Xây dựng nông thôn mới ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội

Sức sống mới Mỹ Đức

- Thứ Tư, 31/07/2019, 07:55 - Chia sẻ
Điều dễ dàng nhận thấy đổi thay khi đến với Mỹ Đức là những tuyến đường được bê tông hóa phẳng lỳ; các thiết chế văn hóa được đồng bộ; trường học, trạm y tế… được đầu tư khang trang, hiện đại. Khó khăn còn nhiều, song trong câu chuyện của bà con nơi đây, đời sống vật chất và tinh thần ở vùng đất gian khó một thời ngày càng được nâng lên càng cho thấy ý nghĩa lớn lao từ Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Mỹ Đức giờ đây đã thay áo mới…

Đổi thay ở Xuy Xá

Về xã Xuy Xá (Mỹ Đức) những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ sự “thay da, đổi thịt”. Những con đường đất lầy lội, gồ ghề trước kia giờ đây đã được bê tông trải rộng, sạch sẽ. Dọc tuyến đường liên thôn là những ngôi nhà tầng san sát; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa của người dân. 

Vui mừng trước đổi thay của quê hương, anh Trần Văn Phòng (thôn Đoài, xã Xuy Xá) cho biết: Trước kia khi giao thông còn là đường đất nhỏ hẹp, việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi con đường bê tông nội đồng hoàn thành, xe máy chạy đến tận bờ. Từ đó, chi phí cho việc sản xuất cũng giảm được đáng kể. Không những thế, nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.


Trường mầm non Xuy Xá được xây dựng khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất

Cũng giống như anh Phòng, nhiều hộ dân trong xã vui mừng khi con em được học trong ngôi trường mới với cơ sở vật chất được đầu tư và sự quan tâm của các thầy cô. Được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, Trường mầm non Xuy Xá đã được đầu tư xây dựng kiên cố với 14 phòng học, có bếp ăn, có sân chơi cho các cháu học sinh. Đến nay, trường đã được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ bé khỏe, bé ngoan đạt trên 100%. Chị Nguyễn Thị Vân (thôn Đoài) cho biết: “Từ khi xây dựng ngôi trường mới khang trang, tôi cũng như nhiều phụ huynh đã tin tưởng đăng ký cho con học ở đây. Không chỉ đầy đủ về cơ sở vật chất, khẩu phần ăn của các con cũng được bảo đảm”.

Chia sẻ về quá trình xây dựng NTM, Chủ tịch UBND xã Xuy Xá Nguyễn Văn Minh cho biết: Năm 2012, khi mới bắt tay triển khai xây dựng NTM, Xuy Xá gặp phải muôn vàn khó khăn, chỉ vỏn vẹn đạt 2/19 tiêu chí. Trước thực trạng đó, xã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất chính là phát huy nội lực của người dân hay nói cách khác phải làm sao đó để phát động toàn dân tham gia phong trào xây dựng NTM bằng việc tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu mình vừa là chủ thể, vừa là những người trực tiếp hưởng lợi từ thành quả của công cuộc xây dựng NTM.

“Cùng với đó, xã cũng xác định hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Bởi, khi hạ tầng giao thông được đồng bộ hóa sẽ tạo thuận lợi cho việc triển khai các tiêu chí còn lại. Theo đó, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã nhanh chóng sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của huyện, tỉnh để đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn. Để đạt được hiệu quả, xã đã thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, nhất quán quan điểm không cứng nhắc, hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản. Đặc biệt, phát huy vai trò chủ thể của người dân để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhờ cách làm đó, hàng loạt các công trình phúc lợi được chính quyền địa phương giao cho các khu dân cư trực tiếp tổ chức thi công, giám sát, mang lại hiệu quả cao. Đến nay, toàn xã đã cứng hóa được 4,8km đường liên xã; 6,1km đường trục thôn; 15,14km đường ngõ, xóm; gần 13km đường nội đồng. Và thật đáng mừng, mới đây, thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quyết định công nhận Xuy Xá đạt chuẩn NTM” - Ông Minh cho biết.

Tập trung nâng cao tiêu chí thu nhập

 Theo đại diện UBND huyện, thời gian tới, Mỹ Đức tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức để tích cực tham gia thực hiện chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân”. Đồng thời, chú trọng công khai và quản lý quy hoạch xây dựng NTM theo hướng văn minh, hiện đại, gắn với bảo vệ tài nguyên, nâng cao chất lượng môi trường; tiếp tục rà soát, điều chỉnh Đề án xây dựng NTM phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng.

Nhìn từ Xuy Xá, có thể thấy phong trào xây dựng NTM ở huyện Mỹ Đức đang có sức lan tỏa mạnh mẽ đến từng hộ dân và đến mỗi người con Mỹ Đức. Đến nay, toàn huyện đã có 11/21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, các xã còn lại cơ bản đạt từ 14 - 19 tiêu chí. Theo đại diện UBND huyện, tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song công cuộc xây dựng NTM ở Mỹ Đức còn rất nhiều thách thức, khó khăn. Trước mắt, huyện sẽ tập trung nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân. Bởi, khi thu nhập được cải thiện, cuộc sống người dân ổn định sẽ tác động trở lại giúp công cuộc xây dựng NTM nhanh và bền vững hơn. Do đó, huyện đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, tăng cơ cấu các giống lúa năng suất, chất lượng. Đồng thời, thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, mở rộng vùng cây ăn quả ở các xã Bột Xuyên, An Mỹ, Lê Thanh, Đại Hưng, Đốc Tín, Hương Sơn; duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, cải tạo giống để nâng cao chất lượng…

Thực tế cho thấy, nhiều người dân ở Mỹ Đức sau khi đi làm ở các công ty, nhà máy hay làm dịch vụ đều có thu nhập khá cao và có đóng góp lớn cho địa phương trong việc xây dựng hạ tầng giao thông, các công trình phúc lợi. Do đó, huyện cần bàn đến bài toán chuyển dịch cơ cấu lao động. Không chỉ đơn thuần sản xuất nông nghiệp mà cần tính đến đa dạng hóa các ngành nghề. Bởi vậy, Mỹ Đức cần kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, từ đó, nắm bắt được nhu cầu, tạo nguồn lao động, giải quyết việc làm cho người dân.   

Với mục tiêu đến hết năm 2020, có 16 xã cán đích NTM, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong xây dựng NTM. Đặc biệt, huyện sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của thành phố và các quận để sớm hoàn thiện tiêu chí khó, đòi hỏi nguồn lực lớn là trường học. Đồng thời, Mỹ Đức tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; lựa chọn phát triển sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương.

Không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân từ việc tái cơ cấu sản xuất, theo đại diện UBND huyện, Mỹ Đức sẽ tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch tâm linh quần thể danh thắng Chùa Hương gắn với du lịch sinh thái. Người dân có thể tham gia vào chuỗi phát triển du lịch để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Họ có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch, nhân viên phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng… Muốn làm được điều này, trước tiên cần tạo môi trường xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, huyện hướng đến xây dựng hình ảnh đẹp về con người Mỹ Đức. Trước mắt, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức để phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp.

TRỌNG HIẾU