Trước đó, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Chín cũng đã đưa ra đề xuất tương tự, chỉ khác là tỷ lệ tối thiểu mà Chính phủ đưa ra là 2% thay vì 1% như đề xuất của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Khi đó, dù đồng thuận về mặt chủ trương cần tăng chi ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường nhưng đề xuất của Chính phủ đã khiến các nhà lập pháp không khỏi băn khoăn.

Là thành viên cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật nhưng chính Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh cũng nhận định, đây là câu chuyện cực kỳ phức tạp vì chưa đánh giá được tác động, chưa làm rõ được căn cứ vào đâu để quyết định tỷ lệ 2%. Từ góc nhìn của cơ quan kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng nói thẳng, không thể lý giải được vì sao lại là 2%. Đó là chưa kể, về mặt lập pháp, nếu quy định cứng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường thì sẽ “đụng” đến Luật Ngân sách Nhà nước.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi chỉ rõ, nếu quy định tỷ lệ cụ thể ngân sách dành cho bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường thì phải làm rõ mối quan hệ với Luật Ngân sách Nhà nước. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng lo ngại về việc liệu quy định về mức chi ngân sách trong Luật Bảo vệ môi trường thì sau này, các luật chuyên ngành khác có "đòi” cơ chế tương tự? Và như vậy, có phá vỡ tính thống nhất của Luật Ngân sách Nhà nước hay không?

Thực tế cho thấy, dù Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Bảo vệ môi trường hiện hành không quy định cụ thể tỷ lệ ngân sách dành cho công tác bảo vệ môi trường nhưng từ năm 2006 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, hàng năm Nhà nước luôn bố trí không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động sự nghiệp môi trường. Tuy vậy, những vướng mắc, bất cập cả về quy định pháp lý và trong thực hiện đã khiến nguồn lực này không thấm vào đâu so với yêu cầu và đòi hỏi của công tác bảo vệ môi trường.

Là lĩnh vực đặc thù, nhiều hoạt động thường xuyên có tính chất chi đầu tư nên công tác bảo vệ môi trường không được bố trí kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp môi trường. Việc sử dụng ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm chi thường xuyên và chi có tính chất đầu tư (như hỗ trợ xử lý chất thải; xử lý các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích; quan trắc, giám sát, cảnh báo các vấn đề ô nhiễm môi trường liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới...) còn thiếu sự điều phối, tổng hợp, thống nhất, thiếu vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường để bảo đảm ngân sách nhà nước được tập trung vào đúng đối tượng, đúng nội dung cần thiết…

Nói như vậy để thấy rằng, có cơ sở thực tế để Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất có tỷ lệ cụ thể về chi ngân sách cho bảo vệ môi trường. Nhưng như vậy vẫn chưa giải quyết được mối quan hệ với Luật Ngân sách Nhà nước như thế nào và cũng chưa bảo đảm được hiệu quả đầu tư từ nguồn lực ngân sách như các đại biểu đã cảnh báo. 
Cũng cần nói thêm rằng, tại Kỳ họp thứ Chín, dù còn ý kiến khác nhau về đề xuất của Chính phủ nhưng các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cần tăng chi cho bảo vệ môi trường với vai trò là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững: kinh tế - xã hội -  môi trường. Vì thế việc cần tính toán để thuyết phục được các đại biểu Quốc hội không phải là có cần tăng chi không mà là tăng bao nhiêu, quản lý, kiểm soát việc chi thế nào cho hiệu quả; không phải là có "đụng" đến "thánh địa" Luật Ngân sách Nhà nước (chữ dùng của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà) được hay không mà là "đụng" như thế nào để bảo đảm vừa tăng được mức chi ngân sách cho bảo vệ môi trường vừa không phá vỡ tính thống nhất của pháp luật về ngân sách nhà nước. 

Quỳnh Chi