Soạn thảo luật: Hỗ trợ nghị sỹ soạn thảo luật

- Thứ Sáu, 11/04/2008, 00:00 - Chia sẻ
Ở các nước, số lượng luật do nghị sỹ soạn thảo và trình không lớn, thường chỉ không đến 10% tổng số dự luật trình Nghị viện. Ví dụ, ở Slovakia, khoảng 10% nghị sỹ có bằng luật và có thể tự mình soạn thảo dự luật. Một số trường hợp khác, nghị sỹ thuê chuyên gia bên ngoài trợ giúp soạn thảo.

CÁC BÀI TRONG CHUYÊN ĐỀ

Có nên thuê tư nhân soạn thảo luật không?

OPC ở Australia

      Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, Nghị viện các nước thành lập bộ phận soạn thảo luật đặt trong Văn phòng Nghị viện để hỗ trợ các nghị sỹ. Bộ phận này thường được gọi là Văn phòng Cố vấn Lập pháp gồm nhiều chuyên gia có trình độ chuyên môn về pháp luật, thực hiện chức năng giúp việc chung cho các nghị sỹ. Phần lớn các ý tưởng lập pháp của các nghị sỹ được bộ phận này giúp đỡ để thể hiện thành văn bản. Nghị sỹ trước hết phải cung cấp những thông tin cần thiết về ý tưởng của mình, nhất là về định hướng chính trị mà nghị sỹ theo đuổi, về nguồn gốc của vấn đề và kèm theo đó là các tài liệu cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc soạn thảo. Ở Canada, Văn phòng cố vấn Lập pháp còn có vị trí quan trọng hơn trong quá trình soạn thảo và thông qua các dự án luật của cá nhân các nghị sỹ bởi vì theo quy định trong nội quy của hạ Nghị viện Canada thì Văn phòng cố vấn Lập pháp phải chịu trách nhiệm bảo đảm các dự án luật của các nghị sỹ đáp ứng được các yêu cầu về mặt pháp lý. 
      Ở các nước Đông Âu như Litva, Vụ pháp luật của Quốc hội nước này cung cấp dịch vụ soạn thảo luật; Ở Slovenia Thư ký về Lập pháp và các vấn đề pháp luật thuộc Tổng thư ký chịu trách nhiệm soạn thảo luật cho nghị sỹ; Ở Slovakia, công việc soạn thảo luật do Vụ Lập pháp thuộc Văn phòng Quốc hội đảm nhận. 

      Ở Trung Quốc, Văn phòng Quốc hội nước này tổ chức Ban lập pháp. Ban gồm khoảng 200 chuyên gia, do một cán bộ lãnh đạo cấp thứ trưởng đứng đầu và có nhiệm vụ giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tu chỉnh các dự thảo được Ủy ban cho ý kiến; Soạn thảo các dự án luật do các Ủy ban trình. Ban công tác luật pháp cũng giúp rà soát, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản đối với các dự án luật do Chính phủ soạn thảo và trình.
      Còn Quốc hội Bulgaria có mô hình cơ quan soạn thảo luật khá đặc biệt với tên gọi Hội đồng Lập pháp. Hội đồng tập hợp những giáo sư luật đang hoặc đã giảng dạy ở các cơ sở đào tạo luật trong tất cả các lĩnh vực như luật dân sự, hình sự, thương mại... Khi cần thiết, theo yêu cầu của các ủy ban, Hội đồng sẽ tư vấn hoặc soạn thảo luật cho các nghị sỹ. Mặc dù đây không phải là cơ chế chính thức, nhưng bộ phận này được đánh giá là hữu ích đối với hoạt động lập pháp của Quốc hội Bulgaria.
      Cũng như đối với các chuyên gia soạn thảo luật của chính phủ, việc soạn thảo luật của Nghị viện cũng đòi hỏi những kỹ năng đặc thù, những kỹ thuật, cách thức, phong cách soạn thảo như nhau; Nhu cầu tập huấn cũng giống nhau. Bên cạnh đó, sự trao đổi kinh nghiệm giữa hai bộ phận này là rất quan trọng.

Hoài Thu