Sửa quy định, siết quy chuẩn

- Chủ Nhật, 14/10/2018, 07:17 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, một số doanh nghiệp kinh doanh nước uống đóng chai đang tìm mọi cách để giảm chi phí sản xuất, bao gồm cả việc loại bỏ khỏi dây chuyền sản xuất một số thiết bị hoặc sử dụng các bình chứa tái sử dụng không bảo đảm vệ sinh. Đáng nói, hiện còn nhiều khoảng trống pháp lý trong cấp phép và quản lý nước uống đóng chai.

Dễ dàng trong cấp phép

Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học và vệ sinh ATTP, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Đặng Thị Thanh Quyên chỉ rõ, một doanh nghiệp muốn sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai phải có những giấy tờ như giấy đăng ký kinh doanh; bản công bố tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm; phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố chất lượng; giấy chứng nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; giấy phép khai thác nước ngầm (nếu sử dụng); giấy đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, phiếu xét nghiệm chất lượng nước. Tuy nhiên việc cấp phép còn dễ dàng đặc biệt là phiếu kiểm nghiệm liên quan đến việc quy cách lấy mẫu, gửi mẫu; các doanh nghiệp thường thực hiện không đúng quy định, thậm chí còn giả mẫu.


Siết chặt tiêu chuẩn chất lượng nước uống đóng chai, đóng bình 

Không ít chuyên gia cho rằng, hiện đang thiếu rất nhiều quy định về quản lý chất lượng, quy trình khép kín cũng như diện tích tối thiểu của khu vực sản xuất. Chính vì thế, các cơ sở nhỏ lẻ thường bố trí thiết kế một cách tự do gây khó khăn cho các nhà quản lý. Trong công đoạn vệ sinh bình và nắp tái sử dụng cũng chưa quy định phương pháp, hóa chất xử lý ở công đoạn này.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Lê Bạch Mai băn khoăn đặt câu hỏi, liệu 100% nhà sản xuất có nắm được hết, hiểu và làm tốt các quy định về bảo đảm ATTP nước đóng chai, đóng bình hay không?

Thực tế, để bảo đảm tính pháp lý và xuất xứ của sản phẩm do mình làm ra, các cơ sở cần tuân thủ việc ghi nhãn theo đúng quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời các cơ sở phải tiến hành công bố hợp quy phù hợp với các quy định đã có và chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính an toàn của sản phẩm đó.

“Vấn đề cơ bản hiện nay là cần phải làm cho tất cả các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai quán triệt đầy đủ nội dung của các văn bản trên và nghiêm chỉnh thực hiện những quy định trong các văn bản này. 100% người quản lý và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh sản phẩm phải được tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, cần đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo chuỗi từ sản xuất đến phân phối. Đồng thời, làm rõ những quy định còn mập mờ, thiếu rõ ràng, gây khó cho cơ quan quản lý” - bà Đặng Thị Thanh Quyên kiến nghị.

Siết chặt quy chuẩn

 Nhiều chuyên gia kiến nghị, cần khuyến khích người dân tham gia tố cáo các cơ sở sản xuất vi phạm, tính tới phương án trích một phần kinh phí xử phạt của chính cơ sở bị tố cáo có sai phạm sau kiểm tra để thưởng cho người báo tin. Điều này sẽ thúc đẩy ý thức của người sử dụng trong việc ngăn chặn tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như cảnh báo tới các doanh nghiệp đang làm ăn bất chính.

Nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Duy Thịnh khẳng định rằng, để bảo đảm ATTP cho nước uống đóng chai đang lưu thông, điều đầu tiên là phải quản lý chặt chẽ chất lượng của nguồn nước dùng để sản xuất nước uống đóng chai.

“Để làm được điều này, trước hết Sở Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương cần yêu cầu tất cả các cơ sở phải tiến hành kiểm tra chất lượng nguồn nước theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2009/BYT. Sau khi kiểm tra, các cơ sở lập báo cáo gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó nêu rõ các biện pháp khắc phục khi nguồn nước chưa đạt tiêu chuẩn quy định. Những nguồn nước không đạt yêu cầu nhưng cơ sở không có giải pháp xử lý hiệu quả thì không được tiếp tục sản xuất” - ông Nguyễn Duy Thịnh kiến nghị.

Là đơn vị trong ngành giáo dục sử dụng sản phẩm nước uống đóng bình, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân Trịnh Thị Chung Thủy đề xuất, cần đưa những doanh nghiệp cung cấp nước không đạt tiêu chuẩn lên truyền thông để người dân và các cơ quan, đơn vị nắm được. Bên cạnh đó, cần giảm kinh phí xét nghiệm nước cho các đơn vị giáo dục để các nhà trường có thể kiểm tra thường xuyên bảo đảm an toàn trong sử dụng nước uống đóng bình. Thời gian đi kiểm nghiệm nước cần đẩy nhanh hơn, thay vì mỗi đợt tiến hành kiểm nghiệm theo đúng quy định là 10 ngày như hiện nay.

Dương Cầm