Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

Sửa đổi thêm một số nội dung thực sự vướng mắc

- Thứ Sáu, 22/05/2020, 17:45 - Chia sẻ
Cũng trong phiên làm việc chiều 22.5, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Ủy ban Thường vụ nhận thấy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực hơn 3 năm; các nội dung, chính sách của Luật mới được triển khai thực hiện, cần có thêm thời gian để kiểm chứng, đánh giá mới bảo đảm có đủ cơ sở để đề xuất sửa đổi toàn diện. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đối với một số nội dung qua thực hiện thực sự có vướng mắc, bất cập và đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, sửa đổi thêm một số nội dung. 


Ảnh: Quang Khánh

Về lập đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, thực tế có nhiều nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh chỉ quy định về các biện pháp để tổ chức thi hành văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên mà không quy định chính sách mới, nhưng vẫn phải lập đề nghị xây dựng văn bản theo quy trình chính sách đã làm hạn chế khả năng phản ứng nhanh của Chính phủ, chính quyền cấp tỉnh trước nhu cầu, đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Đây là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép đối với một số loại nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh thì không cần phải lập đề nghị xây dựng văn bản theo quy trình chính sách như thể hiện trong dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã bổ sung khoản 1, Điều 116 quy định “Hồ sơ trình UBND cấp tỉnh gồm tài liệu quy định tại Điều 114 của Luật này, báo cáo thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết và báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định.”

Thảo luận về dự thảo luật, đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão (Nghệ An) thống nhất với quy định về lập đề nghị xây dựng nghị quyết HĐND cấp tỉnh theo quy trình chính sách trong trường hợp biện pháp có tính chất đặc thù, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy định tại khoản 4, Điều 27 Luật hiện hành. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần có quy định rõ hơn về vấn đề này vì trên thực tế, các văn bản do cấp trên giao cho Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương (theo khoản 2 và khoản 3, Điều 27 Luật hiện hành) còn rất chung chung, trong khi Hội đồng Nhân dân tỉnh phải căn cứ vào tình hình ngân sách và thực tiễn để ban hành. Vì lý do đó, đại biểu Trần Văn Mão cho rằng, việc áp dụng cơ chế chính sách, các biện pháp cần để tùy từng địa phương quyết định.

Dự thảo Luật sửa đổi khoản 4 Điều 14 quy định những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó, cấm quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, quyết định của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh… Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Mão nêu vấn đề, theo điểm đ, khoản 2, Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên, môi trường là Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định các biện pháp khác để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Điểm h, khoản 9, Điều 30 Luật Ngân sách Nhà nước quy định, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương. Khoản 2, Điều 21 Nghị định 163 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Ngân sách Nhà nước quy định thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định định mức phân bổ và chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu ngân sách là quyết định cụ thể đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách theo quy định khung của Chính phủ. Mặt khác, khoản 4, Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định, Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết để quyết định biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Căn cứ vào các quy định trên, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định các chế độ chi ngân sách đối với nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù của địa phương, ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Thêm vào đó, theo khoản 1, Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Hội đồng Nhân dân tỉnh là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Trong khi đó, việc quy định thủ tục hành chính là một trong những biện pháp để thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước. Do đó, dự thảo quy định cấm quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là chưa phù hợp. Đại biểu Trần Văn Mão đề nghị, dự thảo Luật nên sửa quy định “trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh tại khoản 4, Điều 27 Luật này” thành “trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong quyết định của Hội đồng Nhân dân tỉnh để triển khai nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh được ban hành theo khoản 4, Điều 27 Luật này”.

Tin: Thanh Chi