Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế

Tâm lý xã hội và 3 vấn đề mấu chốt

- Thứ Năm, 19/09/2019, 07:52 - Chia sẻ
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình, ba vấn đề lớn đặt ra đối với giáo dục nghề nghiệp hiện nay là: Quản lý nhà nước, hệ thống cơ chế, chính sách; chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và đội ngũ giáo viên; mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó còn có vấn đề thứ tư mang tính bao trùm, nhưng nếu 3 vấn đề mấu chốt trên được giải quyết thì cũng sẽ giải được, đó là tâm lý xã hội.

Làm đúng và làm tốt, trước khi làm hay và sáng tạo

- Giáo dục nghề nghiệp được xác định là lĩnh vực trọng tâm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ trong năm 2019. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần nhận thức đúng và nhìn nhận rõ vai trò của lĩnh vực này đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, thưa Chủ nhiệm?

- Từ khi nguồn nhân lực được xác định là một trong ba mũi đột phá phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách dành cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Thực tế, thời gian qua, chúng ta đã cố gắng và làm được nhiều việc, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về GDNN, đến đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… Trong đó, đáng chú ý là Luật GDNN được Quốc hội thông qua và có hiệu lực năm 2014 đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN tổ chức hoạt động đào tạo. Nhờ vậy đã tạo chuyển biến nhất định trong nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng một phần quá trình phát triển và hội nhập của đất nước.


Ảnh: Quang Khánh

Đây là lần đầu tiên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ phối hợp với một cơ quan quản lý nhà nước tổ chức Hội thảo Giáo dục - hoạt động thường niên của Ủy ban từ năm 2017. Bởi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới tiếp nhận quản lý lĩnh vực GDNN, Ủy ban muốn chia sẻ, đi cùng với Bộ để làm cho hệ thống GDNN tốt hơn. Chúng tôi mong muốn qua hội thảo, tìm các ý tưởng để hoàn thiện chính sách về GDNN, góp phần giải bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển và hội nhập của đất nước; đồng thời từng bước tạo dựng cộng đồng lo cho lĩnh vực này. Chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào năm 2021, hội thảo cũng tạo cơ sở để nhìn nhận đúng và toàn diện hơn về nguồn nhân lực, từ đó đầu tư tương xứng cho mũi đột phá này”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ
Phan Thanh Bình

Tuy nhiên, so với nhu cầu nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có tay nghề cao, thì chúng ta còn tiếp tục phải làm nhiều việc, từ cơ chế, chính sách đến quản lý nhà nước và bản thân các cơ sở GDNN. Bởi theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động có chứng chỉ đào tạo hiện nay chỉ dưới 25%. Đây là điểm yếu khi chúng ta cạnh tranh với lao động khu vực và thế giới. Trong khi đối với những nước đang phát triển, thu nhập ở mức trung bình như Việt Nam hiện nay, yêu cầu về đội ngũ nhân lực nghề nghiệp rất quan trọng. Bởi trước tiên chúng ta cần những lao động làm đúng và làm tốt, dần dần mới tiến tới làm hay và sáng tạo.

- Không chỉ cạnh tranh quốc tế trong quá trình hội nhập mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cũng đang tạo ra sức ép rất lớn đối với người lao động và thị trường lao động. Theo Chủ nhiệm, Việt Nam cần làm gì để ứng phó với những tác động từ cuộc cách mạng này?

- Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 thực chất là sự phối hợp của 2, 3 công nghệ với nhau, tạo thay đổi trong định nghĩa về quy trình sản xuất, về hoạt động của người lao động, cũng như tác động các mối quan hệ xã hội. Vì thế, đào tạo phải tính tới cả vấn đề công nghệ, văn hóa, xã hội, chuẩn bị cho đội ngũ nhân lực thích ứng với những biến đổi ấy. Thứ nhất, chúng ta cần cẩn thận với những ngành thâm dụng lao động, vì người lao động có thể sẽ được thay thế bằng robot; phải chuẩn bị 2 đội ngũ, một là những người tiếp nhận và sáng tạo (giáo dục đại học), hai là lao động trực tiếp (GDNN). Đúng là người lao động cần có trình độ cao hơn, nhưng tôi không nghĩ tất cả lao động đều phải có trình độ đại học. Thứ hai, người lao động phải có kỹ năng tiếp xúc với công nghệ mới và nắm vững nó. Một anh thợ hàn giỏi, khi có robot hàn thì phải trở thành người điều khiển nó. Thứ ba, người lao động phải có độ linh hoạt trong tiếp nhận cái mới, bởi công nghệ phát triển rất nhanh, hôm nay công nghệ này mai đã thay bằng công nghệ khác. Sẽ đến lúc, nếu người lao động không được chuẩn bị và đào tạo một cách nghiêm túc thì khó kiếm được việc làm. Đừng để các em bị lạc hậu, thất nghiệp và sốc tâm lý trong một xã hội sẽ có nhiều thay đổi, phát triển. 

Nhìn nhận đúng và đầu tư bài bản

- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ vừa tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về GDNN trên phạm vi cả nước. Xin Chủ nhiệm cho biết những vấn đề lớn đặt ra từ chuyên đề giám sát này là gì?

- Qua giám sát chúng tôi nhận thấy có ba vấn đề lớn đặt ra đối với công tác GDNN hiện nay là: Quản lý nhà nước, hệ thống cơ chế, chính sách về GDNN; chất lượng đào tạo GDNN, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và đội ngũ giáo viên; mối quan hệ gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN. Gần đây chúng ta đã thống nhất được đầu mối quản lý nhà nước về GDNN (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - PV), điều này rất quan trọng để tạo ra sự thống nhất trong định hướng phát triển chung của cả hệ thống GDNN. Vấn đề hiện nay là tìm mô hình quản lý phù hợp. Hệ thống cơ chế, chính sách cũng cần được nhìn nhận lại một cách tổng thể.

Về chất lượng đào tạo GDNN, Nhà nước đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng cần có sự sắp xếp, quy hoạch mạng lưới để đầu tư tập trung hơn; đào tạo vẫn nặng về tay nghề, trong khi người lao động giờ đây không chỉ cần kỹ năng mà còn phải có kiến thức về các lĩnh vực khác và biết cách ứng xử trong các mối quan hệ xã hội. Về quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN, chính sách của chúng ta chưa đủ mạnh để gắn kết hai đối tượng này. Đào tạo chưa khớp với nhu cầu doanh nghiệp; doanh nghiệp thì chưa thấy được trách nhiệm của mình với đào tạo.

Bên cạnh đó còn có vấn đề thứ tư mang tính bao trùm, nhưng nếu 3 vấn đề mấu chốt trên được giải quyết thì cũng sẽ giải được, đó là tâm lý xã hội. Tâm lý xã hội vẫn là tâm lý khoa bảng, thích học đại học. Tuy nhiên, xã hội đang thay đổi, càng ngày xã hội càng thực tế hơn. Nếu bây giờ đào tạo chất lượng tốt, sinh viên ra trường tìm được việc làm và có thu nhập tốt thì GDNN sẽ có sức hút.

- Tâm lý xã hội ở đây không chỉ về phía người học và phụ huynh như Chủ nhiệm vừa nói, mà ngay trong cơ chế, chính sách dường như cũng chưa nhìn nhận đúng về GDNN, còn có sự phân biệt…?

- Đúng vậy! Hiện nay, hệ thống giáo dục quốc dân chia thành bốn khối: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Bốn khối này cần được đánh giá và coi trọng ngang nhau thì mới có thể tạo thành một chỉnh thể nền giáo dục - đào tạo. GDNN vừa đứng bên cạnh, vừa là sự nối tiếp giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Đã đến lúc cơ sở GDNN cũng phải được đầu tư chuẩn mực như cơ sở giáo dục đại học về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo, và quan trọng nhất là phải được quản trị tốt. Hy vọng khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực và Khung trình độ quốc gia được triển khai sẽ góp phần giải quyết những vấn đề vừa nêu, nhất là tâm lý xã hội. GDNN không phải con đường mà khi không thể vào đại học các em mới bước qua. Đó là một trong những con đường các em đi để đạt mục đích cuộc sống.

- Xin cảm ơn Chủ nhiệm!

Nguyên Anh thực hiện