Ngành nông nghiệp tận dụng cơ hội từ FTA

Sớm sửa đổi chính sách đất đai, tín dụng

- Chủ Nhật, 09/12/2018, 07:41 - Chia sẻ
Tính đến nay, Việt Nam đã đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 10 hiệp định đang thực thi tạo cho nông sản Việt Nam cơ hội tiếp cận tốt hơn nhiều thị trường. Ngược lại, sức ép hội nhập và những khắt khe của thị trường đòi hỏi nông nghiệp nước ta phải gấp rút tái cơ cấu với sự hỗ trợ về mọi mặt của Nhà nước.

Hấp thụ khoa học kỹ thuật mới

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), người tham gia nhiều đoàn đàm phán FTA của Việt Nam, cho biết nước ta gần như đã hoàn tất việc mở cửa thị trường. Đặc biệt, việc tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Cụ thể, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào các nước thành viên CPTPP như gỗ, sản phẩm gỗ và thủy sản (trong đó chủ yếu là tôm và cá tra) có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam mới chỉ tập trung vào một số ít mặt hàng và số ít bạn hàng lớn trong CPTPP. Tham gia CPTPP là cơ hội tốt giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mexico, Australia và Canada cũng như đa dạng hóa các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Một cơ hội khác lớn hơn mở rộng thương mại là hoạt động đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động. Theo ông Ngô Chung Khanh, khi đã tham gia CPTPP một số nước không có lợi thế về nông nghiệp, hàng rào bảo hộ nông nghiệp giảm bớt thì có thể họ sẽ chuyển nguồn đầu tư sang Việt Nam. Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ được khoa học kỹ thuật mới, thay đổi được cách làm truyền thông, nâng cao hiệu quả.

Đối với thị trường EU, sau khi EVFTA được ký kết, các mặt hàng nông sản Việt Nam nhập khẩu sang EU sẽ chịu thuế 0% trong vòng 7 năm. Những ưu đãi về thuế quan sẽ mang lại cơ hội không thể phủ nhận cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu, qua đó mở rộng tiềm năng sang các thị trường nhập khẩu khác cũng như tham gia vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu. 

Xem xét điều chỉnh Luật 

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: Môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, sự hỗ trợ của chính quyền chưa đủ mạnh, việc tiếp cận các nguồn lực còn khó khăn… TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ rõ, trong quá trình đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp phải sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó có 2 nguồn lực quan trọng là đất đai và nguồn vốn. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận cả 2 nguồn lực này. Chẳng hạn, về đất nông nghiệp, một số quy định trong Luật Đất đai 2013 đang hạn chế doanh nghiệp tiếp cận đất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất quá chi tiết và hạn chế sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là chuyển từ đất lúa sang trồng các loại cây khác; không cho xây dựng các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp; thời hạn sử dụng đất không quá 50 năm là quá ngắn so với chu kỳ đầu tư của doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp công nghệ cao. Theo đó, ông Cung kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Chính phủ sửa đổi một số nội dung của Luật Đất đai 2013 cho phù hợp với xu thế ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao.

Cùng với chính sách đất đai cần thay đổi trong thời kỳ mới, thì ông Đinh Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, quan điểm về an ninh lương thực cũng cần điều chỉnh. Hiện tại chúng ta vẫn đang tranh cãi 3 triệu hecta, 3,4 hay 3,8 triệu hecta đất dành cho nông nghiệp có phù hợp hay không. Nếu không thể giảm xuống để các địa phương cần đất cho mục đích khác có thể sử dụng, sẽ kìm hãm sự phát triển. Cùng với đó, ông Minh cũng đề xuất xây dựng một đạo luật quy định về nông dân cho thuê đất, bảo đảm khi tích tụ đất đai người dân vẫn được hưởng quyền lợi.

Liên quan đến chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu ra những khó khăn khi cho vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Theo đó, một trong số đó là thách thức của hoạt động tín dụng đối với lĩnh vực này như: Sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, thiếu liên kết, chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bài bản, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định trong khi công tác phân tích, dự báo thị trường cũng như quy hoạch chưa hiệu quả, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư tín dụng. Vì vậy, ông Tần đề xuất cần phải có cơ chế hạn chế rủi ro, điển hình là phát triển bảo hiểm nông nghiệp. Từ đó, các ngân hàng sẽ mạnh dạn đẩy mạnh cho vay, hỗ trợ phát triển nông nghiệp. 

Khải Minh