Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam

Tấm gương ngời sáng, sống mãi trong trái tim người Việt Nam

- Thứ Ba, 10/09/2019, 08:02 - Chia sẻ
Từ Thượng thư Bộ hình Nam triều, nổi tiếng thanh liêm, chính trực, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã vượt qua những định kiến của thời cuộc để tham gia chính quyền cách mạng. Cụ dành trọn một đời yêu nước thương dân, đấu tranh vì nhân dân, tấm gương sáng của Cụ sẽ sống mãi trong trái tim thế hệ người Việt Nam. Đó là khẳng định của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam sáng qua.

“Không nhận tiền và quà biếu”

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học, Cụ Bùi Bằng Đoàn sớm bộc lộ tư chất là người thông minh dĩnh ngộ, tuy sống trong cảnh bần hàn, nhưng vẫn giữ vững nền nếp gia phong - Đó là chia sẻ của GS. Bùi Nghĩa, con trai cụ Bùi Bằng Đoàn.

Chứng kiến sự tàn nhẫn của bọn đế quốc phong kiến dội xuống những mảnh đời hôm qua còn sống yên lành, nay đã rơi vào cảnh tù đầy, nhà tan cửa nát, gia đình đang yên ấm phát chốc đã bị ly tán, thâm chí bị hành hạ cho đến chết. Những cảnh tượng như vậy đã hằn sâu trong trí óc của Cụ Bùi Bằng Đoàn. Cụ vô cùng căm hận những kẻ bóc lộ tàn ác, căm ghét bất công trong xã hội. Trong thâm tâm Cụ Bùi Bằng Đoàn luôn có suy nghĩ với những câu hỏi tại sao dân ta còn nghèo đói, đất nước ta vẫn còn nô lệ? Xã hội đang cần gì? Phải làm gì cho xã hội trong tương lai để cho người nghèo bớt khổ và xã hội hết bất công?

Trong suốt quá trình nhậm chức làm quan đến khi lên tột đỉnh danh vọng Nhất phẩm triều đình, theo nhiều đại biểu tham dự hội thảo, Cụ Đoàn luôn thực hiện chính sách “Quốc thái dân an”, lấy 4 chữ “yêu nước, thương dân” làm kim chỉ nam cho công việc của một vị quan cai trị. Đến nhậm chức ở bất cứ địa phương nào, Cụ cũng cho treo trước của công đường chiếc bảng ghi rõ: “Không nhận tiền và quà biếu”.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo Ảnh: Quang Khánh

Cụ nổi tiếng khắp nước là người thanh liêm, chính trực, kể cả bọn quan cai trị Pháp như Toàn quyền Prerre Pasquier cũng phải nể phục và đã báo cáo lên Chính phủ Pháp như sau: “Đây là một vị quan thực sự có tài và đức mà Hoàng đế Bảo Đại trọng dụng, với trí tuệ và nhân cách phi phàm, nổi tiếng là thanh liêm, chính trực, không phải vì đã cung cấp tiền cho Bà Từ Cung, Mẹ của Hoàng đế, đánh bạc để thăng quan, tiến chức như các vị quan khác mà vì Hoàng đế tin rằng vị quan này có khả năng giúp Hoàng đế cải cách bộ luật lạc hậu của Nam triều theo hướng dân chủ, tiến bộ mà Hoàng đế ấp ủ từ khi lên chấp chính và được Chính phủ bảo hộ ủng hộ”.

Trong thời gian làm quan dưới triều Nguyễn và sự cai trị hà khắc của thực dân Pháp, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã làm những việc biểu hiện nổi bật của tinh thần dân tộc, bất chấp việc có thể mất cả sự nghiệp và tính mạng. Năm 1925, tại phiên tòa đề hình xử cụ Phan Bội Châu, cụ Bùi Bằng Đoàn cùng các luật sư người Pháp bằng những lời lẽ đanh thép đã bênh vực cho Cụ Phan từ tội tù chung thân giảm xuống hình thức an trí ở Huế.

Năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã trả lại ấn tính Nhất phẩm triều đình, Cơ mật Viện Đại thần cho Hoàng đế Bảo Đại và từ chối trách nhiệm thành lập nội các mới. Hiểu rõ khí phách của viên cận thần thân tín mà Hoàng đế rất kính nể, Hoàng đế Bảo Đại đã không ép cụ. GS. Bùi Nghĩa cho biết, ít lâu sau, Cụ lên tàu hỏa một mình từ Huế về Hà Nội, rồi lên một chiếc xe tay bánh gỗ lọc cọc từ Hà Nội về quê nhà với một chiếc va li nhỏ như một người dân bình thường đi làm ăn xa về quê hương.

Kiên quyết diệt trừ tham nhũng

Không những từ chối việc đứng ra thành lập Nội các theo lời mời của Hoàng đế Bảo Đại, Cụ Bùi Bằng Đoàn còn góp ý và khuyến khích Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn tuyên bố thoái vị đầu hàng cách mạng. Hơn nữa trên cương vị Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội, Cụ đã làm Chủ tịch Hội bảo trợ tù chính trị và lợi dụng cơ hội lúc giao thời chính quyền thân Nhật, Cụ đã lặng lẽ ký quyết định thả một số tù chính trị tại Nhà giam Hỏa lò. Cụ cũng nhận làm Chủ tịch Hội Bảo trợ sinh viên và học sinh trong phong trào chống bắt lính, bắt phu làm bia đỡ đạn năm 1945 cho bọn Nhật.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, trong bức thư gửi Cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia công việc đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: “Thưa ngài, tôi tài đức ít ỏi mà trách nhiệm nặng nề. Thấy ngài có học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú, tôi muốn mời Ngài làm cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi trừ hại cho nước nhà, dân tộc. Cảm ơn Ngài và chúc Ngài mạnh khỏe!”.  Lúc này, Bác Hồ đã thuyết phục được Cụ Bùi Bằng Đoàn đảm nhiệm công việc quốc gia.

Thậm chí, Bác Hồ còn thành lập một Ban Thanh tra đặc biệt với Cụ Bùi Bằng Đoàn là thành viên, thể hiện quyết tâm diệt trừ tham nhũng lúc bấy giờ. Trong Sắc lệnh số 64/SL ngày 23.11.1945 có nêu: Ban Thanh tra có toàn quyền “đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đó phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án đặc biệt xét xử; tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra tòa án đặc biệt”. Đây là văn kiện đầu tiên về công tác thanh tra cũng như về công việc xét xử của Tòa án. Ban Thanh tra đặc biệt với quyền hạn rất lớn và nặng nề, không chỉ là một công cụ thường xuyên của chính quyền dân chủ nhân dân, mà còn có nhiệm vụ quan trọng góp phần làm yên lòng dân để tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ và giải phóng Tổ quốc.

Nhiệm vụ của Quốc hội là tập trung toàn lực cho cuộc kháng chiến

Vào tháng 11.1946, Cụ chính thức được QH nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bầu giữ chức Trưởng ban Thường trực QH. Tham luận tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trong giai đoạn đất nước ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện để bảo vệ nền độc lập mới giành được, dưới sự lãnh đạo của Cụ, QH nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phát huy được vai trò của mình không chỉ trong việc xây dựng Hiến pháp và pháp luật mà cả trong nhiệm vụ kháng chiến. QH đã sát cánh cùng Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu thực hiện thành công nhiệm vụ đánh đuổi thực dân xâm lược, giành độc lập và đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho nhân dân ta đấu tranh chống đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Khái quát về những đóng góp của cụ Bùi Bằng Đoàn trên cương vị người đứng đầu QH, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ khẳng định: Cụ Bùi Bằng Đoàn luôn đề cao tư tưởng đại đoàn kết để động viên các lực lượng tham gia kháng chiến, qua đó khẳng định vai trò của QH trong việc đại diện cho ý chí của toàn dân, cho tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Vào thời điểm đó, Cụ và Ban Thường trực QH đã nhận thức rõ nhiệm vụ của QH là tập trung toàn lực cho cuộc kháng chiến. Dù không thể tổ chức các cuộc họp thường xuyên, nhưng ĐBQH chính là cơ sở kết nối đối với quần chúng, động viên quần chúng đấu tranh với nhiều hình thức và khả năng sẵn có. Cụ đã có những hành động cụ thể để phát huy tinh thần đoàn kết của dân tộc, huy động lực lượng, sức người, sức của cho cuộc kháng chiến…”.

Đánh giá về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Cụ Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: “Tấm gương ngời sáng của nhà nhân sĩ yêu nước sẽ sống mãi trong trái tim thế hệ người Việt Nam của chúng ta”.

Ý Nhi