Hội đồng Điều tra Hiến pháp Ethiopia

Sự phối hợp giữa Thượng viện và Hội đồng Điều tra Hiến pháp

- Thứ Sáu, 25/07/2014, 08:23 - Chia sẻ

Thượng viện (Viện liên bang)

Với sửa đổi Hiến pháp năm 1995, Ethiopia chuyển từ nhà nước đơn nhất sang hình thức cấu trúc liên bang và kéo theo sự thay đổi tổ chức Nghị viện từ hệ thống một viện sang hệ thống hai viện. Khác với Hạ viện được bầu trực tiếp, Thượng viện có thể bầu trực tiếp hay gián tiếp tùy theo mỗi bang. Thượng viện đại diện cho các dân tộc, sắc tộc và cho nhân dân; mỗi sắc tộc có ít nhất một Thượng nghị sỹ và nếu sắc tộc đó có nhiều người thì cứ mỗi một triệu người sẽ có thêm một ghế Thượng nghị sỹ.

Điều 62 Hiến pháp 1995 trao cho Thượng viện quyền tự mình quyết định giải thích hiến pháp. Việc giải thích Hiến pháp sẽ xuất phát từ yêu cầu của các dân tộc, sắc tộc và của nhân dân. Trợ giúp cho chức năng này của Thượng viện là Hội đồng Điều tra Hiến pháp. Với sự trao quyền rất rõ ràng như vậy của Hiến pháp, Thượng viện có quyền tối cao trong vấn đề giải thích hiến pháp, các tòa án Ethiopia bị gạt ra ngoài lề trong vấn đề này. Tuy nhiên điều đó không cản trở tòa án áp dụng Hiến pháp trong công việc hàng ngày để thực thi nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.

Ngoài Hiến pháp, Tuyên bố 251/2001 của Nghị viện liên bang được ban hành nhằm củng cố quyền lực của Thượng viện, trong đó đã nỗ lực làm rõ các chức năng của Thượng viện đối với vấn đề điều chỉnh Hiến pháp. Nhằm mục đích hoàn thành chức năng này, Thượng viện được trao quyền tổ chức Hội đồng Điều tra Hiến pháp và thông qua thủ tục tố tụng tại Hội đồng Điều tra Hiến pháp. Thượng viện là cơ quan quyết định về giải thích hiến pháp trên cơ sở kiến nghị đệ trình lên của Hội đồng Điều tra Hiến pháp; giải quyết khiếu nại của những bên liên quan không thỏa mãn, nếu vụ việc bị Hội đồng Điều tra Hiến pháp từ chối xem xét với lý do vụ việc của họ không cần giải thích hiến pháp.

Thượng viện có nghĩa vụ ra quyết định trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được bản đệ trình kiến nghị của Hội đồng Điều tra Hiến pháp.


Hội đồng Điều tra Hiến pháp

Một điểm khá đặc biệt trong cơ chế bảo đảm tuân thủ hiến pháp ở Ethiopia chính là thể hiện sự kết hợp giữa cách tiếp cận chuyên nghiệp và cách tiếp cận chính trị để giải quyết nhiệm vụ bảo đảm tuân thủ hiến pháp. Đó chính là sự kết hợp giữa Thượng viện là một cơ quan mang tính chính trị và Hội đồng Điều tra Hiến pháp là một cơ quan mang tính chuyên môn.

Hiến pháp sửa đổi được thông qua năm 1995, nhưng phải đến 1996 thì Hội đồng Điều tra Hiến pháp mới được thành lập. Nói là cơ quan chuyên môn nhưng điểm khác biệt giữa Hội đồng Điều tra Hiến pháp với các cơ quan tài phán hiến pháp chuyên nghiệp trên thế giới ở chỗ: thành viên của Hội đồng Điều tra Hiến pháp, ngoài thẩm phán, còn có các loại thành viên khác.

Hội đồng Điều tra Hiến pháp gồm 11 thành viên. Thành phần của Hội đồng Điều tra Hiến pháp gồm ba nhóm, từ ba nguồn khác nhau: 6 thành viên là những chuyên gia về pháp luật có năng lực chuyên môn cao và đạo đức tốt được Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hạ viện; 3 thành viên do Thượng viện chọn ra trong số các Thượng nghị sỹ; 2 ghế còn lại dành cho những người kiêm nhiệm tự động, đó là Chánh án và Phó chánh án Tòa án tối cao Liên bang. Hai thành viên này là hai thành viên mặc nhiên, tự động có quyền tham gia Hội đồng Điều tra Hiến pháp mà không cần ai bầu cử hay bổ nhiệm. Hai thành viên này sẽ giữ chức vụ tương ứng Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng Điều tra Hiến pháp.

Nhiệm kỳ của các thành viên phụ thuộc họ tham gia Hội đồng Điều tra Hiến pháp như thế nào: đối với các thành viên kiêm nhiệm tự động thì tư cách thành viên của họ gắn liền với tư cách và nhiệm kỳ của Chánh án, Phó chánh án Tòa án tối cao; sáu thành viên do Tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Hạ viện sẽ có nhiệm kỳ tương đương độ dài nhiệm kỳ của Tổng thống – nghĩa là nhiệm kỳ 6 năm. Họ có thể được tái cử; nhiệm kỳ của các thành viên do Thượng viện chọn sẽ tương ứng với nhiệm kỳ Thượng nghị sỹ của mình.

Tuyên bố 251/2000 đưa ra một số hướng dẫn về việc bổ nhiệm, nhiệm kỳ và miễn nhiệm tư cách thành viên của Hội đồng Điều tra Hiến pháp. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm không rõ ràng trong Tuyên bố này. Ví dụ, Tuyên bố nói rằng cơ quan nào có quyền bổ nhiệm thì sẽ có quyền miễn nhiệm thành viên tương ứng khi có lý do thích hợp và sự miễn nhiệm này phải được sự chấp thuận của đa số thành viên Thượng viện. Nhưng Tuyên bố không nói thế nào là “lý do thích hợp“. Điều không rõ ràng này khiến cho nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Điều tra Hiến pháp không được bảo đảm (ngoại trừ hai thành viên kiêm nhiệm tự động), do đó làm ảnh hưởng tới sự độc lập của các thành viên của Hội đồng.

Điểm đặc biệt thứ hai của cơ chế bảo đảm tuân thủ hiến pháp của Ethiopia nằm ở điều kiện trở thành thành viên Hội đồng Điều tra Hiến pháp. Ba thành viên do Thượng viện chọn trên tổng số 11 thành viên không đòi hỏi có trình độ luật học. Việc có các thành viên không hiểu biết chuyên sâu về pháp luật tham gia Hội đồng Điều tra Hiến pháp làm cho cơ quan này mang tính chính trị hơn là một cơ quan chuyên môn.

Thẩm quyền của Hội đồng Điều tra Hiến pháp cũng rất hạn chế. Nó có nhiệm vụ điều tra các tranh chấp hiến pháp và đệ trình lên Thượng viện nếu thấy việc giải thích hiến pháp là cần thiết.

Hội đồng Điều tra Hiến pháp có thể nhận vụ việc từ Thượng viện, cơ quan lập pháp tiểu bang, từ các cơ quan hành pháp, từ bất kỳ tòa án nào và từ các bên có lợi ích liên quan để xem xét. Hội đồng họp theo quý nhưng có thể triệu tập các phiên họp bất thường.

Mặc dù kết luận của Hội đồng Điều tra Hiến pháp không có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý, bởi nó cần được sự chấp thuận của Thượng viện, nhưng thực tế nó có ảnh hưởng quan trọng tới việc bảo vệ các quyền cơ bản của công dân và phát triển dân chủ ở Ethiopia.

Để thực thi quyền lực hiến định này, Hội đồng Điều tra Hiến pháp có quyền thông qua thủ tục tố tụng của mình, nhưng phải được sự chấp thuận của Thượng viện. Một phần vì các điều khoản hiến pháp, một phần vì Tuyên bố 251/2001 (về Hội đồng Điều tra Hiến pháp) trải qua quá trình điều chỉnh và sau một thập kỷ thủ tục tố tụng đã cho phép các bên đương sự có thể mang các vụ việc ra trước Hội đồng Điều tra Hiến pháp và tới Thượng viện trên cơ sở kháng cáo.