Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Tận dụng tối đa cơ hội dân số vàng

- Thứ Sáu, 11/10/2019, 07:37 - Chia sẻ
Thời kỳ dân số vàng không phải là khái niệm xa lạ đối với Việt Nam mà đã được nhắc đến rất nhiều từ hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, cơ hội dân số vàng chỉ có thể trở thành hiện thực và đóng góp cho tăng trưởng, phát triển kinh tế khi có chính sách tốt về mặt kinh tế, lao động, việc làm, y tế, giáo dục và quản trị tốt. Những vấn đề này cần tiếp tục được xem xét, cụ thể hóa trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình QH xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới.

“Cơ hội dân số” có trở thành “dư lợi dân số”?

Tại Hội thảo xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) từ góc nhìn các vấn đề dân số và bình đẳng giới do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức hôm qua, 10.10, các chuyên gia đến từ Quỹ  Dân số Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, cơ cấu dân số vàng chỉ xảy ra một lần duy nhất trong lịch sử của một quốc gia và là một cơ hội tiềm tàng, có tác động đến thành công hoặc thất bại trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của quốc gia đó. Lực lượng lao động trẻ, khỏe mạnh, dồi dào, được đào tạo, có kỹ năng và được trao quyền, có cơ hội công việc tốt sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng đầu tư vào xã hội, nói cách khác là sẽ tạo ra dư lợi dân số.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại hội thảo Ảnh: Quang Khánh

Với Việt Nam, chúng ta đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự báo sẽ kéo dài đến năm 2041. Nhưng trong hơn 10 năm qua, chúng ta có tận dụng được cơ hội dân số vàng hay không? Tận dụng như thế nào? Từ những số liệu thống kê chính thức được các cơ quan chức năng công bố, theo chuyên gia Lê Thị Phương Mai, đã cho thấy một thực tế nhiều thách thức.

Đầu tiên là thách thức về chất lượng nguồn nhân lực. Mặc dù chúng ta có lực lượng lao động trẻ dồi dào, ngày càng tăng nhưng trình độ tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Năm 2018, tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động trên tổng dân số vẫn đạt khoảng 76% nhưng tỷ lệ lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật vẫn rất cao khi chiếm đến 78% tổng số lao động.

Thách thức thứ hai là, các chương trình giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Tình trạng thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong thanh niên, đặc biệt là trong nhóm thanh niên đã tốt nghiệp ở các trường cao đẳng, đại học là vấn đề báo động đối với thị trường lao động. Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, năm 2014, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Trong đó có khoảng 162 nghìn lao động có bằng cử nhân và thạc sỹ hiện không tìm được việc làm hoặc phải làm các công việc không đúng với ngành/nghề được đào tạo theo báo cáo chung của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động Quốc tế. Điều này cho thấy, một lượng lao động khá lớn vẫn còn thiếu kỹ năng và kiến thức để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thách thức thứ ba là năng suất lao động vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển quá thấp khiến cho việc cải tiến trong sản xuất còn yếu, từ đó, dẫn đến năng suất lao động thấp. “Lực lượng lao động thiếu kỹ năng và năng suất lao động thấp sẽ khiến nền kinh tế dễ rơi vào bẫy với các hoạt động giá trị thấp và tỷ lệ tăng trưởng thấp”, chuyên gia của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

Bảo đảm nâng cao chất lượng lao động và năng suất lao động

Các nghiên cứu quốc tế cho thấy, đã có một số quốc gia trải qua thời kỳ dân số vàng nhưng không phải quốc gia nào cũng thành công trong việc chuẩn bị và tận dụng cơ hội dân số có một không hai này. Cơ hội dân số vàng chỉ có thể trở thành hiện thực và đóng góp cho tăng trưởng, phát triển kinh tế khi có chính sách tốt về mặt kinh tế, lao động, việc làm, y tế, giáo dục và quản trị tốt.

Khảo sát kinh nghiệm của các nước đã thành công trong tận dụng cơ hội dân số vàng như Nhật Bản, Hàn Quốc... và cả những nước chưa tận dụng được cơ hội, thậm chí có thể mắc “bẫy thu nhập trung bình” như Thái Lan, Malaysia... cho thấy, có 4 chính sách chung đem lại thành công cho các nước. Cụ thể là: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dồi dào thông qua đầu tư cho giáo dục và y tế, nâng cao năng suất lao động của các ngành theo định hướng phát triển kinh tế của quốc gia; tạo việc làm cho lực lượng lao động; tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao; bình đẳng giới trong y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực xã hội được quan tâm trong chính sách phát triển nên tỷ lệ lao động nữ ngày càng tăng và điều này đã giúp cải thiện được vị thế, sức khỏe sinh sản của lao động nữ, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Từ kinh nghiệm của các nước, quay trở lại với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), chuyên gia Lê Thị Phương Mai khuyến nghị, đầu tiên, dự thảo Bộ luật phải bảo đảm nâng cao chất lượng lao động và năng suất lao động thông qua giáo dục đào tạo và phát triển kỹ năng nghề. Các điều khoản của dự thảo Bộ luật phải phản ánh được chính sách phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm người lao động có điều kiện được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề để hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho việc tự do dịch chuyển lao động từ các ngành nghề có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh.

Cùng với đó, các điều luật cần phản ánh các điều kiện để gắn kết giữa các cơ sở đào tạo, dạy nghề và cơ sở sử dụng người lao động, bảo đảm đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường, đào tạo đáp ứng công việc đòi hỏi kiến thức và kỹ năng, kỹ thuật cao để đưa Việt Nam lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Một khuyến nghị quan trọng nữa là, bảo đảm cơ hội việc làm và hướng tới những việc làm tạo giá trị gia tăng cao dựa trên tăng năng suất lao động; tạo đủ các cơ hội việc làm tốt, đặc biệt là cho thanh niên và phụ nữ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tìm kiếm và mở rộng thị trường lao động ở nước ngoài; khuyến khích xuất khẩu lao động và đào tạo lao động xuất khẩu theo chuẩn quốc tế cũng là một chính sách hiệu quả để bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững cho người lao động. Mặt khác, cần bảo đảm người lao động có quyền và cơ hội ngang nhau; không bị phân biệt đối xử; được bảo vệ không bị bạo lực, ngược đãi cả về tinh thần và thể chất, không bị lạm dụng, cưỡng bức và tấn công tình dục nơi làm việc. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến việc bảo đảm lao động nữ, lao động trẻ có quyền tiếp cận bình đẳng đối với giáo dục, việc làm, dịch vụ và thông tin về sức khỏe sinh sản.

Bảo đảm lực lượng lao động khỏe mạnh cũng là một nội dung cần tiếp tục xem xét trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, cần bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Riêng với lao động nữ, lao động nữ mang thai, các chuyên gia nhấn mạnh, cần tuân thủ các khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế và các công ước quốc tế liên quan. Với người lao động cao tuổi, cần có quy định bảo đảm họ sẽ làm việc phù hợp với sức khỏe. Với nhóm lao động chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi, đặc biệt là nhóm từ 13 đến chưa đủ 15 tuổi) cần quy định cụ thể để bảo đảm các công việc phù hợp với sức khỏe ở độ tuổi này, bổ sung quy định về giờ làm việc cho nhóm chưa đủ 13 tuổi. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, lao động vừa mang tính kinh tế vừa mang tính xã hội và có quan hệ mật thiết với dân số và bình đẳng giới. Các vấn đề dân số và tận dụng cơ hội của cơ cấu dân số vàng đã luôn được Ủy ban Về các vấn đề xã hội chú trọng trong quá trình thẩm tra, giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Dù vậy, ghi nhận khuyến nghị của các chuyên gia,Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi khẳng định, Ủy ban sẽ tiếp tục cân nhắc, rà soát, báo cáo với UBTVQH, QH để có thể cụ thể hóa hơn nữa các vấn đề dân số trong dự thảo Bộ luật, giúp tận dụng tối đa cơ hội của thời kỳ dân số vàng, làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Nguyễn Bình