Thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVII

Sôi nổi bàn chuyện nông nghiệp, tăng thu ngân sách

- Chủ Nhật, 16/12/2018, 09:24 - Chia sẻ
Thảo luận tại hội trường về những báo cáo, tờ trình trình tại kỳ họp, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ nhiều yếu kém tồn tại, đề xuất giải pháp hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, nhất là việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; giải pháp tăng thu ngân sách…

Đẩy mạnh chống thất thu

Hầu hết đại biểu đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh trong điều hành thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Đăng Quang cho rằng, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt được khá toàn diện; đặc biệt, thu NSNN ước 4.000 tỷ đồng, đạt 133% so với dự toán Trung ương giao và tăng 5,3% so với năm 2017. Tuy vậy, nền kinh tế của tỉnh vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, phát triển chưa tương xứng với quy mô, vị thế. Có 4/16 khoản thu không hoàn thành dự toán; nợ đọng thuế còn cao… ‘‘Dự toán thu ngân sách năm 2019, Quảng Bình đặt ra chỉ tiêu 4.500 tỷ đồng, trong điều kiện quỹ đất ngày càng ít, nguồn thu từ các doanh nghiệp (DN) sẽ khó khăn, đòi hỏi cần thực hiện các giải pháp đồng bộ mới có thể đạt chỉ tiêu đề ra’’, ông Quang nhấn mạnh.

Cho rằng đây thực sự là bài toán nan giải, đại biểu Dương Văn Hùng đề xuất UBND tỉnh tổ chức triển khai các luật thuế mới, đẩy mạnh chống thất thu; tích cực khai thác nguồn thu từ quỹ đất, hoạt động kinh doạch du lịch, khai thác khoáng sản; quản lý tốt các nguồn thu… Còn theo đại biểu Hồ An Phòng, thất thu thuế trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ là vấn đề tồn tại nhiều năm qua. Do đó, tỉnh cần phải có phần mềm liên thông giữa các ngành và chuyển sang cổ phần hóa để DN thực hiện.

Bổ sung giải pháp tăng thu ngân sách, nhiều đại biểu đề nghị UBND tỉnh đẩy mạnh các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách, nhất là thu từ phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường thu hồi nợ đọng thuế đối với các DN. Đồng thời, tích cực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính, bồi thường giải phóng mặt bằng, sớm đưa các cơ sở sản xuất mới vào hoạt động. Mặt khác, tỉnh cũng cần triển khai tốt công tác quy hoạch; tăng cường các cuộc đối thoại tạo sự đồng thuận trong nhân dân để tạo môi trường đầu tư thông thoáng.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang khẳng định, thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện các biện pháp cải tiến quản lý nguồn thu, đẩy mạnh và kiên quyết xử lý các trường hợp nợ ngân sách kéo dài; chủ động sắp xếp các nhiệm vụ chi phù hợp với khả năng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm khả năng thanh toán, chi trả của ngân sách.

Đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận Ảnh: Hải Phong

Phòng chống hạn, bảo đảm nước tưới cho cây trồng

 Thời gian tới, chính quyền các cấp cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt chương trình xây dựng NTM, bảo đảm bền vững các tiêu chí, hạn chế nợ đọng; phấn đấu năm 2019 có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, đưa số xã đạt NTM lên 72 xã, chiếm 52,9% số xã toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường kỷ cương quản lý ngân sách nhà nước, có giải pháp tích cực để củng cố và phát triển nguồn thu, chống thất thu, nợ đọng thuế, kiên quyết xử lý nợ ngân sách kéo dài; thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư công năm 2019…

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh HOÀNG ĐĂNG QUANG

Vấn đề nông nghiệp và nông thôn cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Những năm qua, Quảng Bình đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn, đồng thời thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương còn khó khăn; các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao còn ít…

Băn khoăn trước tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Quang Năm đề nghị UBND tỉnh, trực tiếp là Sở NN-PTNT chỉ đạo các địa phương chủ động phương án chuyển đổi cây trồng ngay trước vụ Đông Xuân với tinh thần tích cực, quyết liệt, kịp thời để không rơi vào thế bị động, không bỏ đất hoang vì thiếu nước; đồng thời có biện pháp tích nước, giữ nước, không để tiêu lãng phí vào đầu vụ. ‘‘Đối với vùng thượng nguồn Mỹ Trung, không tưới nước tự nhiên mà phải duy trì hệ thống máy bơm nước bơm từ ruộng ra để gieo cấy và phải dự trữ nước trên các sông. Thực hiện phương án như vậy, nhu cầu sử dụng điện cho nông nghiệp sẽ tăng lên nhưng sẽ khắc phục bớt nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng và nước sinh hoạt cho nhân dân”, đại biểu Năm phân tích.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Lương Bình đề xuất tỉnh có giải pháp điều tiết nguồn nước hợp lý, đồng thời tăng cường tuyên truyền sử dụng tiết kiệm trong nhân dân trước tình hình hạn hán và thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt có khả năng diễn ra gay gắt trong mùa hè năm 2019… Tương tự, đại biểu Nguyễn Ngọc Hùng cũng cho rằng: Tỉnh cần quan tâm hỗ trợ kinh phí cho nông dân chuyển đổi diện tích không thể trồng lúa sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày khác. ‘‘Hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất lúa của nông dân huyện Quảng Ninh. Vụ hè thu năm 2019, toàn huyện dự kiến chỉ sản xuất được 700 - 800ha trên tổng số 3.000ha hàng năm’’, đại biểu dẫn chứng.

Liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các đại biểu ghi nhận: Với sự vào cuộc, nỗ lực của các cấp ngành và sự chung tay của toàn dân đã làm thay đổi cảnh quan, môi trường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Năm 2018, Quảng Bình có thêm 10 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn có 36 xã bị sụt giảm tiêu chí… Về vấn đề này, đại biểu Trần Sơn Tùng đề nghị trong năm 2019, UBND tỉnh cần lấy tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất) làm định hướng đột phá để tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, người dân về vai trò và tổ chức hoạt động của hợp tác xã (HTX); đồng thời, tập trung chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng hoạt động HTX các xã bị sụt giảm tiêu chí, mạnh dạn giải thể hoặc chuyển đổi sang hình thức hoạt động khác đối với các HTX ngừng hoạt động và HTX không đủ điều kiện.

Góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, đại biểu Phạm Thị Hân cho rằng: UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch. Đồng thời, phối hợp đồng bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu; tăng cường xây dựng phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và kết nối thị trường tiêu thụ.

Tán thành quan điểm này, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Mai Xuân Hạp kiến nghị UBND tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện tốt các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; có giải pháp tích cực phòng chống hạn, bảo đảm nước tưới cho cây trồng.

DIỆP ANH