Sức mạnh lan tỏa và kết nối

- Thứ Tư, 16/09/2020, 05:58 - Chia sẻ
Làm nghệ thuật để thỏa mãn khao khát sáng tạo cá nhân song cũng là cách nghệ sĩ hòa mình với đời sống, tạo ra ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng. Sức mạnh của nghệ thuật đang mở ra nhiều gợi ý cho việc lan tỏa và kết nối khi câu chuyện truyền tải thông điệp, vận động xã hội được đặt ra nhiều hơn.

Hướng đến cộng đồng

Một bên là nỗ lực thách thức thực trạng, tạo ra sự thay đổi nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội, và bên kia là thực hành đem đến cảm nhận, góc nhìn mới. Cả hai gặp nhau ở điểm cùng hướng đến cộng đồng, thôi thúc con người suy nghĩ, hành động, chia sẻ những ý nghĩa tốt đẹp. Nghệ thuật và vận động xã hội, vì vậy, đều là câu chuyện của thấu hiểu, đồng điệu và kết nối. Đó là thông điệp được đưa ra tại buổi trò chuyện trực tuyến chủ đề “Nghệ thuật và vận động xã hội”, do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (C.CIHP) tổ chức ngày 6.9, với sự tham gia của hai diễn giả là nghệ sĩ piano Trang Trịnh và giám tuyển, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Thành.

Đồng bào dân tộc thiểu số chia sẻ về quá trình thực hành nghệ thuật khi làm việc với nhóm nghệ sĩ Mắt Trần, trong chương trình Tôi tin tôi có thể năm 2019

Nhìn từ bối cảnh đại dịch Covid-19, khi tương tác giữa người với người bị hạn chế, việc sử dụng sức mạnh sáng tạo của nghệ thuật đã cho thấy nhiều gợi ý về sự song hành nghệ thuật và vận động xã hội. Như hòa nhạc trực tuyến “24h music marathon” ra đời từ tâm huyết của nghệ sĩ piano Trang Trịnh, với mong muốn phủ kín 24 giờ Trái đất bằng âm nhạc. Sự kiện diễn ra ngày 2.4, nhanh chóng thu hút được các nghệ sĩ trong nước và quốc tế cùng hòa nhạc, đem lại niềm vui và khuyến khích người dân ở nhà nghe nhạc trong mùa dịch. Nghệ sĩ Trang Trịnh cho biết: “Thời điểm diễn ra cũng là lúc ở Việt Nam xuất hiện tâm lý kỳ thị người nước ngoài. Hòa nhạc có thể tạo nên ít nhiều thay đổi trong thái độ của mỗi người trước dịch bệnh. Ở đây, sức mạnh của âm nhạc không chỉ là để thưởng thức nghệ thuật, mà còn là kết nối”.

Sự kết nối đó theo nghệ sĩ, giám tuyển Nguyễn Quốc Thành là con đường đi từ cái “tôi” của nghệ sĩ ra tới công chúng. Thời điểm năm 2013, anh sáng lập và tổ chức Queer Forever - Liên hoan nghệ thuật queer đầu tiên tại Việt Nam (queer là từ chỉ các nhân vật có giới tính hoặc cách thể hiện giới tính khác lạ với số đông). Giờ đây, liên hoan trở thành không gian triển lãm nghệ thuật queer, liên hoan phim, các buổi chiếu phim, tụ hội và thảo luận, để chia sẻ tình yêu và kiến thức về văn hóa queer và văn hóa Việt Nam.

“Khi làm Queer Forever, tôi chỉ có suy nghĩ đơn giản là làm cái gì đó cho bạn bè của mình, để họ hiểu rằng ngoài kia cuộc sống đa dạng, thậm chí có những điều đôi khi không như chúng ta vẫn tưởng. Nhưng rồi, trong quá trình làm các dự án, tôi nhận ra đằng sau nghệ thuật là một hành trình vận động xã hội. Có điều, ở đây nghệ thuật không hề đưa ra lời kêu gọi, hay thông điệp nào cụ thể, nhưng qua âm thanh, hình ảnh, lời ca… có những điều sẽ hiện hữu, tác động vào nhận thức, trái tim mọi người”, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Thành chia sẻ.

Tạo ra ảnh hưởng tích cực

Song hành với vận động xã hội, nghệ thuật tạo ra một khoảng không gian để con người suy nghĩ, tạo ra khoảnh khắc để thúc đẩy nhận thức. Theo nghệ sĩ Trang Trịnh, các dự án vận động xã hội thường tìm đến nghệ thuật để rung động công chúng, nói cách khác là dùng nghệ thuật để làm “mềm hóa” thông điệp nào đó. “Nghệ thuật là con đường gieo hạt mầm vào tâm trí, để mọi người bắt đầu nghĩ về một điều gì. Nghệ thuật có lẽ cũng chỉ cần đạt đến đoạn này thôi đã đủ tác động xã hội rồi”.

Vậy nghệ thuật vì mục đích vận động xã hội có cản trở sáng tạo hay không? Thực tế, có những dự án nghệ thuật hướng tới mục đích rất cụ thể, chẳng hạn nhằm tuyên truyền cổ động hay gây quỹ ủng hộ… Trước áp lực về tính hiệu quả và thời gian, đôi khi nghệ sĩ phải bó hẹp khả năng thực hành của mình. Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Thành cho rằng, nếu chăm chăm nhìn vào tính hiệu quả thì đó không phải con đường của nghệ thuật. Nói đến câu chuyện nghệ thuật là phải nhìn rộng và xa hơn, chấp nhận là hành trình kéo dài, bền bỉ, nhưng đó sẽ là tiếng nói độc đáo, giá trị.

Nghệ thuật vận động xã hội nhưng cũng thay đổi suy nghĩ của xã hội về chính ngôn ngữ, cách thức, đối tượng biểu đạt của nghệ thuật. Có thể dẫn chứng về sự ra đời của tổ hợp nghệ thuật Mắt Trần với sự điều phối của nghệ sĩ Trang Linh, nhằm phá bỏ định kiến trong nghệ thuật biểu diễn. Những năm qua, Mắt Trần đã đồng hành với bà con dân tộc thiểu số, tạo ra cơ hội cho họ lý giải vấn đề của mình, thông qua thực hành nghệ thuật để thay đổi cách nhìn của nhiều người ngoài cuộc về phong tục và cách đối xử với môi trường của đồng bào thiểu số.

Hay dự án “Made in Vietnam” ra đời từ năm 2018, với mong muốn mang nghệ thuật múa, nhất là múa đương đại đến gần công chúng. Thành viên dự án, biên đạo múa Vũ Ngọc Khải cho biết: “Ở Việt Nam, nhiều người hay có tâm lý sính ngoại, thích những gì có dính đến yếu tố nước ngoài, do nước ngoài tổ chức, có chuyên gia nước ngoài tham gia. Vì thế, “Made in Vietnam” phải làm cái gì đó xuất phát từ nội lực của mình”.

Theo nghệ sĩ Trang Trịnh, ở Việt Nam, ngày càng nhiều dự án nghệ thuật vận động xã hội được khởi xướng. Có hiệu ứng nhìn thấy ngay, có kết quả cần thời gian để đánh giá, nhưng nghệ thuật đang tỏ rõ sức mạnh của mình, giúp những điều khó nói được cất lên, lan tỏa. “Nghệ thuật vận động xã hội phải tạo ra được mảnh đất để ươm mầm, kết nối trái tim, nhưng đôi khi, ranh giới giữa người làm nghệ thuật đơn thuần và nghệ thuật vận động xã hội rất nhỏ. Nghệ sĩ cũng là công dân - công dân làm nghệ thuật, một trong những trách nhiệm và quyền của họ là tạo nên sự thay đổi. Tạo ra những thay đổi tích cực đó chính là khả năng cảnh tỉnh của nghệ thuật”.

Hải Đường