Chính sách và cuộc sống

Sức ỳ từ đâu?

- Thứ Tư, 03/10/2018, 08:05 - Chia sẻ
Chính phủ quyết tâm đổi mới việc điều hành; các bộ, ngành chung tay vào cuộc đang tạo ra những chuyển động mới cho kinh tế - xã hội đất nước. Những gì đạt được trong tăng trưởng kinh tế, trong kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội là rất đáng ghi nhận. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều việc chưa được như mong muốn, còn như chạy, như đuổi theo sau!

Càng thấy những vấn đề nóng bỏng từ thực tiễn đặt ra không ít. Điều hành kinh tế - xã hội với các bộ, ngành, có gì khác là kiến tạo xây dựng chính sách trúng và đúng. Chính sách xây dựng thế nào, chế tài kiến tạo ra sao đâu khác chính là từ con người. Càng thấy vai trò và vị trí của người đứng đầu các bộ, ngành và chính quyền các cấp trong thực thi nhiệm vụ là rất lớn. Vì sao trong công cuộc đổi mới, bộ này thì lăn xả vào thực hiện nhưng vẫn còn ngành kia chưa sốt sắng, thậm chí thờ ơ? Điều hành kinh tế - xã hội cần sự phối hợp tổng thể, nhưng vì sao ngành này, bộ kia chưa thực sự vào cuộc?

Nhìn từ các sai phạm lớn “dắt dây” từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ kia, phải chỉ thẳng, có nguyên nhân từ việc giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa chặt. Càng không thể không suy nghĩ về việc chọn lựa “tư lệnh” bộ, ngành thế nào cho xứng.

Mới hay, sức ỳ trong điều hành vĩ mô chính là “điểm nghẽn” cần phải kiên quyết, nhanh chóng loại bỏ. Ý tưởng hay không thiếu, nhưng thực thi ý tưởng ấy thế nào lại không mấy khi được bàn thảo cho đến tận cùng để tạo thành quyết sách! Nhìn rõ những bất cập trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công nhưng giải pháp nào để tháo gỡ vẫn chưa có “đột phá” mạnh và trúng. Phải nhìn lại các thông tư, nghị định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công còn gì vướng mắc, bất cập? Nói đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm chạp phải tìm rõ căn nguyên... để từ đó có giải pháp tháo gỡ.

Đã đến lúc không thể mãi hài lòng với chỉ tiêu tăng trưởng này đạt, chỉ tiêu kia vượt, bứt phá ấn tượng mà phải nhìn thẳng vào những gì còn yếu kém, còn bất cập, hạn chế. Mừng với con số hơn 96.000 doanh nghiệp thành lập mới nhưng không thể không đặt câu hỏi vì sao số doanh nghiệp giải thể cũng quá nhiều. Nói gì khi cứ 3 doanh nghiệp thành lập mới thì có tới 2 doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường? Chiến lược quốc gia khởi nghiệp cần biết mấy những chính sách có thể chắp cánh, nâng bước cho doanh nghiệp.

Còn đó những cán bộ giữ trọng trách vẫn chưa chịu nhìn thẳng. Ngành giáo dục - đào tạo với nhiều vấn đề, từ thi cử gian lận, thừa thiếu giáo viên cho đến in ấn phát hành sách giáo khoa nhưng vẫn cố biện minh, né tránh không nhận ra những non kém trong chỉ đạo, điều hành. Ngành giao thông - vận tải vẫn như thiếu tầm trong tư duy xa dài nên mãi loay hoay trong giải tỏa những “nút thắt, điểm nghẽn” ở các dự án BOT. TP Hồ Chí Minh nóng với những bùng nhùng trong dự án đầu tư chống ngập 10.000 tỷ đồng... Đó chính là thực tế rát bỏng cần chỉ đạo làm ngay!

Rào cản, sức ỳ vẫn còn nằm ngay trong một bộ phận cán bộ không làm tròn trọng trách được giao! Đã đến lúc ai không làm được việc cần phải thay thế, như người đứng đầu Chính phủ đã từng nói! Đã đến lúc phải bứt bỏ bằng được những lợi ích nhóm, sân trước, sân sau; loại bỏ mọi rào cản, đưa đất nước đi lên.

Hà Phương