Bạn đọc viết

Sớm áp dụng cơ chế rút gọn

- Chủ Nhật, 07/04/2019, 08:33 - Chia sẻ
Quy định về trình tự, thủ tục trong lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS) đang làm giảm đáng kể hiệu quả công tác thi hành án; đồng thời tạo áp lực không nhỏ đối với chấp hành viên, nhất là ở những địa phương có lượng vụ, việc lớn.

Điều này thể hiện trong nhiều hoạt động liên quan đến việc tổ chức thi hành án. Đơn cử, đối với thủ tục kê biên, xử lý tài sản, trong suốt quá trình kê biên, xử lý tài sản, chấp hành viên phải tiến hành thông báo, niêm yết đầy đủ các văn bản, quyết định về thi hành án cho đương sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Để xử lý xong một tài sản, chấp hành viên phải thông báo, niêm yết các văn bản không dưới 10 lần (nếu tài sản bán đấu giá không thành thì thủ tục này sẽ phức tạp hơn) và mỗi lần như vậy đều phải niêm yết đầy đủ cả 3 nơi (nơi có tài sản, UBND cấp xã, trụ sở cơ quan thi hành án). Tổng cộng, chấp hành viên phải lập thủ tục niêm yết không dưới 30 lần cho việc thông báo. Hay liên quan đến thủ tục định giá, giảm giá tài sản, các bước định giá, bán đấu giá hiện nay vẫn còn chiếm nhiều thời gian trong việc giải quyết thi hành án, ví dụ như việc bán đấu giá tài sản nhiều lần. Khoản 3, Điều 104, Luật Thi hành án dân sự xác định mốc “giảm giá bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế”, tuy nhiên có những vụ việc bán đấu giá, hạ giá hàng chục lần, thậm chí nhiều hơn… mà vẫn không có người đăng ký mua, người được thi hành án cũng không nhận tài sản để trừ vào tiền được thi hành án.

Từ thực tế này, việc áp dụng cơ chế thi hành án rút gọn được xem là giải pháp cần sớm được áp dụng. Theo đó, sẽ áp dụng cơ chế thi hành án rút gọn đối với các vụ việc thi hành án có giá trị nhỏ, tính chất đơn giản, ví dụ như trả lại tiền tạm ứng án phí, tài sản có giá trị nhỏ (vài trăm nghìn đồng)… Hiện nay, trình tự, thủ tục hoàn trả các tài sản có giá trị nhỏ… hoặc các tài sản có giá trị lớn hơn cho đương sự đều phải thực hiện theo trình tự thủ tục chung do pháp luật quy định. Việc quy định trình tự, thủ tục chung khi trả lại cho đương sự các loại tài sản này gây ra nhiều bất cập trong thực tiễn. Theo quy định tại Điều 126, Luật Thi hành án dân sự sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 3 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng, thì chấp hành viên xử lý tài sản và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn; đồng thời thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng, thì cơ quan THADS làm thủ tục sung quỹ nhà nước. Như vậy, thời gian để xử lý tài sản trong trường hợp đương sự không đến nhận vẫn còn quá dài - hết thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng, thì cơ quan THADS làm thủ tục sung quỹ nhà nước.

Nguyễn Minh