Sức hút của trường nghề

- Thứ Tư, 05/09/2018, 08:34 - Chia sẻ
Trước thực trạng các trường đại học công bố điểm sàn ở mức 12 - 13 điểm, thậm chí có trường chỉ xét tuyển bằng học bạ, nhiều ý kiến lo ngại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) sẽ đối diện nguy cơ giải thể vì tâm lý sính bằng cấp. Tuy nhiên, kỳ tuyển sinh 2018 đã chứng kiến sự sôi động của các trường nghề, hoàn toàn trái với xu thế đổ xô học đại học những năm trước.

26 trường nghề cam kết có việc làm

Tại Hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo Tổng cục cho hay, ước tính việc thực hiện tuyển sinh 6 tháng đầu năm đạt 1.058 nghìn người, bằng 142% so với cùng kỳ năm 2017.

Vài năm gần đây, Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh luôn có 2.200 học sinh theo học nghề và trên 600 em vừa học nghề và học THPT. Đây là con số khá ấn tượng đối với một địa phương được coi là “đất học”; đồng thời cũng là điều làm nên thương hiệu cho trường trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về tuyển sinh. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đàn, để có kết quả này, ông cũng như tập thể nhà giáo trong trường luôn xác định lấy việc làm sau đào tạo là tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo. Vì thế, ngoài việc quan hệ tốt với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn, trường đã xây dựng 5 vệ tinh xung quanh trường gồm trung tâm sửa chữa xe ô tô; trung tâm ngoại ngữ, tin học; trung tâm tư vấn du học nhằm phục vụ xuất khẩu lao động; trung tâm huấn luyện an toàn lao động và trung tâm lữ hành. Các trung tâm này vừa là nơi thực hành, vừa là nguồn việc làm tốt cho các học viên.

Giữa tháng 8.2018 - vào đợt tuyển sinh thứ 2/4 trong năm của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng đã tự tin với  kết quả tuyển sinh. Thời điểm này, khi một số trường đại học còn đang hạ điểm xét tuyển, trường đã có trên 1.000 hồ sơ đăng ký nhập học, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh được giao là 1.700. Theo ông Hùng, thông thường những năm trước, các trường cao đẳng phải chờ trường đại học công bố điểm, tuyển sinh xong mới bắt đầu cuộc đua của mình. Nay, gần như tuyển sinh song song với các trường đại học.

Đại diện nhiều trường nghề cho rằng, để “sống được” và “sống khỏe”, các cơ sở GDNN cần đưa ra những cam kết chắc chắn và rõ ràng về cơ hội nghề nghiệp và mức thu nhập sau khi tốt nghiệp. Điều này cũng vừa được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung “minh chứng” tại Lễ Ký kết hợp tác Chương trình thông tin, tuyên truyền GDNN giai đoạn 2018 - 2020 giữa Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) và Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây. Theo đó, đến nay có 26 trường nghề trong hệ thống GDNN cam kết sinh viên trường nghề ra trường trong 6 tháng, nếu nhà trường không tạo việc làm được cho sinh viên thì sẽ trả lại học phí. Ngoài ra, thí điểm 10 trường đào tạo theo địa chỉ cho khoảng 150.000 người…


Giờ thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc   
Ảnh: Đức Kiên

Thay đổi đáng kể trong nhận thức

Nhận định về sự sôi động đáng mừng trong tuyển sinh học nghề năm 2018, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc Hồ Văn Đàm cho rằng, nhận thức của học sinh, phụ huynh và xã hội đã có những thay đổi cụ thể sau nhiều nỗ lực truyền thông và sự cố gắng của cơ quan chức năng, trong đó có Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. “Chưa năm nào tuyển sinh tốt như năm nay. Hiện vẫn còn hai đợt tuyển sinh từ giờ đến cuối năm nhưng hiện chúng tôi đã gần đạt chỉ tiêu” - ông Đàm cho hay.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa Nguyễn Văn Hùng, 3 năm nay, trường liên tiếp vượt chỉ tiêu tuyển sinh; dự báo năm nay cũng sẽ như vậy. Trung bình, có khoảng 90% học sinh của trường có việc làm sau khi tốt nghiệp 3 tháng; 100% sau tốt nghiệp 6 tháng. Thậm chí, nghề điện lạnh, doanh nghiệp không tuyển nổi lao động vì các em ra trường đến đâu, có việc làm ngay đến đó.

Nguyên nhân của kết quả này trước hết là do các tỉnh đã quan tâm đến công tác phân luồng. Phụ huynh và nhất là các em học sinh đã thay đổi nhận thức một cách rõ rệt. Tình trạng chuộng bằng cấp gần như bị các em tẩy chay, khiến nhiều bậc phụ huynh cũng phải nương theo mong muốn của con em mình. Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao; nhiều ngành nghề có mức lương hấp dẫn. Cùng với đó là tác động của truyền thông làm ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhận thức của toàn xã hội. Song, “với cá nhân tôi, sức hút của các cơ sở GDNN thực sự nằm ở việc làm và thu nhập!” - ông Hùng khẳng định.

Thái Bình