Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn

Sớm có hành lang pháp lý rõ ràng

- Thứ Tư, 11/09/2019, 08:17 - Chia sẻ
Tại Hội thảo khoa học Mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa tổ chức, các chuyên gia cho rằng, nước ta có nhiều cơ hội để phát triển mô hình này. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay được Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường chỉ ra là “hiện vẫn chưa có một văn kiện chuyên đề và một văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh riêng về kinh tế tuần hoàn”. Đây là vấn đề cần sớm khắc phục để tạo đà cho mô hình này phát triển.

Chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn đúng nghĩa

“Mô hình kinh tế tuần hoàn (nơi các chất thải thay vì bị vứt bỏ gây lãng phí, ô nhiễm môi trường được hồi sinh dưới các nguồn lực khác nhau và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng) đã không còn dừng ở khái niệm mới mẻ mà đã dần chuyển hóa vào hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho biết.

Để minh chứng cho điều này, ông Vinh đưa ra nhiều dẫn chứng. Chẳng hạn, từ năm 2017 đến nay, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cùng các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng và triển khai hàng loạt sáng kiến, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp triển khai mô hình kinh tế chia sẻ. Năm 2018, sáng kiến “Không xả thải vào thiên nhiên” đã được khởi động thông qua lễ ký kết văn bản ghi nhớ và cam kết cùng thực hiện giai đoạn 2018 - 2022, bước đầu với sự tham gia của Công ty TNHH Nước giải khát Coca - Cola Việt Nam, Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam. Sáng kiến được thí điểm hoạt động với trọng tâm là phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ tháng 5.2018 trên địa bàn quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, sau đó nhân rộng ra toàn thành phố cũng như các địa phương khác…

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Thế Chinh cho rằng: “Nếu nhìn từ góc độ bản chất, nội hàm, quá trình hình thành và phát triển để khái quát mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, có thể nhận thấy hiện chúng ta chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn đúng nghĩa”. Dù vậy, ông Chinh thừa nhận, những mô hình gần với kinh tế tuần hoàn đã có từ khá sớm. Chẳng hạn, trong nông nghiệp có mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - rừng - ao - chuồng; trong ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã có các làng nghề sử dụng phế liệu, phụ phẩm, chất thải sản xuất công nghiệp hay hình thành các khu công nghiệp sinh thái mới đây ở Hải Phòng, Ninh Bình…

Không ai dám đầu tư nếu thiếu thông tin

Thực tế, dù mô hình kinh tế tuần hoàn đang dần được chuyển hóa vào hoạt động của doanh nghiệp, song Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh thừa nhận, “đa số doanh nghiệp Việt Nam không dễ gì bắt kịp xu hướng chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn”. Nguyên nhân là do thực trạng năng lực và nhận thức của doanh nghiệp, với đại đa số có quy mô nhỏ và vừa, truyền thông nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Trong đó, “quan trọng hơn cả là hành lang pháp lý có liên quan, giám sát thực thi luật và đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ cần thiết còn rất hạn chế”, ông Vinh nói.

Chia sẻ với ý kiến trên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường bổ sung, về mặt thuật ngữ, khái niệm kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam còn khá mới nhưng về mặt nội hàm thì không hoàn toàn xa lạ. Đảng, Nhà nước đã kịp thời tiếp cận, nắm bắt, từng bước xây dựng để ban hành đường lối, chính sách, pháp luật thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung và mô hình kinh tế tuần hoàn nói riêng. Nếu tính riêng văn bản cấp luật, từ năm 2000 đến nay, QH đã ban hành 297 bộ luật, luật có liên quan. Tuy vậy, “hiện vẫn chưa có một văn kiện chuyên đề và một văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh riêng về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn”, ông Đường thừa nhận.

Theo các chuyên gia, chính việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng liên quan đến mô hình kinh tế tuần hoàn khiến mô hình này vẫn tự phát. “Kinh nghiệm của các nước đã và đang thực hiện kinh tế tuần hoàn đều có luật và quy định pháp lý rõ ràng. Việt Nam nên có lộ trình tiến tới xây dựng luật cho phát triển mô hình này”, ông Nguyễn Thế Chinh nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển, các chuyên gia cho rằng, cần triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển các mô hình này trong nền kinh tế, từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập mô hình, tiêu chí của mô hình vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh của Việt Nam và phổ biến rộng rãi tới doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý để có nhìn nhận đúng. Việc phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn cần dựa trên mô hình đã có; tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường dựa trên các tiêu chí của hiệu quả đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp, người dân, nhất là khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, mô hình kinh tế tuần hoàn gắn liền với công nghệ cao. Do vậy, cần cơ chế chính sách cho phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải. Phải coi chất thải là nguồn tài nguyên trong nền kinh tế, xét cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng.

Cho rằng “không thể đầu tư tuần hoàn chất thải nếu không có số liệu, không biết chất thải nằm ở đâu, chất lượng thế nào”, ông Lê Minh Đức, đại diện Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam cho rằng, cần có những cải tiến trong quản lý chất thải, đặc biệt là quản lý thông tin số lượng, khối lượng, phân loại thành phần chất thải… “Tôi đi làm nhiều năm, hỏi anh em lấy số liệu chất thải ở đâu thì họ bảo cứ nhân theo đầu người, mỗi người bao nhiêu kg là ra, hoặc lấy số liệu từ công ty vệ sinh môi trường đưa vào bãi rác ngần này, cộng trừ là ra. Hiện, không ai có thể đưa ra số liệu chính xác chúng ta có bao nhiêu chất thải, thành phần thế nào… Như vậy có ai dám bỏ ra mấy chục triệu USD để đầu tư vào một thứ mà không biết thông tin. Muốn làm kinh tế tuần hoàn, phải có hạ tầng thông tin tốt mới thu hút được đầu tư”, ông Đức nói.

Đan Thanh