Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1980 - 19.5.2020)

Tấm gương điển hình về học tập suốt đời

- Thứ Năm, 14/05/2020, 21:35 - Chia sẻ
Theo PGS. TS. Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương học tập suốt đời điển hình. Quan điểm của Người về việc tự học đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vì chỉ những người có khả năng tự học mới có thể trở thành công dân học tập suốt đời và thích ứng được với xã hội thay đổi nhanh chóng.

- Xin bà cho biết quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục nhìn từ góc độ học tập suốt đời như thế nào?

- Theo tôi, quan điểm của Bác về việc học, hay như cách mà xưa nay ta vẫn gọi là “minh triết Hồ Chí Minh trong giáo dục”, thể hiện ở khía cạnh giản dị nhất chính là thần trí của Bác, mà căn cốt nằm ở tinh thần hiếu học và chủ trương “học không bao giờ ngừng”, “học mãi để tiến bộ mãi, càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”. Giáo dục trước hết phải gắn với giữ gìn và trao chuyền giá trị của việc học và cách học với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”: Giá trị của việc học và cách học chính là dĩ bất biến, còn học cái gì, ở đâu, lúc nào, với ai… chính là ứng vạn biến.


Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương điển hình của việc tự học và học tập suốt đời

“Nhiệm vụ chính yếu của nền giáo dục là tạo điều kiện và bồi dưỡng phương pháp, phát huy tối đa tinh thần tự học cho người học. Một nền giáo dục thành công chính là ở chỗ phục hưng được tinh thần tự tin thông qua thực hành tự học hiệu quả của mỗi người dân, đưa mỗi cá nhân và cả dân tộc phát triển. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm gương của Người chính là minh chứng sống động cho điều đó”.

PGS. TS. Vũ Thị Tú Anh

Cách học quan trọng nhất mà Bác đã thực hành xuyên suốt cuộc đời chính là tự học, học mọi nơi, mọi lúc và đề cao học tập suốt đời. Vấn đề tự học đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Chỉ những người có khả năng tự học mới có thể trở thành những công dân học tập suốt đời và có khả năng thích ứng cao trong một xã hội thay đổi nhanh chóng như hiện nay.

- Theo bà, minh triết giáo dục của Chủ tịch Hồ Chính Minh có sự giao thoa với thế giới không?

- Giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela cũng đã nói: “Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”, “để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục”. Trong thập kỷ 70 của thế kỷ XX, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee nhận định: “Việc phát triển kinh tế và phát triển tinh thần không phải là hai ý niệm riêng biệt mà song hành với nhau. Xây dựng kinh tế không thể thiếu tinh thần và ngược lại... Nhiều dân tộc khác phải mất hàng thế kỷ để tìm ra thần trí của mình. Còn chúng ta đã tìm thấy tinh thần dân tộc Hàn Quốc trong chính thập niên này (1970)”…

Từ những dẫn chứng trên cho thấy, quan điểm của Bác về vai trò cốt tử của giáo dục, của học tập suốt đời đối với sự hưng vong của Tổ quốc vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính quốc tế. Đó cũng chính là tinh thần mà UNESCO đã thúc đẩy trong nhiều thập niên qua trên toàn thế giới: Học tập suốt đời vì sự hạnh phúc, thịnh vượng của cá nhân và toàn xã hội.

- Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra những yêu cầu với ngành giáo dục, nhất là việc giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời như thế nào?

- Theo lý thuyết học tập xã hội (Social Learning Theory), Bandura nhấn mạnh tầm quan trọng của quan sát và mô hình hóa các hành vi, thái độ và phản ứng cảm xúc của người khác. Bandura khẳng định, hầu hết hành vi của con người được học từ cách quan sát thông qua mô hình hóa: Từ việc quan sát người khác, mỗi người học hình thành ý tưởng về cách thực hiện hành vi và sau đó thông tin được mã hóa này làm kim chỉ nam cho hành động. Nói như vậy để thấy sự cần thiết của việc mô hình hóa và phổ biến, nhân rộng các tấm gương học tập suốt đời mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là điển hình tiêu biểu nhất, để thúc đẩy phong trào học tập và tinh thần hiếu học trong toàn dân.

Chúng ta bàn rất nhiều về mục tiêu, nhưng giáo dục khác các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác là trước khi nói về mục tiêu, phải bàn về câu chuyện giá trị. Một trong những trăn trở lớn nhất của những người làm quản lý giáo dục, đặc biệt là giáo dục thường xuyên như chúng tôi, là nâng cao giá trị của việc học. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục chính là làm sao cho mọi người dân phải có được quan niệm đúng về giá trị của việc học và coi học tập suốt đời vừa là một niềm hạnh phúc, vừa là trách nhiệm. Chúng tôi mong muốn và cũng đã phát động phong trào mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương tự học suốt đời để học sinh, phụ huynh noi theo.

- Xin cảm ơn bà!

Linh Lan thực hiện