Sứ mệnh hóa giải

- Thứ Tư, 04/12/2013, 08:29 - Chia sẻ
Căng thẳng gia tăng tại Đông Bắc Á sau khi Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở vùng biển đang tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong bối cảnh đó, chuyến công du một tuần của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tới ba nước liên quan được nhìn nhận là sứ mệnh hóa giải, đồng thời tái khẳng định các cam kết của chính quyền Barack Obama với các nước đồng minh trong khu vực.

Khu vực nằm trong ADIZ
Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc hiện đang là tâm điểm cuộc tranh cãi liên quan đến hai hòn đảo mà cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền. Các cuộc khẩu chiến càng trở nên căng thẳng và đe dọa châm ngòi đối đầu quân sự sau khi Trung Quốc cuối tháng 11 vừa qua tuyên bố thiết lập ADIZ, với ranh giới bao trùm cả các đảo đá tranh chấp và một phần lãnh hải của Hàn Quốc. 

Vì thế, trong chuyến thăm Tokyo lần này, Phó tổng thống Mỹ Biden dự kiến sẽ trấn an Nhật Bản rằng liên minh quân sự Nhật - Mỹ, được hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước, vẫn còn hiệu lực trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vướng vào các tranh cãi chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với phía Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ông Biden sẽ nỗ lực kiềm chế căng thẳng liên quan giữa Washington và Bắc Kinh trong các cuộc gặp dự kiến diễn ra vào cuối tuần tới.

Chuyên gia về châu Á Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế, một viện nghiên cứu chính sách, cho rằng ông Biden có thể sẽ công khai tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với hiệp ước quốc phòng song phương và nhấn mạnh rằng các hòn đảo tranh chấp nằm trong phạm vi Điều 5 của hiệp ước này, theo đó, Mỹ thừa nhận quyền kiểm soát của Tokyo đối với khu vực và phản đối mọi hành động vi phạm quyền lợi này.

Với chặng dừng chân Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng Phó tổng thống Biden sẽ đưa ra các đề xuất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Jonathan Eyal - Giám đốc phụ trách nghiên cứu an ninh quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc phòng Hoàng gia Anh tại London - nói: “Người Mỹ hy vọng có thể khiến người Trung Quốc hiểu rằng việc xác định ADIZ hoàn toàn không phải là một bước đi khôn ngoan và có thể kéo theo các hệ lụy không mong muốn, song các bên có thể tìm hướng giải quyết vấn đề này, và có một giải pháp, đó là chỉ cần Trung Quốc không bắt các quốc gia phải tuân thủ tất cả các quy định khắt khe của vùng nhận dạng này”. Theo ông, việc Phó tổng thống Biden tới thăm cả đồng minh lẫn đối thủ nhằm mục đích thể hiện rằng Mỹ là cường quốc duy nhất có khả năng duy trì sự cân bằng khu vực - và đó là mục tiêu duy nhất của chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình dương của Washington. 

Sau khi Trung Quốc thiết lập ADIZ, Chính phủ Mỹ đã điều máy bay ném bom chiến lược B-52 vào ADIZ này, đồng thời xác định rõ ba phương châm, đó là: không chấp nhận ADIZ của Trung Quốc, không đáp ứng theo yêu cầu của Trung Quốc như mở sóng vô tuyến và thông báo trước kế hoạch bay, không thay đổi lập tức các hoạt động quân sự của Mỹ.

Như để khẳng định quan điểm của mình đối với ADIZ, Mỹ đã triển khai các máy bay tuần tra hiện đại P-8A Poseidon đầu tiên tới Nhật Bản để nâng cấp khả năng săn ngầm và các tầu bè khác ở các vùng biển gần nhóm đảo tranh chấp ở Hoa Đông Senkaku/Điếu Ngư. Thế hệ máy bay tuần tra thay thế cho các máy bay P-3 Orion này sẽ tiến hành các chuyến bay theo kế hoạch trong khu vực, trong đó bao gồm cả không phận vùng biển Hoa Đông. P-8A là loại máy bay có khả năng bay xa hơn so với P-3. Đây là loại máy bay chống ngầm được mô tả là “hiện đại nhất thế giới”. Hải quân Mỹ cho biết họ sẽ không thông báo cho phía Trung Quốc và các kế hoạch hoạt động và lộ trình các chuyến bay của số máy bay tuần tra này.

Trong khi đó, cùng ngày, Mỹ đã hối thúc Trung Quốc hủy bỏ các thủ tục hàng không mới hình thành, mà Washington cho là khó hiểu và làm tăng nguy cơ tai nạn tại ADIZ. Bộ Ngoại giao Mỹ tái khẳng định quan điểm của Chính phủ Mỹ là không chấp nhận những thủ tục của phía Trung Quốc và việc Trung Quốc đơn phương áp đặt ADIZ sẽ không làm thay đổi kế hoạch các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ tại khu vực nói trên. Nhà Trắng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tuyên bố đơn phương của Bắc Kinh liên quan đến vùng phòng không và cho biết chuyến thăm này chính là cơ hội để Mỹ đề cao tầm quan trọng trong việc tránh các hành động làm căng thẳng leo thang và ngăn chặn những bước đi sai lầm có thể gây phương hại đến hòa bình, an ninh cũng như sự thịnh vượng của toàn khu vực.

Huỳnh Vũ