Sớm có đánh giá tác động môi trường

- Thứ Hai, 14/09/2020, 07:08 - Chia sẻ
TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho rằng, mặc dù năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường song việc xử lý các tấm pin mặt trời khi hết hạn cần được tính toán ngay từ bây giờ. Trước tiên phải sớm có đánh giá tác động của các tấm pin này để xây dựng phương án cụ thể.

Khó thay thế hoàn toàn điện than

- Tại Phiên giải trình về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội" do Ủy ban Kinh tế tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ phát triển điện khí và năng lượng tái tạo để thay thế điện than. Ông nghĩ sao về sự chuyển hướng này?

“Để thực sự thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, quan trọng nhất là phải có giá điện bảo đảm ổn định lâu dài. Thêm nữa, phát triển điện mặt trời mặt đất sử dụng rất nhiều đất nên cần có cơ chế ưu đãi về thuê đất cho nhà đầu tư; tạo điều kiện cho nhà đầu tư ngoại được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài”.

TS. Nguyễn Mạnh Hiến

- Điện khí (sắp tới đây chỉ có thể là khí tự nhiên hóa lỏng - LNG) và điện từ năng lượng tái tạo có ưu việt rất lớn là giảm đáng kể tác động môi trường, như giảm phát thải khí nhà kính (CO2), tác nhân làm trái đất nóng lên. Tính theo nhiệt lượng tương đương thì điện khí giảm 45% lượng phát thải CO2 so với điện than và không phát thải tro xỉ như điện than).

Tuy vậy, dùng điện khí và năng lượng tái tạo thay thế điện than không đơn giản. Bởi phát triển điện khí đòi hỏi mức đầu tư rất đắt đỏ cho cơ sở hạ tầng (hệ thống cảng, kho lưu trữ khí dưới dạng nước…), và nguồn khí tự nhiên trong nước khai thác đã đến giới hạn. Còn năng lượng tái tạo, dù Việt Nam có rất nhiều tiềm năng song có hệ số công suất thấp, hơn 30% với điện gió trên đất liền và khoảng 20% với điện mặt trời, nên chỉ có thể được coi là nguồn bổ trợ. Thêm nữa, chi phí đầu tư lớn hơn, lại phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên không điều chỉnh được theo yêu cầu, chưa kể khó khăn, phức tạp trong đấu nối vào lưới điện...

Về lâu dài, nhiệt điện than bảo đảm phụ tải cho biểu đồ tiêu thụ điện quốc gia, thời gian và chi phí đầu tư hợp lý, đặc biệt phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tới đây, điện than sẽ phải dùng công nghệ siêu tới hạn, trên siêu tới hạn thay vì cận tới hạn như hiện nay, dù chi phí đầu tư lớn song so với điện khí và năng lượng tái tạo vẫn rẻ hơn. Bởi vậy, nói điện khí và năng lượng tái tạo thay thế điện than chỉ nên hiểu là ở một chừng mực nào đó, với những dự án trước đây được quy hoạch là điện than thì có thể chuyển sang điện khí hoặc năng lượng tái tạo, chứ không thể thay thế hoàn toàn điện than.

- Cũng tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét việc nhiều địa phương đề nghị chuyển từ điện than sang điện khí, năng lượng tái tạo “rất mang tính phong trào”. Ông nghĩ sao về điều này?

- Điện mặt trời phát triển ồ ạt (chủ yếu trong các năm 2017 - 2019) là bởi mục tiêu đưa vào vận hành trước ngày 30.6.2019 để được hưởng giá bán điện 9,35 UScent/kWh. Tính đến nay, cả nước có trên 5.000MW điện mặt trời, trong đó 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận chiếm khoảng 1/3. Trong khi nhu cầu của các tỉnh này rất nhỏ nên cần lưới điện để tải công suất của các nhà máy điện mặt trời về trung tâm tiêu thụ điện tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… mà việc xây dựng lưới điện không thể nào đáp ứng kịp thời gây quá tải lưới điện và hạn chế công suất phát của nguồn điện.

Tuy nhiên, trong mấy tháng qua, với sự nỗ lực tối đa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa vào vận hành 21 dự án lưới điện cấp điện áp 110, 220 và 500kV với 750km đường dây và hơn 5.000MVA công suất máy biến áp, chủ yếu tại Ninh Thuận và Bình Thuận nên tình trạng quá tải lưới và hạn chế nguồn phát tại 2 tỉnh này đã được khắc phục. Trong 10 năm tới đây, hy vọng tình trạng này sẽ không xảy ra nữa vì về nguyên tắc, trong quá trình lập quy hoạch điện, khi xem xét xây dựng bất cứ dự án nguồn điện nào cũng phải tính đến hệ thống lưới điện truyền tải đồng bộ kèm theo; tùy theo quy mô công suất nguồn điện và khoảng cách của nó đến trung tâm tiêu thụ mà quyết định cấp điện áp lưới điện.

Bộ Công thương đang chỉ đạo lập quy hoạch điện VIII và điều này đã được đặc biệt lưu ý để phát triển năng lượng tái tạo ổn định, tin cậy, không để xảy ra bất cập như vừa qua. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng sẽ có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư nguồn điện gió, mặt trời xây dựng đồng bộ lưới điện truyền tải kèm theo để giải phóng hết công suất các nguồn này.

Với việc phát triển điện khí, ở đây chủ yếu là bài toán đầu tư cơ sở hạ tầng vốn rất tốn kém, đắt đỏ. Do vậy, điều này cần được Chính phủ, Bộ Công thương xem xét cân nhắc kỹ để không gây gánh nặng với nền kinh tế.

Cần sớm có đánh giá tác động môi trường của pin điện mặt trời để có phương án xử lý cụ thể.
Nguồn: ITN

Quy hoạch quỹ đất để xử lý pin

- Phát triển năng lượng tái tạo đặt ra những vấn đề gì thưa ông?

- Nhược điểm lớn nhất của điện gió và mặt trời là phát điện không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết và địa điểm xây dựng dự án. Để khắc phục nhược điểm này, khi tỷ trọng công suất điện gió, điện mặt trời trong tổng công suất nguồn của hệ thống điện quốc gia đạt tới 20% trở lên cần phải xây dựng thêm hệ thống tích điện (0,5MW cho 1MW điện gió và mặt trời) với chi phí khá cao.

Hơn nữa, loại năng lượng này chiếm diện tích đất khá lớn. 1MW điện gió chiếm 0,3ha; 1MW điện mặt trời chiếm 1,2 - 1,3ha; trong khi 1MW nhiệt điện than chỉ chiếm 0,15ha.

Ngoài ra, tùy theo công suất các tuabin gió có đường kính cánh hàng chục, thậm chí hàng trăm mét, khi quay phát ra tiếng ồn khá lớn ảnh hưởng đến dân cư trong khu vực hoặc quật chết những con chim bay gần. Các tấm pin mặt trời được chế tạo từ vật liệu, hóa chất độc hại nên khi thanh lý chúng (sau 20 năm vận hành) cũng cần đặt ra ngay từ bây giờ.

- Cách nào để xử lý các tấm pin này?

- Nhiều nước chôn các tấm pin này, nhưng ở ta vấn đề này còn khá mới nên chưa có quy định cụ thể. Tuy vậy, từ bây giờ, chúng ta phải tính đến việc này để chất độc hại không thẩm thấu trong lòng đất hoặc rò rỉ, phát tán ra môi trường. Phải có quy hoạch quỹ đất cho việc xử lý này.

Nhưng trước tiên, cần có đánh giá tác động môi trường đối với các tấm pin, trên cơ sở đó tính toán phương án cụ thể.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện