Tác động của chủ trương chính sách xóa đói, giảm nghèo ở Vĩnh Phúc

- Chủ Nhật, 24/06/2012, 08:59 - Chia sẻ
Để thực hiện mục tiêu: đến năm 2015 tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại… trong những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc rất chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xã hội, tiếp tục làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, cuộc vận động vì người nghèo, hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở, những năm qua tỉnh Vĩnh Phúc đã rất tích cực trong việc triển khai, kịp thời và đạt được nhiều kết quả. Đến nay, Vĩnh Phúc đã cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hoàn thành trước một năm so với kế hoạch và so với cả nước. Ban chỉ đạo Ngày vì người nghèo từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, tổ chức tuyên truyền vận động các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân, nhất là các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia đóng góp ủng hộ quỹ Vì người nghèo, vì vậy các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ vật liệu, tiền của, ngày công lao động hoặc trực tiếp tổ chức xây nhà cho hộ nghèo, với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. UBND tỉnh và UBND các huyện, thành, thị đã trích ngân sách để hỗ trợ cho hộ nghèo làm nhà. Các hộ nghèo cũng đã rất cố gắng, nỗ lực, huy động thêm các nguồn lực của gia đình, dòng họ và đã hoàn thành nhà ở theo đúng thời gian. Từ nguồn quỹ vận động được, cùng với sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương, của tỉnh, của huyện, sự giúp đỡ của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, nhân dân và các nhà hảo tâm, từ năm 2000 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng được gần 18.000 ngôi nhà cho hộ nghèo. Đây là công việc có ý nghĩa xã hội rất lớn, là sự cố gắng rất cao của ban chỉ đạo Ngày vì người nghèo ở các cấp trong tỉnh, nhất là của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở.

Kết quả trên đã đem lại niềm vui lớn lao cho những người nghèo, vì đã có được chỗ ở an toàn, ổn định; tạo niềm tin trong nhân dân, làm phong phú, sâu sắc thêm truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam. Cuộc vận động đã góp phần thiết thực vào việc tăng cường sự nhất trí cao về chính trị trong các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận ngày càng cao trong xã hội, củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo; giữ vững sự ổn định chính trị xã hội từ cơ sở, tạo nên những điều kiện đảm bảo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT - XH của tỉnh trong những năm qua… Để có được những kết quả trên là do có sự tác động của chủ trương, chính sách cụ thể từ Trung ương đến cơ sở. Qua tổng kết thực tiễn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có thể rút ra một số tác động cụ thể sau đây:

Trước hết bắt đầu bằng chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND, UBND. Điều này có thể thấy rõ điều này là vào thời điểm tỉnh Vĩnh Phúc mới được tái lập (1.1.1997) vẫn là một tỉnh nghèo, sản xuất thuần nông, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ còn rất thấp, thu ngân sách đạt gần 100 tỷ đồng/năm, cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người khoảng 140 USD/người/năm. Trước thực tế đó, tỉnh Vĩnh Phúc xác định phải phát triển công nghiệp là chủ đạo, đẩy mạnh thu hút đầu tư; phát huy nội lực các thành phần kinh tế, từ nguồn lực đầu tư và tăng trưởng do phát triển công nghiệp để đầu tư cho phát triển nông nghiệp, hạ tầng KT-XH. Chính vì thế, nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết là một trong những nhiệm vụ lớn để thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của Vĩnh Phúc.

Để cụ thể hóa chủ trương này có hiệu quả, Tỉnh ủy ban hành Thông tư số 55/TT-TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cuộc vận động toàn dân tham gia ủng hộ “Ngày vì người nghèo”; Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Bên cạnh đó, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc còn ban hành nhiều cơ chế chính sách cụ thể để hỗ trợ hộ nghèo như: Nghị quyết về dạy nghề cho lao động nông thôn, nghị quyết về chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2007 - 2010, nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo, thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn, nghị quyết về bồi dưỡng nâng cao kiến thức, huấn luyện nghề ngắn hạn cho nông dân; nghị quyết về miễn thủy lợi phí cho sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản… Do có chủ trương, chính sách cụ thể nên đã huy động được sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành và toàn thể nhân dân.

MTTQ các cấp cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp trên địa bàn,  kiều bào ở nước ngoài, các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ xây dựng Quỹ vì người nghèo, tham gia các hoạt động tương trợ, giúp đỡ người nghèo khó khăn về nhà ở với nhiều hình thức đa dạng thể hiện tính xã hội nhân văn sâu sắc. Giai đoạn 2000 - 2008, với nguồn vốn huy động được từ các đơn vị và nhân dân (khoảng 80.094.100.000 đồng), đã xây dựng 12.079 nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo. Ngân hàng Chính sách tỉnh cũng phối hợp với MTTQ tỉnh, chính quyền các cấp tổ chức cấp tín dụng cho 4.460 hộ gia đình thuộc diện nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất với tổng số tiền 35,728 tỷ đồng.

Hưởng ứng chương trình Ngày vì người nghèo, cùng với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp; các cơ quan, đơn vị và đoàn thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã vào cuộc với tinh thần Tương thân tương ái; Lá lành đùm lá rách. Cụ thể, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc với cuộc vận động Xây dựng mái ấm tình thương đã vận động được 75 nhà mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo. Liên đoàn Lao động với phong trào Lao động giỏi, Hội Nông dân với phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, Hội Cựu chiến binh có hình thức Xói nghèo cho hội viên đạt kết quả cao, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với phong trào Thanh niên lập thân, lập nghiệp… Các chương trình này đã thực sự thiết thực giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nguyễn Xuân Sơn
Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc