Sống trong âm nhạc như một vinh hạnh

- Thứ Bảy, 04/07/2020, 06:58 - Chia sẻ
Khoảnh khắc khi những âm thanh cuối cùng tắt hẳn dường như cũng là lúc âm nhạc “sống” một đời sống mới trong một vùng không gian khác. Cảm nhận vùng không gian ấy là cách mà âm nhạc nhắc nhở mỗi người về ý nghĩa của nghệ thuật và sự tử tế của cái đẹp.

Đối thoại ký ức

Bà ngoại của Trang bắt đầu mất trí nhớ từ cách đây 10 năm. Mỗi lần Trang đến thăm, bà không còn có thể nhận ra Trang là ai. Thật khó khăn khi đến gọi bà và không nhận được trả lời, cảm giác bất lực vì bị mất kết nối với người thân yêu. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, khi Trang cùng với con gái của mình bắt đầu hát những bài hát thiếu nhi cho bà nghe, bà cười, bà vỗ tay, bà hát, và thậm chí còn nhớ được cả lời ca. Cách đây 3 tháng, bà Trang mất, đúng vào lúc cao điểm của dịch Covid-19. Trang nhận được điện thoại báo bà mất. Trang xuống nhà bà, và đã hát: Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm. Tóc bà trắng...

Câu chuyện của nghệ sĩ piano Trang Trịnh như kéo chùng không gian cuộc đối thoại về sự thể hiện của âm nhạc (tổ chức mới đây tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA, Hà Nội). Cuộc đối thoại mang tên “Bất tử”, bắt đầu bằng câu chuyện của ký ức, như một dẫn chứng âm nhạc nằm sâu trong mỗi con người, hơn cả trí nhớ, hơn cả ngôn ngữ. Ba diễn giả, nghệ sĩ Trang Trịnh, nhà soạn nhạc Hàn Quốc Wonhee Shin và nghệ sĩ biểu diễn cello Phan Đỗ Phúc, hé lộ góc nhìn đa chiều về âm nhạc, những nghịch lý đan xen trong viết nhạc, chơi nhạc, lưu giữ âm nhạc trong ký ức.

Dựa trên trải nghiệm nghệ thuật của mình, ba nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc, Wonhee Shin, Trang Trịnh cho thấy góc nhìn đa chiều về âm nhạc

“Lúc biểu diễn trên sân khấu, tôi có cảm giác như cả vũ trụ im lặng để chờ một âm thanh, lắng nghe tiếng thở của âm nhạc”, Trang Trịnh nói. “Cảm nhận rõ nhất là khi biết rằng còn rất nhiều người khác đang ngồi dưới khán phòng, cùng cảm nhận những rung động từ lúc khe khẽ dây đàn bật lên, sức căng của không khí, và thứ năng lượng vô hình được truyền lan trong không gian”, Phan Đỗ Phúc tiếp lời. Còn với Wonhee Shin, “sẽ thật chán nếu ai đó chơi bản nhạc của mình không tốt lắm. Song các nghệ sĩ chuyên nghiệp thường chơi tác phẩm của tôi khá hay. Nhưng tôi cũng không quan tâm nhiều, chỉ cần mình viết ra và có ai đó thể hiện nó”.

Trong khi hai nghệ sĩ Trang Trịnh và Phan Đỗ Phúc coi cảm giác được sống với âm nhạc là khoảnh khắc thiêng liêng cô đọng, thì Wonhee lại coi âm nhạc chỉ như thứ ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ, quá đỗi thân quen trong cuộc sống hằng ngày. Nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc nhận định: “Tưởng chừng hai quan điểm đối lập hoàn toàn, nhưng tôi nhận ra rằng, khi biết nâng niu âm nhạc thì sự nâng niu đó là cuộc sống của ta chứ không còn là âm nhạc nữa”. Còn theo Trang Trịnh: “Có lẽ, đó là khả năng âm nhạc nhắc khoảnh khắc này quý giá đến mức nào. Và âm nhạc khiến ta nghĩ rằng, nếu như ta sống hằng ngày như cách ta sống trong sự rung động cùng với âm nhạc thì sẽ tuyệt vời biết bao”.

Sự tử tế của cái đẹp

“Ngày du học ở Mỹ, tôi may mắn được học một thầy người Anh rất giỏi. Hôm ấy bận nhiều công việc, tôi hớt hải chạy về, trả bài bằng bản sonata của Franck. Được 2 - 3 câu thì thầy yêu cầu dừng, bảo tôi: 'Thế giới ngoài kia xấu xí lắm, nhưng khi em vào phòng này chơi nhạc, tư duy của em phải thay đổi, đừng như thế giới kia. Việc chơi nhạc với em phải là sự vinh hạnh, là điều em cảm thấy thật may mắn'. Bình thường, các buổi trả bài trước, thầy sẽ nói rõ thầy muốn gì, câu cú, âm sắc phải thế nào... Nhưng lúc ấy thầy chỉ nói: 'Hãy chơi một âm thanh đẹp nhất mà em có thể làm được'. Bỗng nhiên lúc ấy, sau cả một ngày bận rộn vội vã, tôi chững lại. Và tôi nhớ về lý do tại sao mình đã bắt đầu, đã lựa chọn với âm nhạc”. “Sống trong âm nhạc như một vinh hạnh”, đó là bài học mà nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc nhận ra trong câu nói của thầy, đến giờ vẫn cứ vang lên trên con đường âm nhạc của anh. 

“Một ngày tháng 4 cách đây 6 năm, tôi nhận lời viết tác phẩm nhưng không thể tập trung được. Hôm đó trời mưa và tivi đưa tin một vụ chìm phà. Con phà chở học sinh cấp 3 đi du lịch từ đảo Jeju về lại đất liền, gần 300 em thiệt mạng. Sự kiện khiến tôi đổi hướng, tôi bỏ đi tất cả những gì đã viết, quyết định viết bản nhạc mới thể hiện cảm xúc của mình lúc ấy. Sonata là một dạng cấu trúc rất nghiêm khắc, nhiều quy tắc. Tôi tập trung khai thác để giai điệu có thể nói lên nỗi đau ở chủ đề thứ nhất, và nói về cách vượt qua nỗi đau đó ở chủ đề thứ hai” - nhạc sĩ Wonhee Shin kể về bản “Sonata for Violin and Piano”, được chị hoàn thành vào năm 2014.

Ngày 16/4 năm ấy mãi mãi là một ngày đau thương với đất nước Hàn Quốc. Trên một bài báo, có người mẹ nói rằng: "Nếu biết hôm ấy tôi sẽ chào con lần cuối cùng thì tôi sẽ ôm nó một cái”. Có lẽ, ngày hôm ấy người mẹ đã bận điều gì đó và sự đau đớn, hối hận cứ đeo đẳng chị, vì đã không kịp thể hiện tình cảm yêu thương với con mình. Bản Sonata của Wonhee mở đầu bằng những tiếng giằng xé như vậy, với các nốt trầm chồng lên nhau, tạo nên hợp âm liên tục. Sau khi hòa âm này được tạo ra, có một nốt nữa ở phía sau, hiện thân của nỗi đau đớn, đối nghịch. Theo nghệ sĩ Trang Trịnh: “Đó chính là ô cửa sổ để âm nhạc nhìn vào đời sống”.

Để âm nhạc mở ra “ô cửa để nhìn vào đời sống”, nghệ sĩ là người trăn trở sáng tạo. Nói như Wonhee: “Tôi suy nghĩ về âm nhạc đến mức không thể ngủ được”, hay như Phan Đỗ Phúc: “Âm nhạc cổ điển vẫn được xem là khó tiếp cận, cũng có giai đoạn tôi cảm thấy cô đơn quá. Nhưng kiểu gì cũng sẽ gặp người đồng cảm với mình, cùng mình chạm đến sự rung động từ âm nhạc, nếu mình đi con đường đó đủ lâu”. Còn Trang Trịnh tìm thấy ở âm nhạc một người bạn, mang vẻ đẹp cuộc sống. “Có vài biến cố khiến một thời gian Trang không thể chơi đàn. Trước đấy, tôi luôn tìm kiếm sự hoàn hảo, bản nhạc đẹp nhất, xúc động nhất, nhưng sau đó, tôi nghĩ xem âm nhạc có ý nghĩa gì với mình. Qua âm nhạc tôi nhớ đến bà, nghĩ về cuộc sống mà nó diễn tả... Âm nhạc như một người bạn, thỉnh thoảng, người bạn ấy sẽ vỗ vai mình nói rằng: Chuẩn bị đi qua ranh giới rồi đấy. Để rồi, tôi lại giật mình nhận ra sự tử tế của cái đẹp. Không phải vẻ đẹp của sự hoàn hảo, mà là vẻ đẹp của sự phản tỉnh. Âm nhạc làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Thái Minh