Chính sách và cuộc sống

“Tầm tiền” và tầm nhìn

- Thứ Sáu, 12/07/2019, 07:34 - Chia sẻ
Dư luận đang quan tâm tới những đề xuất liên quan tới dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam của 2 Bộ: Giao thông - Vận tải và Kế hoạch và Đầu tư.

Trước tiên, dù mỗi bộ đưa ra một mức tổng vốn đầu tư - chênh lệch 32,7 tỷ USD, thì đây cũng không phải là chuyện đắt - rẻ, bởi vì phương án của 2 bộ hoàn toàn khác nhau cả về phạm vi, quy mô… nên đương nhiên chi phí phải khác nhau. Cụ thể, theo phương án mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tốc độ thiết kế khoảng 200km/h, tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỷ USD, thời gian chạy tàu từ Hà Nội - TP Hồ Chí Minh khoảng 8 giờ. Trong khi đó, Bộ Giao thông - Vận tải cuối năm ngoái đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tốc độ thiết kế 350km/h, được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách. Thời gian chạy tàu từ Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là 5 giờ 20 phút, nếu không dừng ở một số ga và 6 giờ 55 phút nếu dừng ở tất cả ga. Tổng vốn đầu tư là 58,7 tỷ USD và đoạn sớm nhất được khai thác vào năm 2032, hoàn thành toàn tuyến năm 2050.

Hai phương án của hai bộ đều có ý kiến phản đối và ủng hộ. Một bên cho rằng, đường sắt cao tốc ở các nước châu Á như Nhật Bản và Trung Quốc hiện chủ yếu vận hành ở tốc độ 200 - 250km/h trong khi tốc độ thiết kế là 350km/h, nếu chúng ta xây sau các nước hàng chục năm mà vẫn dùng tàu 200km/h thì e rằng tầm nhìn kém.

Bên còn lại phân tích: Trong bối cảnh hệ thống giao thông trong nước cơ bản còn yếu, đất nước còn thiếu vốn, nợ công cao và công nghiệp kém, dự án xây dựng đường sắt cao tốc quá sớm với số tiền đầu tư khổng lồ trong kế hoạch phát triển giao thông của một quốc gia còn nghèo, sẽ không bảo đảm được hiệu quả kinh tế và đẩy đất nước vào vòng nợ nần. 

Chúng ta có lẽ ai cũng thích đi tàu tốc độ nhanh nhất có thể và tất nhiên với số tiền đầu tư thấp nhất có thể. Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện, thực tế là chuyện khác, cũng như bài toán hài hòa giữa tầm nhìn và tầm tiền thực sự rất khó giải, vì thế dễ hiểu là các cuộc tranh luận sẽ kéo dài bất tận. Hơn nữa, ở thời điểm này, ngay cả các chuyên gia cũng rất khó đưa ra nhận định phương án nào tốt hơn, bởi vẫn chưa có một báo cáo đánh giá tác động đầy đủ từ các phương án mà hai bộ đưa ra liên quan tới hiệu quả, chi phí, rủi ro của phương án.

Dù sao, đề xuất mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và những luồng ý kiến khác nhau về các phương án đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng cần được Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, cân nhắc trong quá trình nghiên cứu, lập dự án để hài hòa giữa tầm nhìn và tầm tiền. Những câu hỏi đặt ra là: Có cần thiết phải xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam không hay nên tập trung nâng cấp đường sắt quốc gia lên chuẩn mới để chạy tốc độ cao hơn hiện nay? Nếu đường sắt cao tốc là cần thiết thì nên làm toàn tuyến Bắc - Nam hay chỉ nên xem là phân nhánh của đường sắt quốc gia, phục vụ các tuyến ngắn (500km trở lại), mang tính thương mại cao cấp?

Với bất cứ dự án nào, điều quan trọng là hiệu quả kinh tế chứ không phải tiền đầu tư nhiều hay ít. Đường sắt cao tốc Bắc - Nam dù làm toàn tuyến hay đoạn tuyến thì Bộ Giao thông - Vận tải đều phải tính toán thật kỹ để chọn được thời điểm đầu tư, khai thác phù hợp với mức độ phát triển kinh tế và thu nhập của người dân. Nếu chọn sai, dự án sẽ kém hiệu quả và trở thành gánh nặng cho quốc gia.

Hà Lan