Sớm ban hành văn bản hướng dẫn Luật PPP

- Thứ Năm, 17/09/2020, 08:58 - Chia sẻ
Tại tọa đàm trực tuyến “Chính sách mới, cơ hội mới cho PPP” sáng ngày 16.9, các đại biểu cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn để Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) nhanh chóng đi vào thực tế. Cùng với đó, cơ quan nhà nước phải tôn trọng hợp đồng PPP vì đây chính là cái neo để giữ được niềm tin của nhà đầu tư.

Tạo môi trường pháp lý ổn định

Luật PPP được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, có hiệu lực từ ngày 1.1.2021. Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Hồng Thái (Đại học Giao thông - Vận tải) và PGS.TS Vũ Cương (Đại học Kinh tế Quốc dân), Luật PPP kế thừa những quy định tốt đã và đang thực hiện, đồng thời bổ sung các nội dung mới, quan trọng, bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho các dự án PPP trong thời gian tới. Trước đây, hợp tác công tư chỉ dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật liên quan như: Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Nhà ở… nên rất khó quy định những nội dung hết sức đặc thù của quan hệ đối tác công tư.

Bên cạnh đó, Luật bảo đảm khung khổ pháp lý ổn định và lâu dài để tạo lòng tin cho nhà đầu tư, vì quan hệ đối tác công - tư thường mang tính dài hạn, 20 - 30 năm.  Đồng thời, Luật hoàn thiện hàng loạt cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cho riêng loại hình dự án PPP như: bảo đảm ngoại tệ, chia sẻ rủi ro, phần vốn nhà nước...

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc bổ sung, tiềm năng phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam được nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao. Luật PPP với nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam xác định phát triển cơ sở hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy vậy, hiện vẫn còn các rào cản cũ, mới đan xen, trong đó có yếu tố về hệ thống thể chế, chính sách chưa hoàn thiện. Một trong những biểu hiện là “có gần 30 nội dung, điều khoản trong Luật cần được hướng dẫn và tồn tại chồng chéo, mâu thuẫn với các luật liên quan”, ông Lộc nói.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) Trần Chủng xác nhận Luật PPP được kỳ vọng sẽ phát huy nội lực, khát vọng của các nhà đầu tư trong nước xây dựng hệ thống giao thông đường bộ nhưng để Luật đi vào thực tiễn còn rất nhiều khó khăn. "Chúng tôi rất mong đợi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính ban hành”.

"PPP vì con người", vì cộng đồng

Để Luật PPP sớm đi vào thực tế, các đại biểu cho rằng việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý (trước mắt là khẩn trương soạn thảo, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật PPP) phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các dự án đã và đang gặp phải, qua đó tạo niềm tin của nhà đầu tư PPP với cơ quan nhà nước. “Sự tôn trọng hợp đồng PPP của cơ quan nhà nước là cái neo để giữ được niềm tin của nhà đầu tư”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc ví von.

Cũng theo ông Lộc, trong chính sách và thực thi dự án PPP cần gắn kết với mục tiêu phát triển bền vững, PPP vì con người và cộng đồng. “Thực tế cho thấy, nếu dự án PPP chỉ xoay quanh lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư và ngân hàng cho vay mà không chú trọng đến lợi ích của cộng đồng với tư cách là người dân và người tiêu dùng sẽ dẫn đến, thậm chí làm bùng nổ sự bức xúc và phản đối trong xã hội”. Do đó, Liên Hiệp Quốc đã tích cực thúc đẩy nguyên tắc: PPP vì con người. Điều này có thể đạt được nếu dự án đầu tư chất lượng, có nghĩa là dự án tăng khả năng tiếp cận dịch vụ, tăng công bằng, vận hành hiệu quả, có tính bền vững, đề cao yếu tố môi trường, trách nhiệm xã hội và có thể mở rộng, lan tỏa...

Ngoài ra, bên cạnh việc tập trung vào các dự án lớn, có tính dẫn dắt và lan tỏa, cần quan tâm tới các dự án nhỏ, có thể triển khai nhanh và đem lại hiệu quả sớm hơn, góp phần đẩy nhanh quá trình hồi phục kinh tế trong bối cảnh đang bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thừa nhận việc khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn Luật PPP là yêu cầu cốt yếu để đẩy nhanh hoạt động PPP, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đơn vị này đang giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo 2 nghị định (hướng dẫn chung thực thi Luật PPP và lựa chọn nhà đầu tư). Nghị định về hướng dẫn cơ chế tài chính dự án PPP do Bộ Tài chính xây dựng. Việc soạn thảo 3 nghị định này đều có sự phối hợp giữa hai bộ để bảo đảm sự gắn kết hữu cơ.

Nguồn: ITN

Doanh nghiệp có thiệt thòi?

Một trong những nội dung được đại diện doanh nghiệp rất quan tâm là cơ chế chuyển tiếp quy định về chia sẻ rủi ro tăng, giảm doanh thu. Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Trần Văn Thế cho rằng, doanh nghiệp này đã và đang đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, tuy nhiên trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư không có cơ chế chia sẻ rủi ro vì tại thời điểm đó pháp luật chưa quy định. “Đây là thiệt thòi lớn mà chúng tôi đang phải gánh chịu khi thâm hụt doanh thu lớn, ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng. Do đó, chúng tôi mong có điều khoản chuyển tiếp để được áp dụng theo quy định của pháp luật”.

Cũng theo ông Thế, trong Luật Đầu tư có quy định khi thay đổi chính sách đầu tư nói chung mà những cái gì có lợi cho nhà đầu tư nên xem xét áp dụng và chuyển tiếp, tuy vậy Luật PPP chưa có tinh thần đó.

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu Vũ Quỳnh Lê cho rằng, đối với các dự án cũ, Điều 101 Luật PPP đã quy định rõ về chuyển tiếp. Việc Luật PPP không theo hướng của Luật Đầu tư bởi Luật Đầu tư định hướng là theo ưu đãi mới cao hơn, còn ở đây là chia sẻ rủi ro, tức là “đặt rất nhiều biến số vào một bài toán”. Do vậy, cơ quan nhà nước không đương nhiên đưa ra ngay cơ chế chia sẻ rủi ro với dự án đã và đang thực hiện mà “chắc chắn phải qua quy trình đề xuất, thẩm định xem có thuộc khả năng ngân sách có thể chịu đựng hay không”. Nói cách khác, để không phải bước qua khâu chủ trương đầu tư mà vẫn được hưởng chia sẻ rủi ro doanh thu là “hơi khó”.

Đan Thanh