Sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Bài 1: Nâng cao giá trị của lao động, nhưng không cứng nhắc

- Thứ Ba, 04/08/2020, 06:14 - Chia sẻ
LTS: Tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu với dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Một trong những mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Luật là hướng đến các thị trường, ngành nghề có mức lương cao, ổn định, an toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả cũng như hình ảnh người lao động Việt Nam khi tham gia vào thị trường lao động tại các nước khác trên thế giới. Để có thêm những góc nhìn về dự án Luật, Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài về sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tìm kiếm thị trường một phần quan trọng là khai thác những công việc mà lao động nước sở tại không thích làm, nhưng lao động của nước xuất khẩu có thể làm tốt. Chúng ta hoàn toàn thống nhất quan điểm và nghiêm túc thực hiện phải ngày càng nâng cao vị thế, giá trị của lao động xuất khẩu, nhưng cũng không quá cứng nhắc, thậm chí “ảo tưởng” chỉ chọn ngành, chọn nghề kỹ thuật cao để rồi bỏ lỡ nhiều công việc mà nước nhập khẩu lao động có yêu cầu.                          

Nên chăng cần sử dụng thuật ngữ “xuất khẩu lao động”

Trước đây, trong các văn bản pháp luật hầu như chúng ta không hoặc ít sử dụng thuật ngữ “xuất khẩu lao động” vì nhiều lẽ. Tại nơi diễn ra quá trình sản xuất, quá trình lao động thì sức lao động được coi là “hàng hóa” - hàng hóa đặc biệt, còn con người (trong đó có chứa đựng sức lao động) có phải “hàng hóa” hay không thì còn nhiều ý kiến khác nhau... “Xuất khẩu lao động” nghĩa là phải đưa con người có chứa đựng sức lao động từ nước này đến nước khác để làm việc chứ không thể bóc tách sức lao động riêng ra để xuất khẩu, nên khó có thể gọi là xuất khẩu...

Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi lao động ở nước ngoài tư vấn, giới thiệu về thị trường xuất khẩu lao động của đơn vị.
Ảnh: Quang Cường

Năm 2006, chúng ta phải chấp nhận một cách diễn đạt dài dòng để nói được đủ ý và kín kẽ về mặt học thuật: “Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Tuy nhiên, từ thập niên cuối cùng của thế kỷ trước đến bây giờ, người ta cũng đã quen dần với thuật ngữ “xuất khẩu lao động” mà thế giới đã sử dụng từ lâu.

Thực tế, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã và đang đặt ra yêu cầu phải phát triển đồng bộ các loại thị trường (thị trường vốn, thị trường vật tư, thị trường lao động...). Trong thị trường lao động, Đảng ta cũng đã sử dụng thuật ngữ “xuất khẩu lao động”. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ: “Tiếp tục thực hiện Chương trình xuất khẩu lao động, tăng tỷ lệ lao động xuất khẩu qua đào tạo, quản lý chặt chẽ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động”(1). Do vậy, nên chăng việc sửa đổi lần này nên lấy tên là “Luật Xuất khẩu lao động”. Như vậy vừa ngắn gọn, vừa lột tả được nội dung của Luật.

Nhiều tổ chức trên thế giới như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lại sử dụng thuật ngữ “lao động di cư” hoặc “di dân quốc tế”. Ngay hai thuật ngữ này về phạm vi cũng có sự khác nhau. Lao động di cư có nghĩa là chỉ riêng người lao động từ nước này sang nước khác làm việc; còn di dân thì có thể bao gồm cả trẻ em chưa bước vào tuổi lao động và người già đã bước ra khỏi quá trình lao động.

Theo cách hiểu thông thường thì “di cư” hay “di dân” là chuyển cư, sinh sống lâu dài tương tự như đi “định cư” ở một nơi khác. Nếu hiểu thuần túy “di cư” hay “di dân” (chưa nói đến có làm việc hay không) thì các nhà “di dân học” thế giới cũng đã chia ra nhiều loại hình (theo nhiều lý do khác nhau), như di cư vì lý do chiến tranh, di cư vì lý do kinh tế, di cư vì lý do chính trị, di cư vì lý do hôn nhân và gia đình.

Cả 4 nhóm di cư nói trên đều không thuộc lĩnh vực xuất khẩu lao động (phần lớn là di cư tự do, không có hợp đồng). Chính vì sự khác biệt như thế nên rất cần thiết phải phân biệt để không nhầm lẫn giữa “xuất khẩu lao động” theo hợp đồng với các dạng di cư hay di dân tự do ra nước ngoài với các mục đích khác nhau và phát sinh khá nhiều hậu quả...

ILO sử dụng thuật ngữ “lao động di cư” hay “di cư lao động” thì nội hàm của các thuật ngữ này cũng khá phong phú (tức là rất nhiều hình thức), có thể đề cập tới một số hình thức (dạng thức). Đó là di cư lâu dài, thậm chí vĩnh viễn rồi trở thành kiều dân; di cư dài hạn (tương đối dài ngày, hàng năm, vài ba năm hoặc nhiều hơn nữa); di cư ngắn hạn, có thể tính bằng tháng; di cư kiểu “con lắc”, ngày nào cũng vậy, sáng sớm sang nước láng giềng làm việc, tối lại về nước mình (trường hợp này thường diễn ra ở biên giới nơi giáp ranh giữa các nước mà việc đi lại dễ dàng, thuận tiện, tìm kiếm công việc làm không đến nỗi khó khăn như các nước liên minh châu Âu hiện nay)...

Theo các hình thức di cư lao động nói trên thì “xuất khẩu lao động” mà chúng ta đang thảo luận chủ yếu thuộc dạng di cư lao động dài hạn (một năm hoặc một số năm).

Người lao động được đào tạo nghề khi đi xuất khẩu lao động.
Nguồn: ITN

Một vài vấn đề về thị trường xuất khẩu lao động

Đây là một chuyên đề rộng lớn, nội hàm rất phong phú. Ở đây xin bàn trước một vài điểm liên quan đến quan điểm chỉ đạo.

Thứ nhất, trong nền kinh tế thị trường, sự phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ với tốc độ vũ bão thì hầu như không có nước nào thừa, thiếu lao động tuyệt đối. Ngay cả Việt Nam, trong khi lao động tay nghề thấp hoặc lao động phổ thông có thể dôi dư, thì một số lĩnh vực vẫn thiếu lao động kỹ thuật (từ kỹ sư cho đến công nhân), phải nhập khẩu từ các nước có dự án đầu tư. Thừa, thiếu lao động là do cơ cấu lao động, do đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, do chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Do đó, tìm kiếm thị trường lao động xuất khẩu chính là tìm kiếm, khai thác những công việc mà ở đó nhu cầu lao động của nước sở tại không đáp ứng được, nhưng nước xuất khẩu lao động lại có thể đáp ứng.

Thứ hai, nhiều nước công nghiệp, những nước giàu có, có những loại việc mà người lao động sở tại không ưa chuộng, đó thường là những việc có yêu cầu kỹ thuật không cao, thu nhập thấp (hiện nay chỉ trên dưới 500 USD/tháng), nhưng với lao động của nước xuất khẩu những việc như vậy đều có thể làm tốt, thu nhập như thế có thể chấp nhận được. Bởi vậy, tìm kiếm thị trường một phần quan trọng là khai thác những công việc mà lao động nước sở tại không thích làm, nhưng lao động của nước xuất khẩu có thể làm tốt.

Cũng cần nói thêm rằng, ở Việt Nam ngay cả thời kỳ Hợp tác quốc tế về lao động những năm 1980 - 1990 thì lao động nước ta chủ yếu cũng làm các ngành nghề mà lao động các nước đó ít ham muốn. Đó là các nghề dệt, da, may, nhuộm... (chiếm khoảng 45% tổng số lao động đưa đến nước đó), xây dựng, thủy lợi khoảng 26%, riêng Bulgaria tới 65%... Cũng trong thời gian đó toàn bộ số lao động đi Iraq đều làm ở lĩnh vực thủy lợi; gần 100% lao động đi Algeria làm trong ngành xây dựng... Tiền lương hàng tháng khi ấy, ở CHDC Đức khoảng 800 - 1.000 Mác; ở Liên Xô khoảng 180 - 200 Rúp, ở Bulgaria khoảng 190 - 200 Lêva, ở Iraq khoảng 300 Đina (1 Đina = 3 USD)...

Chúng ta hoàn toàn thống nhất quan điểm và nghiêm túc thực hiện phải ngày càng nâng cao vị thế, giá trị của lao động xuất khẩu, nhưng cũng không quá cứng nhắc, thậm chí “ảo tưởng” chỉ chọn ngành, chọn nghề kỹ thuật cao để rồi bỏ lỡ nhiều công việc mà nước nhập khẩu lao động có yêu cầu. Bởi chúng ta mới chỉ có hơn 24% số lao động qua đào tạo có bằng cấp hoặc chứng chỉ nghề, chưa đủ phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước. Do đó, cân đối cho nhu cầu xuất khẩu lao động kỹ thuật đang là bài toán khá nan giải.

-------------

* Nay là Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  X của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, trang 216.

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế về lao động*