Nhịp cầu

Sớm bố trí nguồn nước sạch cho người dân Mỹ Đức

- Chủ Nhật, 17/11/2019, 08:09 - Chia sẻ
Hiện địa bàn huyện Mỹ Đức (Hà Nội) chỉ có duy nhất xã Hương Sơn có công trình cấp nước sạch tập trung, 20 xã, thị trấn còn lại, nhân dân phải tự khoan giếng, giếng đào hoặc xây bể hứng nước mưa phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày… Một số hộ dân có điều kiện hơn thì đầu tư hệ thống lọc nước để giảm nguy cơ gây hại do ô nhiễm nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, việc khoan giếng để lấy nước sử dụng không phải lúc nào cũng dễ dàng và chi phí ngày càng tăng, do đó cử tri và nhân dân nơi đây mong muốn các cấp chính quyền sớm có giải pháp bố trí nguồn nước sạch, hợp vệ sinh bảo đảm điều kiện sống cho người dân.

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Hoa (xã Tuy Lai), nhiều năm nay, nguồn nước sinh hoạt của gia đình bà và nhân dân trong thôn từ nước mưa và nước giếng. Phần nước dự trữ trong bể xây dành riêng cho nhu cầu ăn uống. Còn nước tắm giặt, chăn nuôi, trồng trọt, nhiều gia đình phải vay tiền ngân hàng đến hàng chục triệu để khoan giếng và mua các thiết bị bơm nước. Như vậy cũng đã là may mắn hơn so với các hộ dân ở xã Phúc Lâm, Mỹ Thành, An Mỹ, Hồng Sơn… Ở những xã này, việc khoan giếng lấy nước sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn và chi phí cũng cao hơn. Cá biệt như khu vực thôn Phúc Lâm (xã Phúc Lâm), thôn Vĩnh Xương (xã Mỹ Thành)… phải khoan sâu hơn 100m mới tìm được nguồn nước. Chi phí khoan giếng, làm hệ thống bơm, lọc cũng dao động 40 - 100 triệu đồng. Không đủ tiềm lực kinh tế, nhiều hộ dân ở đây đã góp tiền khoan giếng chung, rồi tự đầu tư hệ thống xử lý nước.

Thực tế, trên địa bàn huyện Mỹ Đức có 4 nhà máy sản xuất nước sạch tập trung, trong đó, có 3 công trình nằm trên địa bàn xã Hương Sơn đang hoạt động ổn định và Nhà máy Nước sạch Đại Nghĩa đang xây dựng dở dang. Tuy nhiên, do công suất nhỏ nên 3 công trình ở xã Hương Sơn chỉ đủ phục vụ nhân dân địa phương và du khách về tham quan, trẩy hội chùa Hương, không thể mở rộng mạng cấp ra các địa phương xung quanh. Đối với Nhà máy Nước sạch Đại Nghĩa, do thay đổi nguồn cấp đầu vào (nước mặt sông Đáy bị ô nhiễm) nên hiện nay dự án này vẫn chưa hoàn thành.

Trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức Lê Nghiêm Huấn cho biết, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng cao của người dân, hạn chế gây ra hiện tượng sụt lún đất và ô nhiễm nguồn nước ngầm, huyện Mỹ Đức đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông khảo sát nguồn nước hồ Quan Sơn để cấp cho Nhà máy Nước sạch Đại Nghĩa. Mặc dù chất lượng nước đáp ứng yêu cầu nhưng vài năm gần đây hồ Quan Sơn không ổn định nguồn sinh thủy, chưa có công trình thay thế nhiệm vụ tưới cho khoảng 7.000ha sản xuất nông nghiệp của 14 xã, thị trấn vùng ven hồ. Vì vậy, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông và huyện Mỹ Đức chưa thể xây dựng phương án lấy nước hồ để cấp nước thô cho Nhà máy Nước sạch Đại Nghĩa.

Trên cơ sở phản ánh của người dân địa phương, vừa qua, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch trên đường trục kinh tế phía Nam để kết nối hệ thống mạng lưới cấp nước tập trung của thành phố, bổ sung nguồn nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố cấp cho khu vực nông thôn thuộc huyện Thanh Oai, Ứng Hòa và Mỹ Đức, tiến độ thực hiện dự án trong năm 2019 - 2020. Đó là tín hiệu đáng mừng cho cử tri và nhân dân huyện Mỹ Đức. Tuy nhiên, người dân rất mong các cấp chính quyền quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để sớm có nước sạch sử dụng. 

Đan Thanh