Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm thời đại 4.0

Tận dụng ưu việt của công nghệ

- Thứ Sáu, 26/07/2019, 07:56 - Chia sẻ
Trong kỷ nguyên số, việc thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, tham quan bảo tàng, triển lãm, thậm chí sáng tạo nghệ thuật ngay tại nhà, đã không còn xa lạ. Một số nơi cũng đã hình thành thị trường mỹ thuật trực tuyến kết nối trực tiếp công chúng tới từng nghệ sĩ hoặc sàn giao dịch... Vì thế, nếu không biết cách tận dụng sự ưu việt của công nghệ, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm sẽ gặp khó khăn.

Lẻ tẻ, manh mún

Tại Hội thảo “Tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư vào các lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm” mới đây, họa sĩ Vũ Huy Thông (Viện Mỹ thuật, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) đặt vấn đề: “Chưa có những con số điều tra chính xác về doanh thu của toàn bộ hệ thống gallery nghệ thuật trên cả nước, nhưng nhờ nó, nhiều nghệ sĩ đã sống được bằng nghề, thậm chí trở nên giàu có nhờ số lượng tranh bán được và mức giá bán cao trong nhiều năm. Tuy nhiên, với xu hướng ứng dụng công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, phương thức kinh doanh tác phẩm nghệ thuật thông qua các gallery truyền thống đang đứng trước thách thức và cạnh tranh vô cùng lớn”.

Theo họa sĩ Vũ Huy Thông, trên phạm vi quốc tế đã từng có những hình thức gallery online hiệu quả, đáng để tìm hiểu và học tập như Saatchi art. Trụ sở tại Mỹ, hiện Saatchi art có lượng nghệ sĩ tham gia là 65.000 người, từ 100 quốc gia với trên 500.000 tác phẩm. Hệ thống cho phép người xem theo dõi, bình luận, chia sẻ thông tin, hình ảnh về các nghệ sĩ, tác phẩm mình quan tâm, cũng như đưa ra yêu cầu về mục đích sưu tập. “Ở Saatchi art có tác phẩm của nhiều nghệ sĩ đương đại hàng đầu thế giới, giao dịch cả triệu USD và tác giả không chuyên. Nó tạo môi trường nghệ thuật đa dạng, kết nối mọi nhu cầu trên khắp thế giới”.


Triển lãm thực tế ảo “Bên trong Sơn Đoòng” Nguồn: tuoitre.vn

Trong khi đó, các thư viện thông tin tác phẩm như vậy tại Việt Nam lại gần như chưa có gì. Không chỉ với tranh và họa sĩ, ảnh và các nhiếp ảnh gia cũng vậy. Theo nhiếp ảnh gia Việt Văn, thị trường ảnh trong nước theo chiều hướng tự phát và manh mún. Đã có một vài đơn vị tư nhân mở ngân hàng ảnh, trang web riêng bán ảnh trên mạng, nhưng rất ít người bán khỏe mà “thường chỉ túc tắc bán đơn lẻ từng tác phẩm và rồi cũng thất bại”. Trong khi đó, từ ngân hàng đến gian hàng ảnh là điều rất nên có trong cuộc Cách mạng 4.0. Nhiếp ảnh gia Việt Văn dẫn chứng: “Tại Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới, việc cập nhật từ thông tin tác giả cho đến tác phẩm luôn được người quản trị mạng lưới nhắc nhở thực hiện để việc mua bán ảnh được hiệu quả”.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Việt Phương đánh giá cao vai trò thúc đẩy của công nghệ trong mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm. Ông phân tích việc ứng dụng thực tế ảo VR có thể giúp các trưng bày bảo tàng trở nên sống động hơn, bán vé tốt hơn. Các triển lãm ảo hiện tại mới chỉ lác đác tại Việt Nam nhưng có hiệu quả, chẳng hạn triển lãm thực tế ảo “Bên trong Sơn Đoòng” tại TP Hồ Chí Minh là cơ hội trải nghiệm hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc số hóa các tư liệu di sản trong nước mới được thực hiện lẻ tẻ, đơn cử trường hợp tác giả Nguyễn Trí Quang với kho tư liệu 3D về một số hiện vật và di tích.

Xây dựng kho dữ liệu

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm tại Việt Nam rõ ràng đang đứng trước nhiều thách thức, do đó cần được đổi mới toàn diện trên cơ sở tận dụng những ưu việt của công nghệ tiên tiến. Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, PGS.TS. Bùi Thị Thanh Mai nhìn nhận, với tác động của công nghệ, cách thức hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật cũng đang dần thay đổi cho phù hợp. Chẳng hạn, dự án “Into Thin Air” cho phép công chúng xem tác phẩm qua ứng dụng trên điện thoại di động, mặc dù tác phẩm không hiện hữu tại địa điểm. Hoặc triển lãm “Van Gogh” cho thấy một cách thức triển lãm khác với tác phẩm được số hóa. Để thực hiện điều này với các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam, dựng kho nội dung số là cần thiết.

“Việc xây dựng kho dữ liệu nghệ thuật là điều nhiều nước trong khu vực đã làm. Với các tác phẩm Việt Nam, Hội đồng Anh cũng từng thu thập xây dựng ngân hàng dữ liệu từ những năm 2000. Do đó, chúng ta có thể liên lạc xin lại các tư liệu đã hệ thống đó và tiếp tục xây dựng bằng cách để các nghệ sĩ cập nhật thêm. Đặc biệt, các nghệ sĩ có thể tham gia điền chú thông tin này như dạng từ điển Wikipedia mở”, ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) gợi ý.

Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, GS.TS. Trương Quốc Bình cũng đưa ra những bằng chứng cho thấy tính bức thiết của việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành mỹ thuật trên cơ sở số hóa các kết quả điều tra, khảo sát về kho tàng di sản mỹ thuật Việt Nam. Do đặc thù phong phú, đa dạng của các di sản mà dữ liệu về di sản cần được khai thác theo sự phân loại, như: Di sản mỹ thuật đang được lưu giữ tại các bảo tàng; di vật mỹ thuật cổ là bảo vật quốc gia hoặc các động sản có giá trị đang được lưu giữ tại các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới; các sưu tập tác phẩm hội họa đương đại tại các bảo tàng công lập và ngoài công lập; các sưu tập tác phẩm của các trường, hội, các sưu tập tư nhân; hệ thống các tượng đài hoành tráng, tượng hoa viên, các công trình điêu khắc, tại các khu di tích, khu du lịch và những nơi công cộng…

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống cơ sở đào tạo và ứng dụng công nghệ trong đào tạo về mỹ thuật, sáng tác các tác phẩm mỹ thuật, việc bảo quản, tu sửa, hay hoạt động trưng bày, hoạt động thực thi quyền tác giả đối với các tác phẩm mỹ thuật.

Hồng Hà