Sống mãi với Thủ đô

- Thứ Sáu, 24/09/2010, 00:00 - Chia sẻ
Kỷ niệm 50 năm ngày mất nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, hôm nay 24.9, Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học và NXB Kim Đồng tổ chức tọa đàm Nguyễn Huy Tưởng với Hà Nội. Có thể nói, suốt cuộc đời cầm bút và hoạt động cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng luôn gắn bó với Hà Nội. Hầu hết tác phẩm quan trọng nhất của ông đều lấy bối cảnh Hà Nội xưa và nay để ký thác tấm lòng thiết tha với mảnh đất hùng thiêng.

Lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng là khoảng thời gian trải dài trong các sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng. Ngay khi mới bắt đầu cộng tác với Tri Tân, tạp chí chuyên về khảo cứu lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng đã cho đăng liên tiếp hai bài tiểu luận về hai sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với lịch sử Thủ đô: tháng 10.1941, ông viết về Hội nghị Diên Hồng và một tháng sau, về sự kiện Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long trong bài Ý nghĩa việc thiên đô của Lý Thái Tổ trong lịch sử Việt Nam.

Liên tiếp trong các năm sau, vẫn trên Tri Tân, Nguyễn Huy Tưởng cho đăng các tác phẩm đầu tiên của mình: tiểu thuyết Đêm hội Long Trì (1942), kịch Vũ Như Tô (1943) và tiểu thuyết An Tư (1944). Ba tác phẩm đã thực sự đưa Nguyễn Huy Tưởng đến với văn đàn và bạn đọc có thể cảm nhận được niềm đam mê đặc biệt của ông đối với mảnh đất Thăng Long vốn giàu các chất liệu cho văn - sử. Cả ba tác phẩm, dù là viết về các vấn đề khác nhau, các khoảng thời gian khác nhau và bằng các thể tài khác nhau, song đều lấy Thăng Long làm nền cho các xung đột của tiểu thuyết, của kịch. Với Đêm hội Long Trì, Thăng Long là nơi phô diễn vẻ đài các xa hoa của chế độ phong kiến trong đêm hội phiêu diêu, huyền ảo; là nơi diễn ra những tấn bi kịch không chỉ xảy ra với người dân bình thường mà cả với gia đình nhà chúa; là nơi nuôi dưỡng những con người tài đức với quyết tâm đem lại sự bình an cho kinh thành ngay cả khi phải hy sinh tính mạng. Với Vũ Như Tô, Thăng Long là điểm đến của mọi nhân tài, là nơi những hoài bão sáng tạo lớn lao được kích thích, nhưng cũng là nơi phải chứng kiến những lâu đài, thành quách bị triệt hạ không chỉ do sự thay ngôi đổi vị nơi cung đình mà còn do sự nông nổi của chính người dân bị kích động. Với An Tư, Thăng Long là sào huyệt (tạm thời) của giặc, nơi nàng công chúa An Tư, cô ruột của đức vua Trần Nhân Tông bị đem cống cho thái tử nhà Nguyên Thoát Hoan; kinh thành Thăng Long trở thành nơi nàng công chúa xinh đẹp nhất trời Nam bị đày đọa tấm thân bên tướng giặc; đồng thời cũng là nơi chứng kiến khúc khải hoàn của vua tôi nhà Trần, khi đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thăng Long, giải cứu cho công chúa...

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, qua những tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ diễn đạt tri thức của ông về lịch sử cho người đọc mà ông còn gieo vào lòng họ những câu hỏi để mọi người cùng suy ngẫm tiếp với ông, tìm mối thông cảm với những con người trong câu chuyện xưa nay đã khuất nhưng theo cách hiểu của nhà văn. Nhưng không chỉ là một nhà chép sử bằng văn chương, PGS Nguyễn Thị Bích Thu cho rằng, Nguyễn Huy Tưởng còn là nhà Hà Nội học trong văn chương. Kinh thành Thăng Long, Thủ đô Hà Nội xưa và nay thấm đẫm trên từng trang văn Nguyễn Huy Tưởng. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Tuân trong lời bạt tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô đã cảm nhận: “Đọc lại tiểu thuyết lịch sử, kể cả Sống mãi với Thủ đô, người đọc vẫn thất gây gây mùi khói vương vấn ngàn năm Thăng Long chốn cũ”. Bằng những liên tưởng, đối chiếu giữa kiến thức sách vở với những trải nghiệm trong cuộc đời, Hà Nội đã vào văn ông, làm nên “toàn bộ hồn cốt và đường nét trong văn ông”, khiến độc giả không chỉ thiện cảm với tác giả tiểu thuyết mà còn yêu quý hơn “Hà Nội – trung tâm tim óc của cả nước. Qua bao triều đại, chế độ, cái tim óc bền dẻo vĩ đại ấy đã đập đều trên chín thế kỷ rưỡi” như cảm nhận của Nguyễn Tuân và đến bây giờ, “cái tim óc bền dẻo vĩ đại ấy” đã đập đều đến nghìn năm Thăng Long, đến chẵn 10 thế kỷ.

Sống mãi với Thủ đô viết về giai đoạn lịch sử gần đây, một quá khứ gần với sự biến Hà Nội trong đêm nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc vào cuối năm 1946. Nguyễn Huy Tưởng không chỉ thành công trong phục dựng không khí bi tráng của lịch sử mà cả trong biểu đạt thế giới tâm hồn phức tạp, tinh tế của những nhân vật trong quá khứ, đưa tất cả trở thành sống động, như đang tái sinh trong đối thoại, tranh luận với người đọc ở thì hiện tại, mang ý nghĩa nhân bản, ca ngợi lòng yêu nước và sự sống con người...

Nếu tính từ tiểu thuyết Đêm hội Long Trì – tác phẩm đầu tay, cho đến tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô – di cảo của nhà văn được in gần một năm sau khi tác giả qua đời, có thể nói tất cả những tác phẩm quan trọng nhất của Nguyễn Huy Tưởng đều về đề tài Thăng Long – Hà Nội. Nếu tính cả truyện thiếu nhi An Dương Vương xây thành ốc, trong đó tác giả kể cho các em chuyện Thục Phán An Dương Vương xây Loa Thành để chống nhau với Triệu Đà khoảng 200 năm trước Công nguyên, thời gian Thăng Long hiện diện trong các sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng không phải chỉ 1.000 năm mà là hơn 2.000 năm. Đến nay, nhiều trang viết của ông về Thăng Long – Hà Nội vẫn giữ nguyên giá trị, và cùng với thời gian khẳng định chỗ đứng riêng trong các tác phẩm viết về Thủ đô.

Nguyên Anh