Du lịch cộng đồng

Sức hấp dẫn của văn hóa bản địa

- Thứ Bảy, 27/09/2014, 08:33 - Chia sẻ
Ngày Du lịch thế giới năm nay (27.9) có chủ đề Du lịch và sự phát triển của cộng đồng. Điều này khẳng định, du lịch mang lại cho người dân cơ hội phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Ở nước ta, du lịch cộng đồng cũng đã đem lại hơi thở mới cho một số vùng núi, nơi còn lưu giữ đậm nét bản sắc văn hóa.

Mô hình du lịch cộng đồng ngày càng phổ biến, nhất là tại các điểm du lịch vùng núi phía Bắc như: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên… hoặc một số điểm du lịch nổi tiếng của miền Trung như: Huế, Hội An hay một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Với hình thức này, khách du lịch khám phá những nét văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán của mỗi vùng miền, thưởng thức đặc sản địa phương, ngắm cảnh thiên nhiên... Đặc biệt, tham gia du lịch cộng đồng, khách sẽ ăn, ngủ tại nhà dân, trực tiếp sinh hoạt, tham gia lao động với dân, những cảm nhận về văn hóa nơi đó sẽ sâu sắc hơn.

Về phía người dân, du lịch cộng đồng mang lại nguồn thu, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Bà Nguyễn Thị Huyền, điều phối viên quốc gia dự án ILO, đơn vị từng triển khai một số dự án hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng cho biết, lợi thế của du lịch cộng đồng là người dân vẫn có thể duy trì công việc truyền thống của gia đình khi làm du lịch. Chính ruộng vườn và cuộc sống của người dân sẽ hấp dẫn khách du lịch, góp phần tạo thu nhập cho gia đình để có cuộc sống tốt hơn. Do đó, hồn của du lịch cộng đồng chính là sức hút văn hóa thể hiện qua cuộc sống thường nhật của người dân.

Ở nước ta, mô hình du lịch cộng đồng chưa phát huy hết tiềm năng, một phần do sản phẩm du lịch khá đơn điệu, trùng lặp. Ở các tỉnh Tây Bắc, thời gian gần đây mô hình này đã khá phát triển nhưng các sản phẩm, dịch vụ na ná nhau như: ngủ nhà sàn Thái, thưởng thức ẩm thực, văn nghệ Thái… Các hộ gia đình chưa chủ động tổ chức thường xuyên chương trình sinh hoạt, giao lưu với khách, dịch vụ hạn chế. Các địa phương cũng không tạo được điểm nhấn để thu hút khách. Hình thức hoạt động của loại hình du lịch này mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ môi trường là chính, còn tìm hiểu lối sống, văn hóa bản địa để cảm nhận cái hay, cái đẹp vẫn chưa đạt được mục đích.

 Lễ kỷ niệm Ngày Du lịch thế giới 2014 được tổ chức tại thành phố Guadalajara, Mexico với sự hiện diện của các bộ trưởng, các chuyên gia phát triển và đại diện ngành du lịch để bàn về các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch dựa vào cộng đồng theo hướng có lợi cho phát triển bền vững.

Theo Giám đốc Sở VH, TT và DL Lào Cai Nguyễn Hữu Sơn, điểm hấp dẫn nhất của du lịch cộng đồng chính là nét văn hóa độc đáo của dân tộc bản địa. Du lịch cộng đồng phải mang đặc trưng riêng của từng vùng thì mới hấp dẫn khách. Do đó, để mô hình này hoạt động hiệu quả, các địa phương phải xác định lấy văn hóa dân tộc làm nền tảng và kim chỉ nam trong việc tạo ra thế mạnh, sản phẩm du lịch; đồng thời gắn khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số để thu hút khách.

Làm du lịch cộng đồng không phải chỉ là câu chuyện miếng ăn, chỗ ở. Vì vậy, địa phương cần có định hướng sản phẩm rõ ràng, đầu tư nguồn vốn đúng mức. Và theo các chuyên gia du lịch, nhất thiết phải có quy hoạch cụ thể, rõ ràng. Mặt khác, các nhà khoa học cần phối hợp nghiên cứu, hướng dẫn dân bản địa hiểu sâu hơn về bản sắc riêng của văn hóa tộc người, vẻ đẹp tài nguyên du lịch tự nhiên…, từ đó xây dựng thành các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Cụ thể, để thu hút khách tham gia du lịch cộng đồng, dân địa phương phải giữ nếp sinh hoạt truyền thống như truyền thống canh tác nông nghiệp, phát triển nghề thủ công, giữ nét đẹp trao đổi sản phẩm canh tác, chăn nuôi…

Mặt khác, du lịch cộng đồng phải thực sự là mô hình do người dân thực hiện và vì cuộc sống của người dân. Chỉ khi nào người dân thực sự được hưởng lợi, lúc đó du lịch cộng đồng mới phát triển. Ngoài ra, những địa phương có thể phát triển du lịch cộng đồng cũng cần có chính sách riêng cho mô hình này, trong đó phải tính đến hỗ trợ giải quyết việc làm cho các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, giúp cơ sở đào tạo nhân lực.

Thanh Nguyên