Tản mạn

Sự đùm bọc của im lặng

- Thứ Năm, 18/07/2019, 07:36 - Chia sẻ
Những lúc tổn thương và rối bời, người ta chỉ cần kể chuyện ra và có một người nghe im lặng...

Ghé đón con gái từ nhà bạn thân của nó. Hai đứa cãi nhau buổi chiều. Ra đến đường thì nó òa khóc nức nở. Tôi kệ, cứ đi lững thững bên cạnh, chờ nó bớt khóc mới hỏi: “Con buồn bạn à?”.

Nó kể lại chuyện cãi nhau, từ một lý do rất vớ vẩn, rồi bạn nó giận bảo nó từ giờ đừng sang nhà nữa. “Con sẽ không sang nhà Nhi nữa. Nhưng con trót bị yêu bố mẹ Nhi, yêu Kem, với Lassie. Con sẽ rất nhớ họ!” (Kem là em gái Nhi, Lassie là con chó của Nhi).

Tôi định phân tích đúng/sai, thế nọ thế kia, định nói rằng lỗi của Nhi thế này thì lỗi của con thế kia, định bảo vài hôm nữa tụi con sẽ quên và lại chơi với nhau bình thường. Song tôi tự nén lại những lời nói này. Những lúc người ta tổn thương và rối bời, người ta chỉ cần kể chuyện ra và có một người nghe im lặng. Chính con gái lần nào đó đã dạy tôi như thế, rằng khi có vấn đề với bạn bè, nó muốn kể với con Nắng (con mèo cưng của nó) chứ không phải mẹ. “Vì mẹ luôn khuyên bảo, còn Nắng chỉ dụi cái đầu mềm mại giúp con trấn tĩnh. Nắng không bao giờ thấy con sai. Nắng nghe và im lặng!”. 

Và giống như người lớn bị đổ vỡ tình cảm, một đứa trẻ cũng có quyền tan nát. Tôi đã có kinh nghiệm để đỡ tan nát thì “băng bó” tức thời thế nào. Tôi bèn rủ con bé xuống hầm lấy cái xe máy của hai mẹ con, rồi tôi chạy xe chở nó lòng vòng quanh những con đường “của tụi mình” trong không khí se se lạnh đầu đêm. 

Trời vừa giông to lúc tối, đường ngổn ngang cành cây gẫy. Nó xin mẹ cho nó xuống. Rồi con bé lụi cụi nhặt cành cây vứt vào vệ cỏ. Tôi đứng im chờ nó. Bà ngoại cũng thế, đi trên đường thấy hố sẽ xuống kiếm cái gì đặt cảnh báo, hay thấy vật chướng ngại sẽ khuân dọn đi, vì “nhỡ người đi sau không nhìn thấy, họ vội vàng đi nhanh vướng phải lại bị tai nạn”. Việc tập trung dọn đường khiến con bé ngưng hẳn khóc. Tôi bảo là ngồi lên xe mình, tụi mình đi làm một thứ con thích. Và tôi đưa nó đến máy bán nước tự động. “Con chọn gì cũng được”. Được lời như cởi tấm lòng, con bé bèn chọn một chai nước ngọt - thứ nó rất thèm nhưng luôn bị cấm đoán. Nó mang chai nước lên xe và uống sau lưng mẹ, nó bắt đầu hát nho nhỏ.

Rồi về nhà, tôi với nó tắm nước nóng già như đang ở mùa đông. Xong nó vào phòng mang chăn gối ra quây một cái ổ như ổ chó. Tôi chuẩn bị trái cây ướp lạnh. Tôi bật điều hòa nhiệt độ mùa đông, hai mẹ con chui vào chăn, đĩa trái cây đặt bên cạnh, và mở Youtube xem phim về chó mèo. 

Đến lúc tắt đèn đi ngủ, nó bảo: “Kệ cho bố nằm giường, mẹ với em cứ ở nguyên trong ổ nhé?”. Chui trong ổ khá chật, nó phải nép sát vào mẹ. Xong nó quàng tay quanh cổ tôi thì thầm: “Có phải mẹ sẽ luôn giúp em nguôi dịu mọi nỗi buồn, kể cả khi em lớn lên...”. Tôi nghĩ có những việc không cần hứa mà đương nhiên là chúng ta sẽ làm, nên tôi chỉ thơm vào mõm nó. Con bé nói nốt: “...và mẹ sẽ im lặng?!”.

Khi nó ngủ say rồi tôi vẫn nằm nghĩ. Tôi mới hiểu vì sao mỗi lần tổn thương mình ngại về nhà. Vì tôi sợ bà ngoại con bị xót ruột. Vì tôi sợ bà ngoại con sẽ hỏi và hỏi và tìm cách truy tội đứa nào làm con bà đau. Mà lúc đấy, tôi kiệt sức và chỉ cần được bỏ quên trong sự đùm bọc của im lặng.

Quỳnh Hương