Tạ Quang Bạo và “điêu khắc thuần khiết”

- Chủ Nhật, 16/06/2019, 07:06 - Chia sẻ
Ở tuổi “nhân sinh thất thập”, ngày ngày, nhà điêu khắc nổi tiếng, hàng đầu Việt Nam vẫn say mê, âm thầm, bền bỉ đục đẽo nung đúc chạm khắc để biến những vật liệu đồng đá, đất gỗ vô tri thành một thế giới tượng đẹp mê hồn.

Tôi quen Tạ Quang Bạo từ những năm đầu 1970 trong vùng núi rừng Trà My, Quảng Nam, khi ông là họa sỹ Đoàn Văn công Quân Giải phóng Khu 5. Đây là một trong những đoàn nghệ thuật lớn nhất của Quân đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Có điều, vì điều kiện chiến trường không cho phép, nên những năm ấy Tạ Quang Bạo không có nhiều việc để làm cho mỹ thuật sân khấu. Ông thường được phân công làm “anh nuôi” của đơn vị và tranh thủ những lúc rảnh rỗi, kiếm gỗ rừng tạc tượng.

Tạ Quang Bạo vào chiến trường miền Nam khi đã là một nhà điêu khắc trẻ được đánh giá cao ở miền Bắc với các bức tượng Bất khuất, Canh trời. Trên chiến trường Khu 5 gian khổ, “chàng anh nuôi” Tạ Quang Bạo tiếp tục niềm đam mê tạc tượng. Giữa những cơn đói, những trận sốt rét và những đợt bom B52, ông đã hoàn thành các bức tượng Đi học chữ Bác Hồ, Cõng đạn, Dũng sỹ núi Thành, Mẹ Trường Sơn, Cánh diều... Vì đơn vị phải hành quân phục vụ liên miên nên tượng làm xong ông thường phải đào giấu trong rừng và sau ngày chiến thắng mới lên rừng tìm lại. Các bức tượng này hiện đều được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Quân khu 5.

Những năm 1980, sau hai giải thưởng tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1980 và 1982 với Đảo tiền tiêu và Mẹ lá chắn, Tạ Quang Bạo đã thực hiện một cuộc bứt phá sáng tạo và thăng hoa ngoạn mục trong loạt tượng mới: Cõi mùa hạ, Cột trang trí, Mẹ và con, Tiếng đàn, Vọng phu, Hội nghị Diên Hồng, Giao duyên… Như nhận xét của nhà phê bình Mỹ thuật Thái Bá Vân: Tạ Quang Bạo đã từ “loại điêu khắc mô tả và kể chuyện” mà anh đã có thành tựu để tiến tới “loại điêu khắc tâm trạng, thế giới của ngôn ngữ khối và không gian” với “sức ngân của tưởng tượng và rung động thị giác còn lưu loát hơn, hơi thở điêu khắc phập phồng hơn, đời sống mềm mại huyền bí của thiên nhiên còn lẩn quất hơn, không gian điêu khắc cổ dân tộc còn lưu luyến hơn” để “qua những biệt hiệu thẩm mỹ mới mẻ, độc đáo, nói lên được những kỷ niệm thiết tha, những hân hoan bừng sáng từ chân trời cao xanh đến lo âu, khắc khoải trong lòng dân tộc và thời đại”. 

Những thành công mới của Tạ Quang Bạo giúp Thái Bá Vân hy vọng: “Tạ Quang Bạo, trái cây lành và quý của nền nghệ thuật cách mạng, nở trong cuộc sống gian khó và vinh quang của dân tộc có thể sẽ dẫn điêu khắc đi xa hơn nữa, đến chỗ thuần khiết điêu khắc hơn nhiều”…

Tạ Quang Bạo trở thành một trong những nhà điêu khắc hàng đầu đất nước những năm cuối thế kỷ XX. Ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Điêu khắc của Hội Mỹ thuật Việt Nam và được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Có đến 10 bức tượng của ông được đặt mua và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN.

“Đó là điêu khắc không chỉ thể hiện khát vọng chiếm lĩnh không gian mà còn cả nung nấu xuyên suốt, làm chủ thời gian của người nghệ sĩ. Đó là điêu khắc của sự bừng thức tâm linh và bùng nổ vô thức...”

Từng được giải tượng đài Hà Nội năm 1964 và theo thầy Nguyễn Hải làm tượng đài Kép năm 1968 khi còn là một sinh viên mỹ thuật, sau 1975, sau thành công của những tượng đài Chiến thắng Cầu Giẽ (1977), Chiến thắng sông Lô (1978), Buôn Ma Thuột (1979), trong cơn sốt “tượng đài chiến thắng”, “tượng đài kỷ niệm” lan khắp nước những năm 1980 - 2000, cái tên Tạ Quang Bạo nổi như cồn, ông được nhiều địa phương chào mời và đã tất tưởi “vào Nam ra Bắc” cùng các cộng sự thực hiện hàng chục tượng đài. Nhiều tượng đài của ông được dư luận đánh giá là thành công. Tuy vậy, với các công trình tượng hoành tráng làm theo đặt hàng này, Tạ Quang Bạo không bao giờ coi mình là tác giả bởi những ý tưởng sáng tạo tâm đắc của ông thường bị các tập thể đặt hàng cắt gọt không thương tiếc và vì miếng cơm manh áo của êkip, để tượng được dựng, Tạ Quang Bạo đành gật đầu chấp thuận. Nhớ về “một thời tượng đài”, Tạ Quang Bạo ngậm ngùi: “Nếu tôi và các nhà điêu khắc khác có đóng góp nào đó cho cao trào tượng đài ở nước ta vừa qua thì chỉ là đóng góp để các tượng đài này “đỡ xấu hơn” chứ không thể làm cho chúng “đẹp hơn” như mong muốn”.

Cuối năm 2010, Tạ Quang Bạo bị tai biến, phải nhập viện điều trị mấy tháng trời. Qua cơn “thập tử nhất sinh”, lại thấy ông hì hục đục bức tượng gỗ “Miệt vườn” với hình tượng những bầu vú căng tròn nhựa sống. Khắp 5 tầng ngôi nhà khá rộng của Tạ Quang Bạo đầy ắp tượng. Cả một thế giới tượng đồng, gỗ, gốm, đá trắng, đá đen, đá nâu… cứ gọi là thiên hình vạn trạng. Những hình khối như đã từng thấy mà chưa thấy bao giờ, mượt mà và thô ráp, đau đớn và hân hoan, đơn sơ và huyền hoặc, tin yêu và tuyệt vọng, vui tươi và cuồng nộ, nồng nhiệt và lạnh lẽo, mảnh mai và dữ dội, rõ ràng và bí ẩn. Loanh quanh cả buổi trong không gian tượng Tạ Quang Bạo, tôi chợt hiểu thế nào là “điêu khắc tâm trạng” mà Thái Bá Vân từng nói. Đó là điêu khắc mà người nghệ sĩ thể hiện không chỉ cái họ nhìn thấy bằng mắt mà bằng cả trí tuệ, tâm hồn, là cái họ cảm nhận, chiêm nghiệm, suy ngẫm không chỉ bằng ý thức mà còn bằng cả tiềm thức. Đó là điêu khắc không chỉ thể hiện khát vọng chiếm lĩnh không gian mà còn cả nung nấu xuyên suốt, làm chủ thời gian của người nghệ sĩ. Đó là điêu khắc của sự bừng thức tâm linh và bùng nổ vô thức. Đó là điêu khắc của thơ ca và âm nhạc… 

Tôi thầm mừng cho ông. Vinh quang từ 10 bức tượng trong Bảo tàng Mỹ thuật, từ Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, lợi lộc từ các công trình tượng đài, ngôi cao trong lãng mỹ thuật đã không thể giết chết được bản năng và khát vọng sáng tạo mạnh mẽ trong trẻo của một nhà điêu khắc bẩm sinh trong Tạ Quang Bạo. Như cậu sinh viên mỹ thuật và anh lính chống Mỹ trẻ trung hồn nhiên năm nào, ở tuổi “nhân sinh thất thập”, ngày ngày ông vẫn say mê, âm thầm, bền bỉ đục đẽo nung đúc chạm khắc để biến những vật liệu đồng đá, đất gỗ vô tri thành một thế giới tượng đẹp mê hồn.

Gần 10 năm qua, trong tình trạng liệt một cánh tay, tuổi tác ngày mỗi cao, sức khỏe ngày càng giảm sút, Tạ Quang Bạo vẫn không ngừng làm tượng. Cứ mỗi lần tôi ghé chơi, ông lại giới thiệu cho tôi đến cả chục tượng tròn mới bằng các chất liệu đồng, đá, gỗ, ngày càng lạ, càng đẹp. Nói như Thái Bá Vân, khi được tự do sáng tạo, quả là Tạ Quang Bạo đã vượt thoát khỏi hẳn loại “điêu khắc minh họa và kể chuyện” để đi đến một thứ  “điêu khắc tâm trạng”,  “điêu khắc thuần khiết” như ông mong muốn. Năm 2015, Tạ Quang Bạo cho ra mắt một vựng tập điêu khắc được coi là bề thế nhất của một nhà điêu khắc Việt Nam, có thể đứng bên cạnh các vựng tập của các điêu khắc gia nổi tiếng thế giới. Trong đợt trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lần thứ 5 - 2017, Tạ Quang Bạo là đại diện duy nhất của Hội Mỹ thuật Việt Nam được vinh dự nhận giải thưởng cao quý này. Nhà điêu khắc U80 nói với tôi: “Được giải thưởng lớn cũng vui nhưng được làm tượng còn vui hơn nhiều. Chừng nào còn sống, mình sẽ còn làm tượng”…

Nguyễn Thế Khoa