Sơn La - Khúc hát giữa mây ngàn

- Chủ Nhật, 11/02/2018, 08:28 - Chia sẻ
Tiếng tôi vang rừng núi Sao không ai trả lời… Khúc hát chợt vút lên giữa thung lũng Nà Ka như tiếng gọi xao xuyến giữa lưng chừng núi, lưng chừng mây. Tiếng hát quyện vào vách núi, gửi vào trong mây, len lỏi theo bước chân cô gái Thái, Mông… giữa rừng mơ, rừng mận.

Mùa này hoa mận nở trắng trời đông. Cái rét ngọt hơn trên mỗi nhành lá. Gió ngàn khẽ đưa những đám mây qua mau cho tia nắng vàng ló ra sưởi ấm mỗi cánh hoa. Và những dãy núi sừng sững vang vọng câu chuyện tình đôi lứa mải miết tìm chiếc khăn Piêu trong hương mận dịu dàng… “Thôi đừng tìm trong rừng, lạc trong rừng, nát hoa rừng, khăn Piêu đây”. Tấm khăn Piêu này đây của chàng trai, cô gái bản đã điểm thêm màu trắng hoa mận như tấm thảm chất chứa ước nguyện xua đi đói nghèo hiển hiện trong lòng núi.

Chen mình vào rực đỏ áo váy những mẹ, những em, những cô gái Mông hồn nhiên, thẹn thùng, tôi đi trong cơn say của trời, đất, núi rừng, trong cái Tết sớm người Mông theo đến điểm văn hóa xã Tân Lập, huyện Mộc Châu… Tiếng cười đùa nô nức, reo vui trong trò ném Pao, trong điệu hát mênh mang và trong tiếng hò reo cổ vũ bóng đá râm ran lòng núi. Và những con số thống kê phát triển kinh tế - xã hội 2017 mà Phó Chủ tịch HĐND huyện Mộc Châu Nguyễn Trường Chinh đưa cho tôi bỗng nhòa đi trong ánh mắt, nụ cười rạng rỡ, trong sắc đỏ uyển chuyển khắp núi rừng. Chính sách đi vào cuộc sống ở đây, trên mỗi gương mặt rạng ngời.


Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng với bà con huyện Vân Hồ, Sơn La
Ảnh: Q.Khánh

Thật xúc động khi đứng trên thảo nguyên Mộc Châu mênh mông. Đồi chè Ô Long xếp hình trái tim yêu thương ôm trọn cả núi rừng. Trái tim của Mộc Châu đâu chỉ có chè! Huyện biết đấy, tỉnh biết đấy, đất dốc màu mỡ, khí hậu trong lành đang trăn trở cùng đồng bào trên con đường kinh tế hộ đến hàng hóa là cuộc cách mạng nhận thức, tập quán sản xuất. Cuộc cách mạng xanh của Mộc Châu những năm tháng qua đi đang đơm hoa kết trái với những vườn nhiệt đới, những rừng chanh leo, rừng mận, rau củ quả… cho tiêu dùng và xuất khẩu; những đàn bò sữa, gia súc căng tròn. Thật ngỡ ngàng trước sự tìm tòi, kiên định của đất, của người Sơn La. Giữa mây ngàn luôn vững tin, xua đi cái khó, cái lạc hậu và âm thầm, quyết liệt với cuộc chiến ma túy. Mộc Châu, Sơn La thực sự đang dang rộng vòng tay vẫy gọi đầu tư. Sự hấp dẫn và bùng nổ chất chứa mùa xuân đang về. Một năm tràn đầy khát vọng.

Lặng lẽ đến Sơn La vào chiều cuối đông, chúng tôi ẩn mình trong những câu hỏi mang theo về vai trò người đại biểu nhân dân. Và bất ngờ đến khi Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng biết sự có mặt của chúng tôi trong thành phố căng tràn sức xuân. Một chút lo lắng khi được Phó Chủ tịch gặp gỡ trong lúc đi tác nghiệp. Và chẳng thể nói được gì hơn trong ấm áp niềm vui. Thân tình, gần gũi, không khoảng cách, Phó Chủ tịch ân cần cho các nhà báo chúng tôi biết thêm về những nét văn hóa của đồng bào các dân tộc Sơn La, về con đường phát triển kinh tế - xã hội, khát vọng vươn lên của đất và người nơi đây. Trong câu chuyện chất chứa đầy cảm xúc, Phó Chủ tịch chia sẻ, đồng bào chân thành lắm, nhân văn trong từng ứng xử. Họ ghét ăn trộm nhưng khi xử phạt cũng có cách riêng. Nếu trộm chuối chín thì phạt nhẹ hơn trộm chuối xanh. Chuối chín mà không mang về thì nó cũng rụng mất. Luật tục đấy…!

Chỉ vậy thôi mà tôi học được nhiều điều. Xuất phát từ tấm lòng để đến được tấm lòng nên khi truyền đạt cái mới là khi cái bụng đồng bào có ưng, có thuận theo thì khi ấy chính sách mới đi vào cuộc sống. Muốn chuyển đổi cây trồng thì trước hết không thả rông trâu bò, gia súc. Sớm đấy! Gian nan đấy! Vì quen thế rồi! Đây không thể đơn thuần là mệnh lệnh hành chính mà ở nhận thức của bà con. Phải kiên trì và rồi cùng làm với bà con, thuận theo đất, theo khí hậu từng vùng mà chọn cây. Chanh leo ở Mộc Châu, Thuận Châu; xoài ở Yên Châu; nhãn, na hoàng hậu ở Quỳnh Nhai, Sông Mã; cam, quýt ở Phù Yên… Cứ thế, cứ thế tiến lên từng bước vững vàng. Giờ nghị quyết chuyển đổi nông nghiệp đơm hoa kết trái thì đã nghĩ đầu ra trước rồi. Như vậy sản xuất mới vững bền. Mới đây thôi, Phó Chủ tịch đã về dự lễ khởi công nhà máy chế biến quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ cao ở Vân Hồ. Công nghệ Đức, Italy sẽ mang trái ngọt Sơn La đi khắp mọi miền đất nước và ra với thế giới. Bà con mừng vui lắm, không sợ quả chín rơi rụng trong vườn, rồi khi chặt cây này, khi trồng cây kia trong cái vòng luẩn quẩn tự cung, tự cấp.

Sơn La vẫn còn nhiều cái khó. Đồng bào Hòa Bình, Sơn La ở lòng hồ sông Đà di dân vẫn còn vất vả lắm; tiền trồng rừng đầu nguồn còn chậm khi qua ngành điện chi trả cho dân, Phó Chủ tịch trầm ngâm. Và các nhà báo nên đến lòng hồ ở Quỳnh Nhai đi, nên đến thung lũng Nà Ka đi… Lời dặn dò của Phó Chủ tịch thúc giục chúng tôi vội vã ra đi khi khúc hát quê núi Sơn La đón Bác về vọng lại.  “Sơn La, Sơn La - quê ta miền núi cao/ Nắng bừng lên soi sáng khắp bản mường/ Sơn La vui sao được đón Bác Hồ về/ Lúa ngô như được tưới thêm nắng ấm/ Đất đá khô cằn như được mưa tắm mát/ Dân bản ấm no cùng chung xây cuộc đời… (Thơ: Tòng Thị Phóng; Nhạc: Hồ Hữu Thới).

Mặt trời chiều nghiêng về Tây, chúng tôi theo chân Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nhâm Thị Phương đi giám sát việc thực hiện Nghị quyết 57 về chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Nếu bạn còn chút băn khoăn về “ông Hội đồng” chỉ nói trên giấy thôi hãy theo chân đoàn giám sát. Rẽ sóng, chiếc ca nô đưa đoàn tới từng đảo nhỏ giữa lòng hồ mênh mông. Bước chân thoăn thoắt, khẳng khái của chị mang theo niềm tin của đại biểu nhân dân. Đếm từng gốc nhãn, gốc na đang ươm mầm; xem từng con bò giống nhồm nhoàm gặm cỏ trong trang trại thơm mùi đất mới... trao đổi với xã viên bằng tiếng Thái mà chúng tôi  chưa kịp hiểu thì tiếng cười hồn hậu đã vang vọng núi rừng.


Điểm văn hóa xã Tân Lập, huyện Mộc Châu
Ảnh: Thanh Hà

Khảo sát thực địa, tranh luận thẳng thắn, truy vấn đến cùng bằng những con số cụ thể với Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, Giám đốc các hợp tác xã thủy sản Hương Tuyên ngay tại nơi hỗ trợ tư vấn sản xuất. Chính sách hỗ trợ 50% mua lồng cá dân đã nhận đủ chưa? Lồng cá có bảo đảm chất lượng, số lượng không...? Hay tạo điều kiện phát triển sản xuất bằng “vốn mồi” hỗ trợ 30% lãi suất, hợp tác xã đã hướng dẫn dân làm chưa... đâu là vướng mắc? Hạ tầng đất đai theo luật thì hỗ trợ làm kho đông lạnh thế nào, Hợp tác xã kiến nghị đi... Cứ ngỡ công việc quyết là ban ngành từ UBND huyện “trình bẩm” lòng vòng lên ban, ngành của  tỉnh, UBND tỉnh rồi mới ra Hội đồng. Vậy mà, qua giám sát, vướng mắc được chuyển trực tiếp đến Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh với giải pháp rõ ràng, thuyết phục. Và dường như con đường làm quyết sách sáng rõ và ngắn lại bao lần. Có lẽ vì nghị quyết HĐND được xây dựng ngay trên “thực địa”, thuyết phục, hợp lòng dân, thấy được nguồn lực và đúng luật.

Tới Quỳnh Nhai, đứng trên đỉnh núi Chiềng Phung, thu vào tầm mắt là một vùng trời, nước mênh mông như Hạ Long muôn màu. Những đỉnh núi xưa cao vời vợi giờ nước vây quanh như đảo nhỏ giữa mênh mông gương hồ. Chút băn khoăn trong nỗi lòng khi đồng bào quen sống theo triền sông di dời lên đây thì những đứt gãy văn hóa hay phương thức sản xuất là điều khó tránh khỏi. Câu trả lời cứ dần dần gợi mở theo bước chân “ông Hội đồng”. Đến Đền Nàng Han bên đỉnh núi ở Chiềng Phung, dâng lên các vị thần linh nén hương kính cẩn. Ra tới giếng thần, chúng tôi xin một gàu nước mát thoa lên khuôn mặt nhòe đi. Một dòng nước mát lạnh chạy khắp người. Đền thờ này trước kia ở phía dưới lòng hồ, nơi con sông, con suối đổ về cho ngày hội gội đầu của đồng bào Thái. Nay hồ dâng nước cho điện, Đền chuyển về đây và giếng thần lấy nước núi rừng để đồng bào mở Lễ hội gội đầu trên đất mới. Văn hóa tiếp nối tự nhiên đầy lòng trắc ẩn từ sự quan tâm đến đời sống tinh thần của đồng bào vậy đó!

Khi trời chập choạng tối, chúng tôi tới xã Chiềng Bằng nơi có nhiều hợp tác xã phát triển nuôi cá lồng bè. Các loại cá nuôi thật phong phú: Cá chép, cá mè, cá rô phi hay cá lăng, cá nheo, chạch chấu... Đêm lẳng lặng ập về im ắng mặt hồ, những ánh đèn lồng cá giăng giăng, lấp lánh như sao sa giữa vùng trời núi mênh mông. Thỉnh thoảng, tiếng cá quẫy lách tách như chào đón những vị khách quý. Dừng chân trên chiếc bè nổi cùng bà con ra sức hút cho mình một chút rượu cần, men rượu thơm ngọt thấm dần, thấm dần trong những câu chuyện xôn xao. Chủ nhiệm Hợp tác xã Lò Văn Muôn cảm ơn các vị khách! Không, người cảm ơn phải là chúng tôi. Thật lâu lắm mới đến được với bà con Quỳnh Nhai - “thủ phủ” di dân tái định cư. Khi mà những giọt nước mắt nhớ quê, những giọt mồ hôi mặn chát nhỏ xuống từng nhát cuốc trên vùng đất mới đã qua đi, cái khó, cái khổ đã ở sau lưng để dành đất cho thủy điện và đến đất mới với niềm tin, ý chí kiên cường… Vậy đó, niềm vui chung cứ lây lan trong lời chào mời chén rượu, lời chúc một năm mới tốt lành thật chân thành biết bao.

Và khúc hát giữa mây ngàn lại vang xa. “Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa mai chào đón xuân về/ Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa/ Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn/ Bâng khâng nỗi lòng nhịp sáo ai đưa tiếng ca rộn vang...”.

Bút ký của Thanh Hà